Vì sao trẻ nhỏ dễ mắc bệnh dịp gần Tết
Chế độ dinh dưỡng giúp giảm nguy cơ tóc bạc sớm Những bài tập đốt cháy calo hiệu quả nhất Không khí lạnh tăng cường tại miền Bắc, cần làm gì để bảo vệ sức khoẻ? |
Vào thời điểm gần dịp Tết, thời tiết thường chuyển lạnh, nhiệt độ giảm sâu, phấn hoa và độ ẩm tăng cao, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển và lây lan của vi khuẩn, virus gây bệnh trong không khí.
Đây cũng là thời điểm các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ, dễ gặp phải các vấn đề về sức khỏe. Do hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa hoàn thiện và sức đề kháng còn yếu, các em dễ bị ảnh hưởng bởi các tác nhân gây bệnh hơn so với người lớn.
Sốt phát ban
Trong giai đoạn này, trẻ dễ bị nhiễm các loại siêu vi gây sốt như rubella, parvovirus,… Bệnh thường khởi phát với tình trạng sốt cao liên tục trong 3 ngày đầu, sau đó nhiệt độ sẽ giảm dần và hết hẳn vào khoảng ngày thứ 5 hoặc 6. Khi đó, trên da trẻ sẽ xuất hiện các mảng ban đỏ hồng, lan từ mặt xuống chân rồi dần biến mất. Bệnh thường khiến trẻ cảm thấy rất mệt mỏi, ngủ li bì và mất nước do sốt.
Hầu hết các loại vi rút gây sốt phát ban đều lây lan qua đường hô hấp. Để phòng bệnh, phụ huynh có thể cho trẻ đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với người bệnh, bổ sung thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường sức đề kháng, và đưa trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu sốt.
Ngoài ra, phụ huynh nên cân nhắc cho trẻ tiêm vắc-xin phòng Sởi - Quai bị - Rubella từ khi trẻ đủ 12 tháng tuổi để phòng ngừa hiệu quả các bệnh này.
Cảm lạnh và cúm
Cả cảm lạnh và cúm đều là những bệnh lý thường do virus gây ra. Trẻ có thể bị nhiễm virus qua việc dùng chung các vật dụng cá nhân như cốc uống nước, dụng cụ ăn uống, khăn tắm hoặc tiếp xúc với giọt bắn chứa virus khi người bệnh ho hoặc hắt hơi.
Khi mắc bệnh, trẻ thường có các triệu chứng như ngạt mũi, chảy nước mũi, sốt nhẹ, ho có đờm và cơ thể mệt mỏi. Riêng với cúm, trẻ còn có thể xuất hiện các dấu hiệu như đau đầu, đau nhức cơ bắp, đau tức ngực, sốt cao, rét run và quấy khóc nhiều hơn. Các triệu chứng này thường khởi phát từ từ trong 3-4 ngày đầu và tự giảm dần, khỏi hẳn trong vòng 7-10 ngày nếu được chăm sóc đúng cách.
Tuy nhiên, nếu không được điều trị và chăm sóc kịp thời, cả cảm lạnh và cúm đều có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm xoang cấp, viêm họng do liên cầu khuẩn, hoặc viêm thanh khí phế quản.
Dịch tiêu chảy cấp do Rotavirus
Rotavirus là loại virus có khả năng lây lan rất mạnh, chỉ cần một lượng nhỏ cũng có thể gây bệnh cho trẻ. Triệu chứng ban đầu thường là nôn ói nhiều lần trong 1-2 ngày đầu.
Sau đó, tình trạng nôn ói giảm bớt, nhưng trẻ bắt đầu tiêu chảy nhiều lần trong ngày, dẫn đến mất nước nhanh chóng. Nếu được bù nước kịp thời và đầy đủ, bệnh thường tự khỏi sau khoảng 5-6 ngày. Tuy nhiên, việc bù nước cho trẻ nhiễm Rotavirus không hề dễ dàng, vì trẻ thường rất dễ bị nôn khi uống nước.
Để phòng ngừa Rotavirus, phụ huynh nên cho trẻ uống vaccine ngừa bệnh, bắt đầu từ khi trẻ được 6-8 tuần tuổi.
