Giá xăng dầu đẩy CPI tháng 5/2022 tăng
Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4/2022 tăng nhẹ CPI tháng 3/2022 tăng 0,7% CPI 2 tháng đầu năm 2022 tăng 1,68% |
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước |
Theo Báo cáo mới nhất của Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước, tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm ngoài.
Cơ quan thống kê nhận định giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới;giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2022 tăng.
Với mức tăng này, CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2022 tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021 nhưng thấp hơn mức tăng từ 2,74%-4,47% của 5 tháng đầu năm giai đoạn 2017-2020.
Đáng chú ý, trong xu hướng giá cả hàng hóa đang tăng, nhiều khả năng lạm phát năm nay không ở mức thấp như năm ngoái với 1,84% mà sẽ xoay quanh ngưỡng mục tiêu 4%.
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2022 có 10/11 nhóm hàng tăng giá
Cụ thể, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 5/2022 tăng 0,27% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 0,28%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm;
Thực phẩm tăng 0,22%, tác động tăng 0,05 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,4%, tác động tăng 0,03 điểm phần trăm.
Trong đó, ở nhóm lương thực tháng 5/2022 tăng 0,28% so với tháng trước, bởi đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,25%.
Đặc biệt, nhóm hàng thực phẩm tăng 0,22% so với tháng trước, nguyên nhân chủ yếu bởi giá thức ăn chăn nuôi, giá vận chuyển tăng làm cho giá thịt gia cầm tăng 1,03% so với tháng trước; thịt gia cầm đông lạnh tăng 2,16%; giá trứng các loại cũng tăng 0,9% so với tháng trước.
Giá thủy hải sản tươi sống tăng 0,18% so với tháng trước do giá nhiên liệu tăng; giá thủy sản chế biến tháng 5.2022 tăng 0,24% so với tháng 4.2022. Giá thịt lợn tăng 0,02% so với tháng trước.
Giá dầu mỡ ăn và chế biến tăng 1,47% so với tháng trước do giá nguyên liệu đầu sản xuất dầu cọ tăng cao. Giá nước mắm, nước chấm tăng 0,8% so với tháng trước; đường, mật tăng 0,27%; sữa, bơ, pho mát tăng 0,33%; bánh, mứt, kẹo tăng 0,47%; chè, cà phê, ca cao tăng 0,16% do giá vận chuyển tăng...
Tiếp sau đó, chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,33% so với tháng trước do giá nguyên liệu đầu vào và giá vận chuyển tăng.
Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,18% so với tháng trước do giá nguyên phụ liệu sản xuất tăng vì ảnh hưởng của chiến tranh Nga - Ucraina và chiến lược "Zero COVID" từ Trung Quốc;
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,22% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở các mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào mùa hè.
Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 5.2022 tăng 2,34% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm.
Chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 0,17% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,01 điểm phần trăm do một số địa phương tăng học phí năm học 2021-2022 trở lại sau thời gian miễn, giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm cho nhóm dịch vụ giáo dục tăng 0,17% so với tháng trước.
Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,74% so với tháng trước.
Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 5.2022 tăng 0,19% so với tháng trước, tập trung chủ yếu ở mặt hàng đồ dùng cá nhân.
Chỉ số giá USD tăng 0,65%.
Tháng 5/2022, có nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,13% so với tháng trước.
Như vậy, nhóm hàng tăng giá chiếm số áp đảo đã đẩy CPI tháng 5 tăng cao.