Siết quảng cáo thực phẩm chức năng để bảo vệ người tiêu dùng
Hậu kiểm chặt chẽ siết quảng cáo sai sự thật
![]() |
BTV Quang Minh, Vân Hugo trong hình ảnh quảng cáo sữa |
Những năm gần đây, thị trường thực phẩm chức năng (TPCN) tại Việt Nam phát triển mạnh, đi kèm với đó là sự gia tăng nhanh chóng về số lượng sản phẩm và các chiến dịch quảng cáo rầm rộ. Tuy nhiên, đằng sau vẻ hào nhoáng của thị trường nhiều tỷ đồng ấy là một thực tế đáng báo động về sai phạm trong quảng cáo và những “kẽ hở” lớn trong quản lý nhà nước.
Trả lời trên báo Sức khỏe và Đời sống, TS. Dược sĩ Chu Quốc Thịnh – Phó Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) – cho biết việc lợi dụng cơ chế tự công bố sản phẩm đã và đang trở thành “miếng đất màu mỡ” cho tình trạng gian lận thương mại và quảng cáo sai sự thật. Theo quy định tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP hiện hành, các doanh nghiệp, tổ chức chỉ cần chuẩn bị hồ sơ đơn giản là có thể tự công bố và đưa sản phẩm ra thị trường mà không cần sự thẩm định trước của cơ quan quản lý.
Thậm chí, nhiều trường hợp lợi dụng danh nghĩa “thương nhân” trung gian – không có liên kết thực sự với đơn vị sản xuất – để đưa sản phẩm lưu hành. Khi cơ quan chức năng tiến hành hậu kiểm, những “thương nhân” này không tồn tại trên thực tế, khiến việc truy cứu trách nhiệm gặp khó khăn. “Không kiểm nghiệm chỉ tiêu chất lượng, không xác thực công dụng, lại được tự quảng cáo mà không cần xác nhận – đó là điều kiện lý tưởng cho gian lận”, TS Thịnh nhấn mạnh.
Một vấn đề khác cũng rất đáng lo ngại là trong hồ sơ tự công bố hiện nay, các chỉ tiêu an toàn được kiểm soát, nhưng các chỉ tiêu về chất lượng và hiệu quả của sản phẩm lại bị bỏ ngỏ. Do đó, không thể kiểm chứng công dụng thực sự của sản phẩm so với nội dung quảng cáo mà doanh nghiệp đưa ra. Điều này đặc biệt nghiêm trọng với nhóm thực phẩm bổ sung – vốn chiếm tỷ trọng lớn trong ngành TPCN nhưng lại ít bị giám sát kỹ lưỡng về hiệu quả.
Trong khi đó, các hình thức quảng cáo hiện nay ngày càng tinh vi và đa dạng. Nhiều sản phẩm chưa được cấp phép hoặc chưa qua xác nhận nội dung quảng cáo vẫn ngang nhiên xuất hiện trên các nền tảng mạng xã hội, YouTube, Facebook, sàn thương mại điện tử, thậm chí có sự tham gia của người nổi tiếng (KOLs), tạo tâm lý tin tưởng sai lệch cho người tiêu dùng.
Gần đây nhất, ngày 28/4/2025, Cục An toàn thực phẩm đã ra hai quyết định xử phạt hành chính đối với BTV Quang Minh và MC Vân Hugo do có sai phạm trong quảng cáo sản phẩm dinh dưỡng Hiup 27 khi chưa được xác nhận nội dung.
Phối hợp liên ngành tăng cường xử lý vi phạm
![]() |
Hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sẽ được siết chặt. |
Trước tình trạng này, Bộ Y tế đang gấp rút hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 15/2018/NĐ-CP theo hướng thắt chặt quy trình kiểm soát sản phẩm và quảng cáo, đồng thời tăng tính phối hợp liên ngành trong hậu kiểm và xử lý sai phạm.
Một điểm nhấn quan trọng trong dự thảo lần này là việc điều chỉnh toàn diện cơ chế hậu kiểm theo mô hình quốc tế như Hoa Kỳ (FDA) và Canada. Cụ thể, sau khi doanh nghiệp công bố sản phẩm, cơ quan chức năng sẽ không chỉ rà soát hồ sơ mà còn chủ động lấy mẫu kiểm nghiệm chất lượng ngoài thị trường, đặc biệt với các sản phẩm TPBVSK.