Viêm phế quản
Viêm phế quản chủ yếu do virus gây ra và thường gặp ở trẻ từ 6 tháng đến 3 tuổi. Các triệu chứng phổ biến bao gồm sốt, sổ mũi hoặc nghẹt mũi, kèm theo tình trạng khò khè, khó thở, ho khan hoặc ho có đờm. Ngoài ra, trẻ có thể bị đau ngực, mệt mỏi, đau cơ, nôn ói và chán ăn.
Thủy đậu
Mùa xuân là thời điểm nhiều trẻ dễ mắc bệnh thủy đậu do virus gây ra, với khả năng lây lan nhanh chóng, dễ dẫn đến dịch trong cộng đồng. Bệnh thường biểu hiện bằng các bóng nước nhỏ xuất hiện khắp cơ thể, bao gồm cả các vùng niêm mạc như miệng và hậu môn.
Thủy đậu thường tự khỏi sau 7-10 ngày, nhưng trong một số trường hợp, đặc biệt ở trẻ nhỏ, bệnh có thể gây biến chứng nguy hiểm như bội nhiễm dẫn đến nhiễm trùng huyết hoặc tổn thương hệ thần kinh trung ương, gây viêm não.
Vì vậy, phòng bệnh vẫn là cách hiệu quả nhất. Phụ huynh nên cho trẻ tiêm vắc-xin phòng thủy đậu khi trẻ đủ 12 tháng tuổi tại các cơ sở y tế.
Sởi
Sởi là bệnh do virus sởi gây ra, lây lan qua đường hô hấp và có thể lây nhiễm ngay cả khi người bệnh chưa xuất hiện các nốt phát ban. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 7-21 ngày.
Khi phát bệnh, trẻ thường có các triệu chứng như sốt cao trên 39 độ, ho, ngạt mũi, mắt đỏ, viêm long đường hô hấp trên và ho khan kéo dài. Sau đó, trẻ bắt đầu nổi các nốt ban đỏ, ban đầu xuất hiện ở đầu, mặt, cổ, rồi lan dần xuống ngực, lưng, cánh tay, bụng, mông, đùi và cuối cùng là các chi.
Tay chân miệng
Bệnh tay chân miệng do virus Coxsackie A16 hoặc Enterovirus 71 (EV71) gây ra, sống trong đường tiêu hóa. Bệnh lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch từ các bọng nước, chất nôn, giọt bắn khi người bệnh ho, hắt hơi hoặc chạm vào bề mặt nhiễm bẩn.
Trẻ mắc bệnh thường có các triệu chứng như loét miệng, nổi nốt phỏng ở lòng bàn tay, bàn chân, kèm theo sốt, đau họng, chán ăn và mệt mỏi.
Quai bị
Quai bị là bệnh do virus Mumps gây ra, chủ yếu gây sưng đau tuyến nước bọt mang tai. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, đặc biệt trong độ tuổi 6-10.
Quai bị thường khởi đầu với các triệu chứng như sốt, mệt mỏi, ăn ngủ kém, nhức tai, đau đầu, cảm giác ớn lạnh và sợ gió. Sau khoảng 24-28 giờ kể từ khi sốt, trẻ bắt đầu có dấu hiệu viêm tuyến mang tai, biểu hiện bằng sưng cả hai bên tai (hiếm khi chỉ sưng một bên). Trẻ có thể đau hàm khi há miệng, nhai, nuốt; họng bị viêm đỏ và xuất hiện sưng hạch ở góc hàm.
Bệnh thường tự khỏi sau 1-2 tuần, nhưng trong một số trường hợp có thể dẫn đến biến chứng như viêm tinh hoàn, viêm vú, viêm vòi trứng. Các biến chứng hiếm gặp bao gồm mất thính giác, điếc, viêm tụy, viêm não, viêm màng não, tổn thương gan, thận hoặc cơ tim.
Lý do nên uống nước dừa khi tập luyện |
Làm gì để bảo vệ sức khỏe khi ô nhiễm không khí ở mức “rất không tốt”? |
Dấu hiệu cảnh báo lưu thông máu kém |