Thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp "xanh" theo định hướng ESG
Theo tìm hiểu, hiện nay cả nước đang có 418 khu công nghiệp đã thành lập, với 371 khu công nghiệp nằm ngoài các khu kinh tế, 39 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển, 8 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế cửa khẩu, với tổng diện tích đất tự nhiên đạt khoảng 129,9 nghìn ha.
Trong số các khu công nghiệp đã được thành lập, có 298 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 120 khu công nghiệp đang trong quá trình xây dựng. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các khu công nghiệp cả nước đạt khoảng 51,3 nghìn ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 57,5%.
Thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp "xanh" theo định hướng ESG. |
Nếu tính riêng các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt khoảng 72,5%. Trong số 298 khu công nghiệp đi vào hoạt động, có 272 khu công nghiệp có nhà máy xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (đạt tỷ lệ khoảng 91,3%), đáp ứng chỉ tiêu kế hoạch Quốc hội giao.
Dù có nhiều đóng góp vào thành tựu phát triển kinh tế - xã hội cho đất nước, song hiện các khu công nghiệp chưa tạo được sự cân bằng giữa kinh tế, môi trường và xã hội khi phát triển đang thiếu sự đồng bộ, thiếu gắn kết. Nhiều khi công nghiệp vẫn đang sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên, gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường tự nhiên và môi trường sống của cộng đồng dân cư sinh sống quanh các khu công nghiệp.
Hội thảo "Thực hành ESG và đổi mới tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững" . |
Hiểu rằng phát triển các khu công nghiệp "xanh" với thực hành ESG (Môi trường, xã hội và quản trị), tiến hóa từ khái niệm CSR (trách nhiệm xã hội của doanh nghiêp), là điều vô cùng quan trọng, là xu hướng đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, được nhắc đến ngày một nhiều hơn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Mới đây, Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam phối hợp Liên chi Hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA) tổ chức buổi Hội thảo "Thực hành ESG và đổi mới tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững" tại TP HCM để chia sẻ về vấn đề trên.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Võ Trường An – Phó TGĐ Công ty CP Sàn giao dịch Tín chỉ Carbon ASEAN (CCTPA) cho biết, Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn về ô nhiễm môi trường và cam kết đạt mức phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050. Khu công nghiệp (KCN), dù đóng góp lớn cho kinh tế, cũng là nguồn gây ô nhiễm không khí đáng kể. Để giải quyết vấn đề này, Việt Nam đang hướng tới xây dựng các KCN xanh, bắt đầu từ mô hình KCN sinh thái như đã quy định trong pháp luật.
Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này đòi hỏi các doanh nghiệp trong KCN phải nâng cao năng lực, đặc biệt là trong việc đo lường và báo cáo lượng khí nhà kính thải ra. Việc này giúp doanh nghiệp hiểu rõ tình hình hiện tại và xây dựng kế hoạch giảm phát thải một cách hiệu quả, góp phần thực hiện cam kết Net Zero của Việt Nam.
“Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang khu công nghiệp xanh, cần tập trung vào các lĩnh vực trọng tâm như phát triển giao thông công cộng và giao thông thông minh, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, quản lý tài nguyên nước hiệu quả và bảo vệ nguồn nước, đồng thời xử lý chất thải hiệu quả và giảm thiểu lượng chất thải. Bên cạnh đó, việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, nâng cao nhận thức cộng đồng và hợp tác quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình này”, ông An cho biết.
Trong chiến lược quốc gia và phát triển xanh giai đoạn 2021- 2030, cũng như cam kết của Chính phủ tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP26) quyết tâm đưa phát thải ròng carbon về bằng “0” vào năm 2050 là những yêu cầu bức thiết đặt ra trong việc thực hiện phát triển theo hướng xanh, bền vững.
Theo xu hướng này, mô hình khu công nghiệp truyền thống sẽ được thay đổi và phát triển theo hướng bền vững, tiệm cận với yêu cầu quốc tế.
Do đó, với xu hướng phát triển bền vững, yêu cầu xây dựng và chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu thành khu công nghiệp xanh, sinh thái là yêu cầu bức thiết hiện nay nhằm chung tay thực hiện theo các cam kết về chuyển đổi xanh, phát triển bền vững theo tinh thần mà Chính phủ đã cam kết tại COP26, cũng như phù hợp với yêu cầu phát triển thời gian tới.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành nước phát triển vào năm 2045 và đạt phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Đây vừa là tham vọng lớn nhưng cũng là thách thức đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Việc phát triển các KCN sinh thái, chuỗi sản xuất tuần hoàn khép kín được coi là giải pháp hữu hiệu để góp phần hiện thực hóa mục tiêu.
ESG là viết tắt của Environment (Môi trường), Social (Xã hội) và Governance (Quản trị). Đây là bộ ba tiêu chuẩn được sử dụng để đo lường mức độ phát triển bền vững và tác động của doanh nghiệp đến cộng đồng. Environmental (Môi trường): Tiêu chí này đánh giá cách thức một công ty tương tác với môi trường tự nhiên. Bao gồm các vấn đề như quản lý chất thải, tiêu thụ năng lượng, bảo vệ đa dạng sinh học và giảm thiểu tác động lên biến đổi khí hậu. Social (Xa hội): Tiêu chí xã hội đánh giá mối quan hệ của công ty với các bên liên quan như nhân viên, khách hàng, cộng đồng và các đối tác. Các vấn đề như quyền lao động, sức khỏe và an toàn, quản lý chuỗi cung ứng và tác động xã hội của công ty được xem xét ở đây. Governance (Quản trị): Tiêu chí quản trị đánh giá cấu trúc quản trị của công ty, bao gồm quản lý rủi ro, cơ cấu hội đồng quản trị, đạo đức kinh doanh, minh bạch và trách nhiệm giải trình. ESG đánh giá các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị của một tổ chức, đo lường khả năng của nó trong việc đáp ứng các yêu cầu bền vững và xã hội. Các công ty tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị đồng ý hành xử có đạo đức trong ba lĩnh vực đó. Cam kết này có thể dựa trên nhiều chiến lược, chiến thuật và giải pháp ESG khác nhau. Khi ESG ngày càng trở thành mối quan tâm hàng đầu của các nhà quản trị doanh nghiệp, điều cần thiết là phải xem xét các sắc thái toàn cầu thúc đẩy sự tập trung theo từng khu vực. |