Đáng chú ý, việc hậu kiểm sẽ được thực hiện không chỉ theo kế hoạch định kỳ mà còn theo hình thức đột xuất – dựa trên phản ánh của người tiêu dùng, báo chí hoặc từ kết quả giám sát của hệ thống kiểm nghiệm chủ động. Theo TS Thịnh, việc “ra tay” mạnh mẽ và linh hoạt như vậy là điều cần thiết để tránh tình trạng sản phẩm “lọt” vào thị trường một cách dễ dàng mà không có sự giám sát chất lượng thực tế.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng đề xuất chuyển nhóm thực phẩm bổ sung – hiện đang được tự công bố, tự quảng cáo – sang nhóm bắt buộc phải đăng ký công bố và nộp hồ sơ kỹ thuật đầy đủ. Đây là bước tiến nhằm nâng cao chuẩn mực quản lý sản phẩm và trách nhiệm của doanh nghiệp.
Không chỉ dừng ở sản phẩm, dự thảo cũng sẽ siết chặt hoạt động quảng cáo, vốn là mảnh đất bị lợi dụng nhiều nhất hiện nay. Bộ Y tế cho biết sẽ xây dựng một bộ quy tắc đạo đức quảng cáo thực phẩm chức năng, quy định rõ trách nhiệm của ba đối tượng: đơn vị chịu trách nhiệm quảng cáo, nền tảng phát hành quảng cáo và cá nhân có ảnh hưởng tham gia quảng cáo (KOLs, người nổi tiếng).
Theo đó, các cá nhân, tổ chức tham gia quảng cáo sản phẩm TPCN sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu phát tán nội dung không đúng bản chất, vượt quá công dụng hoặc gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Đây là biện pháp chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam nhưng đã được áp dụng tại nhiều quốc gia phát triển.
Cùng với việc siết chặt quy định pháp luật, Cục An toàn thực phẩm cũng kêu gọi các địa phương tăng cường kiểm tra, hậu kiểm và công khai các đường link, địa chỉ vi phạm trên môi trường mạng. Những quảng cáo vi phạm cần được gỡ bỏ kịp thời, đồng thời phối hợp với các đơn vị như Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Cục Thương mại điện tử... để truy vết và xử lý nghiêm minh.
Bộ Y tế khẳng định việc sửa đổi Nghị định 15 lần này không chỉ hướng tới quản lý chặt chẽ hơn, mà còn tăng tính khả thi và hiệu lực thực tiễn trong bối cảnh kinh doanh và quảng cáo sản phẩm sức khỏe đang dịch chuyển mạnh mẽ lên môi trường số. Dự thảo đã được thông qua tại Bộ Tư pháp và đang được trình xin ý kiến Chính phủ. Dự kiến, cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6, văn bản sửa đổi sẽ chính thức được ban hành.
TS Chu Quốc Thịnh nhấn mạnh: “Nếu không siết chặt kịp thời, người tiêu dùng sẽ tiếp tục trở thành nạn nhân của những sản phẩm kém chất lượng được 'vẽ' thành thần dược bằng quảng cáo sai sự thật. Mục tiêu của lần sửa đổi này là bảo vệ người tiêu dùng, minh bạch hóa thị trường và thúc đẩy phát triển ngành TPCN một cách lành mạnh”.
Việc xây dựng hệ thống hậu kiểm mạnh, đồng thời đẩy mạnh phối hợp liên ngành và xử lý vi phạm truyền thông là một bước đi cần thiết trong bối cảnh niềm tin của người tiêu dùng đang bị bào mòn bởi những thông tin thổi phồng, thiếu kiểm chứng. Một sản phẩm sức khỏe chỉ thực sự có giá trị khi được xác minh rõ ràng về chất lượng và công dụng, và quảng cáo chỉ có giá trị khi tuân thủ đạo đức và pháp luật.
Có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Tin khác

Bộ Y tế truy tìm nguồn gốc thuốc NEXIUM® giả

Bộ Y tế thu hồi hàng loạt giấy công bố thực phẩm bảo vệ sức khỏe

Cục Quản lý Dược yêu cầu tiêu hủy sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body

Bộ Y tế ra quân kiểm soát mỹ phẩm: Truy quét vi phạm từ online đến thị trường truyền thống

Thu hồi loạt mỹ phẩm vì ghi nhãn sai, vi phạm công thức

Phát hiện xưởng sản xuất 71 nghìn lít dầu ăn, 40 tấn mì chính giả

Cục trưởng vạch trần thủ đoạn mới của nhóm sản xuất thuốc giả, sữa giả

Bộ Y tế cảnh báo không sử dụng 2 sản phẩm Baby Shark và Medi Kid Calcium K2 nghi hàng giả

Bộ Y tế đề nghị thu hồi 12 loại sữa bột giả trên toàn quốc
