Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 có thể vượt 700 tỷ USD
Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 180 tỷ USD trong quý I/2022 Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 1/2022 đạt hơn 60 tỷ USD Kim ngạch xuất nhập khẩu đạt gần 670 tỷ USD trong năm 2021 |
Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 có thể vượt 700 tỷ USD |
Theo thống kê sơ bộ Tổng cục Hải, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa trong quý I/2022 đạt gần 180 tỷ USD.
Cụ thể, hết tháng 3, kim ngạch xuất khẩu cả nước đạt 89,1 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đáng chú ý, khu vực doanh nghiệp trong nước tăng cao (tăng 22%) hơn so với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (tăng 10%).
“Điều này cho thấy sự nỗ lực của các doanh nghiệp trong nước trong việc khôi phục sản xuất kinh doanh, nối lại chuỗi cung ứng trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn phức tạp”, Bộ Công Thương nhận định.
Hết quý I/2022, có 14 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD, trong đó 2 nhóm đạt hơn 10 tỷ USD là điện thoại và linh kiện đạt 14,87 tỷ USD, tăng 3,5%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 13,24 tỷ USD, tăng 10,1%.
Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê là 2 nhóm hàng đứng trong nhóm tỷ đô của quý I/2022.
Về thị trường, trong quý I/2022, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 25,57 tỷ USD, chiếm 28,87% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu và tăng 15% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là Trung Quốc, EU, ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản đều có kim ngạch tăng so với năm trước.
Điện thoại và linh kiện là một trong 2 nhóm hàng đạt hơn 10 tỷ USD |
Ở chiều nhập khẩu, quý I năm 2022, kim ngạch đạt 87,64 tỷ USD tăng 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó doanh nghiệp FDI đạt 57,7 tỷ USD, tăng 15,3%.
Có 2 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 10 tỷ USD là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 21,73 tỷ USD, tăng 30,4%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 10,53 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 23,8 tỷ USD, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm trước; tiếp theo là Hàn Quốc, ASEAN, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ.
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, nhìn chung, nhập khẩu tăng do các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu để đẩy mạnh phục hồi sản xuất và do giá nhiều nguyên vật liệu tăng cao cũng là yếu tố khiến kim ngạch nhập khẩu tăng.
Theo dự báo của các chuyên gia, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong năm 2022 có thể đạt trên 700 tỷ USD – một mốc kỷ lục mới.