Quốc hội chấp thuận cho Đà Nẵng được thành lập Sở An toàn thực phẩm
Quốc hội cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm Đà Nẵng |
Văn phòng Quốc hội thông tin, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng. Nghị quyết này được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Trong đó có việc cho phép thành lập Sở An toàn thực phẩm Đà Nẵng. Cụ thể, HĐND thành phố Đà Nẵng thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Đà Nẵng.
Như vậy, Đà Nẵng là địa phương thứ hai sau TP. HCM được chấp thuận thành lập Sở An toàn thực phẩm. Trước đó, TP. HCM đã thành lập Sở An toàn thực phẩm vào ngày 1/1/2024 sau khi triển khai mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩmtừ năm 2017. Sở An toàn thực phẩm là cơ quan kết hợp lực lượng của ba sở: Y tế, Công Thương và Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về chức năng quản lý thực phẩm.
Sở An toàn thực phẩm Đà Nẵng có chức năng quản lý, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Chức năng này được chuyển từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, và Sở Công Thương sang Sở An toàn thực phẩm mới thành lập. Việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là một nhu cầu thực tiễn khi Đà Nẵng là thành phố du lịch và dịch vụ, với hơn 90% lương thực thực phẩm được cung cấp từ các tỉnh khác. Do đó, cần có một cơ quan quản lý nhà nước chuyên môn để đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sở An toàn thực phẩm sẽ giúp quản lý thực phẩm xuyên suốt trong chuỗi cung ứng từ trang trại tới bàn ăn, nâng cao hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Việc tập trung đầu mối kiểm tra, thanh tra cũng giúp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, tránh chồng chéo giữa các ngành và cấp, đồng thời giải quyết thủ tục hành chính nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Sở An toàn thực phẩm Đà Nẵng có chức năng quản lý, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm |
Theo báo cáo, tại TP. HCM, từ năm 2017 đến tháng 9/2023 có 376.517 cơ sở được kiểm tra, trong đó phát hiện vi phạm tại 58.562 cơ sở, xử phạt 17.320 cơ sở với số tiền hơn 181 tỉ đồng.
Tại TP. Đà Nẵng, từ năm 2018 đến 2021 đã kiểm tra 7.404 cơ sở, xử phạt hành chính 192 cơ sở với số tiền hơn 1,5 tỉ đồng. Tại Bắc Ninh, từ tháng 4-2018 đến tháng 9-2023 đã xử phạt vi phạm hành chính 395 cơ sở với tổng số tiền hơn 2,6 tỉ đồng.
Thành lập các Sở An toàn thực phẩm đã tạo địa vị pháp lý vững vàng hơn, thuận lợi hơn trong hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm song đòi hỏi các sở nỗ lực hơn để đáp ứng yêu cầu của cộng đồng. Với mô hình phù hợp, ắt hẳn hiệu quả hoạt động sẽ cao hơn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đời sống nhân dân, để mỗi bếp ăn gia đình đều bảo đảm An toàn thực phẩm. Đó là mục tiêu quan trọng nhất mà người dân TP. HCM và Đà Nẵng kỳ vọng ở các sở An toàn thực phẩm.
Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Đà Nẵng, khi Đà Nẵng thành lập Sở An toàn thực phẩm sẽ nâng cao vai trò và vị thế của lĩnh vực an toàn thực phẩm, từ địa vị hành chính một đơn vị trực thuộc sở, được nâng cấp thành một sở riêng biệt.
"Việc trao thêm quyền lực và vị trí hành chính được cải thiện sẽ tạo thêm nguồn lực và thuận lợi hơn cho hoạt động quản lý nhà nước trong lĩnh vực an toàn thực phẩm", ông Hải nhấn mạnh.
Hà Nội xử lý 239 vụ vi phạm an toàn thực phẩm |
Giải pháp nào để tránh xảy ra ngộ độc thực phẩm liên hoàn? |
Cần đề cao trách nhiệm của quản lý nhà nước trong đấu tranh chống ngộ độc thực phẩm tập thể |