Giá nguyên liệu đầu vào đắt đỏ, đẩy CPI tháng 9/2022 tăng 0,4%
Giá xăng dầu đẩy CPI tháng 5/2022 tăng CPI bình quân quý II/2022 tăng 2,96% Chỉ số giá tiêu dùng tăng 2,58% trong 8 tháng |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước. |
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2022 tăng 0,4% so với tháng trước chủ yếu do giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và một số địa phương tăng học phí năm học mới 2022 - 2023.
Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, 9 nhóm hàng có chỉ số tăng so với tháng trước; 2 nhóm giảm, trong đó nhóm giao thông giảm 2,23% do giá xăng liên tục đi xuống ở các kỳ điều chỉnh trong tháng và nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,04%.
Trong đó đáng chú ý có nhóm giáo dục tháng 9 tăng 5,84% so với tháng trước, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 6,48%, do thời gian miễn, giảm học phí trong đại dịch tại nhiều địa phương đã kết thúc, đồng thời một số tỉnh, thành phố thực hiện tăng học phí theo Nghị quyết của HĐND cấp tỉnh về việc quy định mức thu học phí, các khoản thu dịch vụ phục vụ và hỗ trợ hoạt động giáo dục từ năm học 2022-2023.
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 9/2022 so với |
Ngoài ra, một số cơ sở giáo dục ngoài công lập phải tự chủ về kinh phí điều chỉnh mức tăng học phí phù hợp với quy định. Bên cạnh đó, vào năm học mới nên nhu cầu mua sắm sách vở và các dụng cụ học tập tăng. Giá sách giáo khoa tăng 1,41%; giá vở, giấy viết các loại tăng 0,92%; bút viết các loại tăng 0,9% so với tháng trước.
So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 9/2022 tăng 3,94%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 10 nhóm tăng giá. Riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,15% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm.
So với tháng 12/2021, CPI tháng 9 tăng 4,01%, trong đó có 10 nhóm hàng tăng giá, riêng nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,12%.
Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 9 từ năm 2018 đến năm 2022 |
Tính chung, CPI bình quân quý III/2022 tăng 3,32% so với quý III/2021. Bình quân 9 tháng năm nay, CPI tăng 2,73% so với cùng kỳ năm trước.
Một số nguyên nhân làm tăng CPI trong quý III năm 2022 được Tổng cục Thống kê nhắc đến là: Giá xăng dầu trong nước bình quân quý III/2022 tăng 21,77% so với cùng kỳ năm trước với 25 đợt điều chỉnh (11 đợt giảm giá), giá các mặt hàng thực phẩm quý III/2022 tăng 2,33%, giá gas trong nước biến động theo giá thế giới...
Tổng cục Thống kê cũng cho biết lạm phát cơ bản tháng 9/2022 tăng 0,47% so với tháng trước, tăng 3,82% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 9 tháng năm 2022, lạm phát cơ bản tăng 1,88% so với cùng kỳ năm 2021, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 2,73%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực và giá xăng, dầu.