Cần xử lý nghiêm nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng, thuốc chữa bách bệnh
Đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) |
Đóng góp ý kiến vào dự thảo Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), đại biểu Đỗ Huy Khánh (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) quan tâm đến Điều 15 về “Quyền lợi của người tiêu dùng”. Theo đại biểu, chúng ta cần phải bảo vệ người tiêu dùng về chất lượng và giá cả. Bởi chúng ta phải mua phải giá cả “trên trời”, khi nhà cung cấp đưa ra một sản phẩm nhưng không biết giá cả thực tế là bao nhiêu nên người tiêu dùng rất dễ bị lừa.
Đại biểu Đỗ Huy Khánh cũng đóng góp ý kiến tại Điều 18 về “xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Ông Khánh cho rằng, ý này rất chung chung và nên chăng chúng ta có cần làm rõ hay không? Bởi thực tế khi người tiêu dùng mua sản phẩm kém chất lượng thì cần có chế tài mạnh.
“Vừa rồi có rất nhiều trường hợp liên quan đến thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh chữa được bách bệnh được các nghệ sĩ nổi tiếng quảng cáo, bán hàng trên mạng rùm beng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng điều tra thì các sản phẩm này không có chức năng như vậy. Nghệ sĩ bị ảnh hưởng uy tín và chỉ xin lỗi là xong, coi như không có chuyện gì xảy ra”, ông Khánh nhấn mạnh.
Từ đó, đại biểu đoàn Đồng Nai đặt ra băn khoăn, việc xử lý những nghệ sĩ đó như thế nào để không tái diễn nữa. Đồng thời cũng cần xem xét lại các công ty, doanh nghiệp quảng cáo đó.
“Điều 18 về xử lý vi phạm pháp luật bảo vệ người tiêu dùng có 3 tiêu chí nhưng rất chung chung nên cần phải bổ sung thế nào, ra sao để làm rõ hơn”, đại biểu Khánh kiến nghị.
Đồng quan điểm, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục - đại biểu Bùi Hoài Sơn (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, việc sửa đổi luật lần này cần khắc phục được những bất cập mà quy định cũ chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Đơn cử, tình trạng người tiêu dùng mua phải hàng lỗi hay có vấn đề chất lượng, song lại ngại và không khiếu nại. Thực tế, nhận thức về việc đi đòi quyền lợi của người tiêu dùng còn hạn chế, nên người tiêu dùng đã không thực hiện những quyền mà pháp luật cho phép.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, có thể do cơ chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quá phức tạp, không tạo thuận lợi trong việc đi đòi quyền lợi, dẫn tới người tiêu dùng có tâm lý là bỏ công sức bỏ ra để đi đòi quyền lợi, khiếu nại không tương xứng với những quyền lợi mang lại. Cộng thêm chế tài xử lý chưa nghiêm, chưa đủ tính răn đe nên người tiêu dùng cảm thấy không thỏa mãn khi đi khiếu nại.
"Chính nhận thức, cơ chế bảo vệ, xử lý làm gương chưa làm tốt, nên chỉ làm hại cho người tiêu dùng. Như trong lĩnh vực văn hóa, tôi thấy văn nghệ sĩ yếu đuối lắm, ai cũng bị bệnh cả, đi quảng cáo bán thuốc suốt ngày, đau lưng, đau gối, đau đầu, cả yếu sinh lý nữa. Thực ra đó là câu chuyện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, vì họ là nhân vật nổi tiếng, ảnh hưởng, chi phối nhận thức hành vi của người tiêu dùng, nên cần phải chấn chỉnh" - đại biểu Bùi Hoài Sơn nói.
Xử lý cả người tiêu dùng cố tình mua hàng giả
Theo đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) cho biết, hàng giả có nghĩa là hàng nhái thương hiệu nổi tiếng. Việc mua bán hàng giả hiện rất phổ biến với cả người mua và người bán. Với người bán hàng giả khi bị phát hiện thì đã có luật để xử lý. Tuy nhiên, còn với người tiêu dùng cố tình sử dụng hàng giả thì có vi phạm hay không?
Đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định) |
Theo đại biểu Hạnh, dự thảo luật lần này chưa nêu trường hợp nêu trên. “Thực tế có nhiều thương hiệu nổi tiếng được bán giả công khai và người tiêu dùng sử dụng một cách vô tư, trong pháp luật chưa có rõ trong vấn đề này. Do đó để bảo vệ người tiêu dùng một cách bền vững cần công bằng trong vấn đề này với cả người bán lẫn người mua”, bà Hạnh nhấn mạnh.
Đại biểu đoàn Bình Định cho rằng, nếu không nâng cao trách nhiệm của người tiêu dùng thì nhiều khi lẫn lộn, cuối cùng sẽ có nhiều người phải bỏ tiền thật để mua hàng giả.
Người tiêu dùng có quyền được tư vấn
Cho ý kiến về quyền lợi bảo vệ người tiêu dùng, đại biểu Trương Xuân Cừ (đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) quan tâm đến đối tượng người cao tuổi.
Về dịch vụ đối với người tiêu dùng, đại biểu cho rằng dự thảo Luật đưa ra quyền và trách nhiệm rất nhiều, nhưng quyền rõ nhất là quyền được tư vấn thì hầu như không có người tư vấn rằng sản phẩm nào tốt, sản phẩm nào không tốt… Nếu không có người tư vấn, người tiêu dùng không hiểu biết gì thì rất khó bảo vệ được.
Đại biểu Cừ chia sẻ, hiện nay người cao tuổi là người bị tổn thương nhiều nhất các sản phẩm về chữa bệnh.
“95% người cao tuổi có 2,9 bệnh nền, cho nên các sản phẩm về thuốc hiện nay nếu không được tư vấn thì rất khó lựa chọn”, đại biểu nói.
Theo đại biểu đoàn Hà Nội, hiện các đơn vị tư nhân sản xuất rất nhiều sản phẩm, nhất là các sản phẩm từ đông y đến tây y, trong luật nêu ra các đối tượng dễ bị tổn thương, nhưng cụ thể với từng đối tượng thế nào thì chưa rõ, nên cần phải làm rõ thêm.
“Tôi lấy ví dụ một túi hàng hiệu trị giá 200 triệu nhưng không được tư vấn cẩn thận người tiêu dùng có thể mua phải hàng không chuẩn (giá chỉ 4 triệu mà phải mua với giá vài trăm triệu). Cho nên, cần phải cho người tiêu dùng được tư vấn đầy đủ những sản phẩm muốn mua, có nhu cầu”, ông Cừ nói.