Những thực phẩm nằm trong "danh sách đen" gây tổn thương nội tạng nhất
Thực phẩm hại tim mạch
Thức ăn nhiều dầu mỡ
Thực phẩm quá nhiều dầu mỡ, đặc biệt là axit béo bão hòa, như thịt mỡ, nội tạng động vật... và axit béo chuyển hóa, chẳng hạn như các loại thức ăn nhanh và đồ chiên rán. Những thực phẩm này có thể làm tăng lipid máu và làm trầm trọng thêm tình trạng xơ vữa động mạch, gây tổn hại đến tim.
Chất béo chuyển hóa
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sức khỏe tim mạch của 5 tỷ người trên thế giới đang bị đe dọa bởi chất béo chuyển hóa, đồng thời kêu gọi nghiêm cấm chất béo chuyển hóa trong thực phẩm chế biến sẵn.
Bác sĩ Zhou Lin, Trưởng Khoa Dinh dưỡng Lâm sàng của Bệnh viện Nhi đồng Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc cho biết: "Trong danh sách thành phần của dầu thực vật nhân tạo, bơ thực vật (margarine), khoai tây chiên,... chủ yếu chứa chất béo chuyển hóa".
Theo quy định của cơ quan y tế có thẩm quyền, lượng chất béo chuyển hóa mỗi người mỗi ngày không được vượt quá 2,2g, nếu ăn quá nhiều sẽ có hại cho sức khỏe. Vì vậy, tốt hơn hết bạn nên ăn ít đồ ăn ăn vặt, món tráng miệng,... Nếu muốn ăn, trước tiên bạn phải kiểm tra danh sách thành phần khi mua.
Thực phẩm hại gan
Hạt mốc
Aflatoxin được WHO xếp vào chất gây ung thư loại 1 vào đầu năm 1993 và nó có sức hủy hoại cực kỳ lớn đối với mô gan. Nếu tiêu thụ thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ ung thư gan.
Để ngăn ngừa aflatoxin, mọi người tránh ăn thực phẩm bị mốc, đặc biệt là thực phẩm có hàm lượng tinh bột cao, chẳng hạn như đậu phộng và ngô mốc.
Bác sĩ Liu Boren từng chia sẻ về trường hợp một nữ bệnh nhân không uống rượu, không bị viêm gan B hay C nhưng lại mắc ung thư gan di căn đến phổi. Người phụ nữ này thường có thói quen ăn bánh mì nướng với bơ đậu phộng trong bữa sáng suốt 20 năm. Bác sĩ nghi ngờ rằng nữ bệnh nhân đã ăn phải đậu phộng bị mốc thường xuyên dẫn tới sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Rượu
Thành phần chính của rượu là cồn, sau khi cồn vào tế bào gan sẽ bị oxy hóa thành acetaldehyde, chất này có độc tính với gan và gây ung thư, tích tụ nhiều trong cơ thể sẽ gây hại nghiêm trọng cho gan.
Dầu tự chiết kém chất lượng
Aflatoxin cũng có thể có trong dầu chiết xuất từ đậu phộng và ngô bị mốc. Tuy nhiên, một số xưởng sản xuất dầu nhỏ hoặc các gia đình tự làm dầu ép có quy trình đơn giản, thiếu công đoạn loại bỏ các chất độc hại, không tinh chế được nguyên liệu thô nên sản xuất ra loại dầu kém chất lượng. Tiêu thụ thường xuyên loại dầu này sẽ chỉ làm tổn thương gan.
Thực phẩm hại dạ dày
Thực phẩm ngâm muối
Các sản phẩm muối chua thường chứa nhiều nitrit, mặc dù bản thân nitrit không phải là chất gây ung thư nhưng nó sẽ kết hợp với protein trong cơ thể để tạo thành chất nitrosamine gây ung thư.
Thực phẩm hun khói và muối chua chứa một lượng lớn nitrosamine, và tỷ lệ mắc một số khối u ở hệ thống tiêu hóa, chẳng hạn như ung thư thực quản, có liên quan đến lượng nitrosamine trong chế độ ăn uống. Khi thực phẩm hun khói và rượu được tiêu thụ cùng nhau, tác hại của nitrosamine đối với sức khỏe con người sẽ tăng lên gấp bội.
Món nướng
Khi nướng thịt sẽ sinh ra một chất gây ung thư có tên là polycyclic aromatic hydrocarbons ẩn chứa trong thịt nướng và khói, âm thầm gây nguy hiểm cho sức khỏe của chúng ta.
Thực phẩm hại thận
Nước dùng ninh lâu
Thói quen uống canh xương ninh quá lâu có mối liên hệ nhất định với bệnh thận. Hầm xương quá lâu sẽ làm hàm lượng purine trong canh tăng cao. Hấp thụ nhiều purin dễ dẫn đến tăng axit uric máu hoặc làm cho nồng độ axit uric tăng giảm đột ngột, ngoài việc gây ra cơn gút cấp còn có thể gây tổn thương thận, tim mạch.
Thực phẩm chứa nhiều oxalat
Sau khi tiêu thụ, oxalat có thể liên kết với các khoáng chất để tạo thành các hợp chất, bao gồm oxalat canxi và oxalat sắt. Các tinh thể này tích tụ lâu dần rất dễ gây tắc ống thận, một khi ống thận bị tắc, các chất độc chuyển hóa trong cơ thể không kịp bài tiết ra ngoài sẽ tích tụ lại, đây là nguyên nhân trực tiếp khiến creatinine tăng đột biến, làm tổn hại thận.
Một số loại thực phẩm có chứa oxalat như cải bó xôi, củ cải đường, khế,... Với người bình thường tiêu thụ những thực phẩm này có thể không sao nhưng với các bệnh nhân mắc bệnh thân nên hạn chế tiêu thụ để tránh làm tổn thương thận thêm.
Thực phẩm hại thực quản
Thức ăn quá nóng
Bề mặt khoang miệng và thực quản của con người được bao phủ bởi một lớp niêm mạc mềm, trong trường hợp bình thường, nhiệt độ của khoang miệng và thực quản hầu hết được duy trì ở nhiệt độ cơ thể, khoảng 37°C.
Khi chúng tiếp xúc với thức ăn ở khoảng 75°C, màng nhầy mỏng manh sẽ bị bỏng nhẹ. Sau khi uống đồ uống hay ăn thực phẩm quá nóng trong thời gian dài, khoang miệng và niêm mạc thực quản có thể thường xuyên bị bỏng, gây ra các phản ứng viêm mãn tính của niêm mạc thực quản, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư thực quản.
Thuốc lá hại phổi
Dù thuốc lá không được tính là thực phẩm nhưng chúng cũng được đưa vào cơ thể thông qua miệng. Trong quá trình đốt cháy thuốc lá, gần 4000 chất hóa học mới được hình thành. Hầu hết các chất đều có hại cho con người, trong đó có hại nhất là nicotin, oxit nitric và hắc ín thuốc lá, là thủ phạm chính gây ung thư.
Vì vậy, tốt nhất nên bỏ ngay thói quen hút thuốc lá hoặc nếu bạn chưa từng hút thì đừng bao giờ bắt đầu.