Xuất siêu cả nước trong 11 tháng 2022 tăng vọt so với cùng kỳ, đạt 10,6 tỷ USD
Xuất siêu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 6,9 tỷ USD Xuất khẩu thuỷ sản đạt 9,5 tỷ USD sau 10 tháng Việt Nam xuất siêu 10,6 tỷ USD sau 11 tháng |
Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN) |
Xuất nhập khẩu đều tăng trưởng mạnh
11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4%.
Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 673,82 tỷ USD, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4%; nhập khẩu ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1%.
Như vậy, với kết quả trên, tính chung 11 tháng năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 10,6 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 0,6 tỷ USD); trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 27,97 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 38,57 tỷ USD.
Mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu của năm nay là 735 tỷ USD. |
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 29,18 tỷ USD, giảm 3,9% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 7,38 tỷ USD, tăng 0,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 21,8 tỷ USD, giảm 5,4%.
Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 342,21 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 87,46 tỷ USD, tăng 10,1%, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 254,75 tỷ USD, tăng 14,6%, chiếm 74,4%.
Có 35 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 93,7% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1%).
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,4%, tăng 0,2 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 89%, bằng cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 6,6%, giảm 0,5 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 3%, tăng 0,3 điểm phần trăm.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2022 ước đạt 28,4 tỷ USD, tăng 1,8% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,16 tỷ USD, tăng 6,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 18,24 tỷ USD, giảm 0,6%.
Tính chung 11 tháng năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 331,61 tỷ USD, tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 115,42 tỷ USD, tăng 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 216,19 tỷ USD, tăng 9,6%.
Có 45 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,2% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 6 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 52,3%).
Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 11 tháng, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,6%, tỷ trọng bằng cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 44,7%, giảm 1,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 48,9%, tăng 1,8 điểm phần trăm. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng chiếm 6,4%, bằng cùng kỳ năm trước.
Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 101,5 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,9 tỷ USD.
Trong 11 tháng, xuất siêu sang EU ước đạt 29,4 tỷ USD, tăng 42,4% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 56,9 tỷ USD, tăng 14,1%; nhập siêu từ Hàn Quốc 35,7 tỷ USD, tăng 16,1%; nhập siêu từ ASEAN 12,2 tỷ USD, tăng 9,4%; nhập siêu từ Nhật Bản 139 triệu USD (cùng kỳ nhập siêu 2,3 tỷ USD).
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng năm 2022, với kim ngạch ước đạt 101,5 tỷ USD. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN) |
Tiếp tục tìm giải pháp thúc đẩy tăng trưởng
Để thúc đẩy xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định tháng cuối năm sẽ tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng... chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm; tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu.
Đặc biệt, việc tạo thuận lợi hóa trong các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp cần được đẩy mạnh hơn nữa thông qua ứng dụng số hóa trong giải quyết thủ tục, điển hình như trong các thủ tục hoàn thuế, thủ tục thông quan xuất nhập khẩu, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O).
Mục tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu của năm nay là 735 tỷ USD. Với những giải pháp mà các doanh nghiệp đang thúc đẩy, theo đánh giá năm nay vẫn tiếp tục sẽ là năm thứ 7 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Để đạt được kế hoạch này các chuyên gia cho rằng sẽ cần thêm các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Đối với nông sản phải tìm hiểu, đáp ứng được yêu cầu tại các thị trường, hướng tới xuất khẩu chính ngạch. |
Theo ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Giảng viên Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright, để kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng bền vững cần tập trung vào các nhóm giải pháp như: hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng, nối lại nguồn cung và tăng năng suất lao động, đầu tư hạ tầng nhằm cắt giảm chi phí hậu cần, logistics…
"Bộ Công Thương phải tăng cường vai trò, sự hiện diện của mình để các tham tán thương mại ở các nền kinh tế đóng vai trò tích cực hơn trong việc giới thiệu khách hàng tiềm năng. Chủ động đa dạng hoá các thị trường tránh tập trung vào một thị trường nào đó, nhất là những thị trường mà có những cảnh báo rủi ro hoặc xác suất suy thoái rất cao", ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.
Ngoài ra, doanh nghiệp cần cập nhật tiêu chuẩn quốc gia, nhãn hàng và nhu cầu thị trường. Đặc biệt là tính đến đầu tư vào những mặt hàng có ưu thế xuất khẩu và nâng chất, xây dựng thương hiệu quốc tế.
Ông Huỳnh Phước Nghĩa - Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh cho hay: "Trong các chính sách khuyến khích xuất khẩu của Việt Nam, chúng ta cần tập trung vào lĩnh vực mà chúng ta có ưu thế hơn. Đặc biệt là lĩnh vực đi từ điều kiện chuỗi cung ứng trong nước ít lệ thuộc vào nước ngoài nhiều hơn. Ví dụ như ngành thuỷ hải sản, chế biến… ít lệ thuộc vào nước ngoài hơn, chúng ta có thể tối ưu ở các thị trường mới".
"Yêu cầu bây giờ đối với doanh nghiệp giữ vững độ ngũ lao động, cho nên có thể tính toán thí dụ bài toán về lợi nhuận có thể bớt đi, vấn đề là đảm bảo đời sống cho người lao động", ông Nguyễn Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh nói.
Các chuyên gia cũng cho rằng, ở một số thị trường xuất khẩu truyền thống, doanh nghiệp cần cập nhật tình hình bạn hàng, nước nhập khẩu và nhu cầu tiêu dùng từ đó đưa ra kế hoạch sản xuất phù hợp. Đối với nông sản phải tìm hiểu, đáp ứng được yêu cầu tại các thị trường, hướng tới xuất khẩu chính ngạch.
Trong Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch năm 2022 của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm dự báo sẽ vượt mục tiêu Chính phủ giao. Các giải pháp duy trì cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu, đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng sẽ là những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện, theo đúng như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ./.