Người đàn ông nguy kịch khi uống thuốc chữa tiểu đường mua trên mạng
Nguy cơ ngộ độc từ thuốc Nam không rõ nguồn gốc
Ông C.N.C, 67 tuổi, có tiền sử tăng huyết áp và đái tháo đường nhiều năm, đã gặp tình trạng nguy kịch sau khi sử dụng thuốc Nam dạng viên hoàn tán trong ba tháng. Loại thuốc này được ông mua qua mạng xã hội TikTok sau khi nghe quảng cáo về khả năng chữa khỏi tiểu đường.
![]() |
Nhân viên y tế chăm sóc cho người bệnh ngộ độc thuốc nam. (Ảnh: BVCC) |
Theo lời kể của gia đình, ông C. đã tuân thủ điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ trong nhiều năm. Tuy nhiên, khoảng ba tháng trở lại đây, ông nghe quảng cáo trên mạng về bài thuốc gia truyền có thể chữa dứt điểm tiểu đường mà không cần kiêng khem, nên đã mua về sử dụng.
Sau một thời gian, ông xuất hiện tình trạng huyết áp tăng cao, nhịp tim thấp, đi khám nhưng chưa tìm ra nguyên nhân. Ông tiếp tục uống đến ngày nhập viện.
Qua khai thác bệnh sử và thăm khám lâm sàng, các bác sĩ bệnh viện 198 nghi ngờ bệnh nhân bị ngộ độc. Mẫu thuốc Nam được gửi đến Viện Pháp y Quốc gia để xét nghiệm. Kết quả cho thấy loại thuốc ông C. sử dụng dương tính với chất độc Phenformin - một loại thuốc chữa đái tháo đường cũ đã bị cấm từ hơn 50 năm trước do gây nhiễm toan lactic, suy cơ quan và có thể gây tử vong.
Bệnh nhân nhanh chóng được điều trị tích cực với các biện pháp thở máy, truyền dung dịch kiềm để cân bằng pH máu, sử dụng thuốc vận mạch liều cao và lọc máu liên tục. Tuy nhiên, tình trạng ông C. vẫn diễn biến nặng với hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn, tổn thương cơ tim và suy thận cấp vô niệu.
Trong đêm, các bác sĩ đã triển khai kỹ thuật lọc máu hấp phụ độc tố bằng màng lọc than hoạt tính. Sau 48 giờ điều trị, bệnh nhân thoát khỏi nguy kịch, tiến triển tốt. Đến ngày 2/4, ông C. ổn định sức khỏe và chuẩn bị xuất viện.
![]() |
Sức khoẻ bệnh nhân đang hồi phục. (Ảnh: BVCC) |
Cảnh báo từ chuyên gia
Theo bác sĩ Chu Đức Thành (Khoa Điều trị tích cực và Chống độc, Bệnh viện 198), đái tháo đường là bệnh mạn tính phổ biến. Việc kiểm soát đường huyết hiệu quả phụ thuộc vào chế độ dinh dưỡng, tập luyện hợp lý, dùng thuốc đúng chỉ định và thăm khám định kỳ tại các cơ sở y tế uy tín.
Tuy nhiên, nhiều bệnh nhân không tuân thủ điều trị, tự ý dùng các loại thuốc gia truyền được quảng cáo sai lệch, gây hậu quả nghiêm trọng. Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhân dân 115 và nhiều cơ sở y tế lớn khác đã tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc do sử dụng thuốc chứa độc chất phenformin.
Bác sĩ Thành khuyến cáo người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc, đặc biệt là các loại thuốc được quảng cáo trên mạng với lời hứa “chữa dứt điểm” tiểu đường. Điều này không chỉ gây hại sức khỏe mà còn đe dọa tính mạng.
![]() |
![]() |
![]() |
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Cứu sống bệnh nhân nguy kịch vì “vi khuẩn ăn thịt người”

Cơ thể sẽ thay đổi ra sao khi ăn quá nhiều muối mỗi ngày?

Vắc xin phòng sởi tiêm mấy mũi là đủ?

Ngủ trưa bao nhiêu phút là đủ?

Dấu hiệu của bệnh sỏi thận

Nằm ngoài vành đai lửa, Việt Nam có an toàn trước động đất?

Ăn cá ngừ thế nào tối đa hóa lợi ích dinh dưỡng?

Đừng để nỗi đau bệnh dại kéo dài

37 người nhập viện sau khi ăn bánh mì, Cục An toàn thực phẩm vào cuộc
