Nhà thuốc An Khang "thổi phồng” công dụng của sản phẩm, gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh
Chỉ là TPCN nhưng sản phẩm Sắc Ngọc Khang được nhà thuốc An Khang giới thiệu như một sản phẩm thuốc, có tác dụng giảm nám, tàn nhang. |
Cụ thể, trên website nhathuocankhang.com của hệ thống nhà thuốc An Khang (Công ty cổ phần bán lẻ An Khang - một đơn vị thành viên của Tập đoàn Thế giới Di động) xuất hiện một số sản phẩm như: Viên uống giảm cân Lic; Trà giảm cân Tam Diệp thế hệ 2; Sắc Ngọc Khang của Công ty Hoa Thiên Phú;... đây là các sản phẩm TPCN, TPBVSK không phải là thuốc chữa bệnh nhưng được hệ thống nhà thuốc này phát đi thông điệp tới người tiêu dùng là điều trị, trị bệnh gây lầm tưởng, hiểu lầm cho người dùng về công dụng của sản phẩm, có dấu hiệu vi phạm quy định.
Một số sản phẩm được quảng cáo công khai trên trang nhathuocankhang.com của Công ty cổ phần bán lẻ An Khang. |
Liên quan đến thực trạng tràn lan các quảng cáo TPCN, TPBVSK có tác dụng như thuốc chữa bệnh, PGS.TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế cho biết việc quảng cáo TPCN, TPBVSK có tác dụng như thuốc chữa bệnh, là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Vì lợi nhuận mà họ sẵn sàng lừa dối, kể cả những người bệnh đang ở hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.
Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, các sản phẩm TPBVSK, TPCN chỉ mang tính hỗ trợ. Vì thế, tất cả những quảng cáo về công dụng thần kỳ, gây hiểu lầm là thuốc chữa bệnh đều là những quảng cáo “nổ” vi phạm quy định. Với những trường hợp như vậy, Cục An toàn thực phẩm đăng tải thông tin công khai, khuyến cáo người tiêu dùng trong khi cơ quan chức năng đang xử lý, người dân không mua, sử dụng các sản phẩm quảng cáo sai sự thật.
PGS.TS Nguyễn Thanh Phong cũng khuyến cáo, tất cả các sản phẩm TPBVSK quảng cáo dùng thư tín bệnh nhân, hình ảnh cơ sở y tế, danh nghĩa cơ quan y tế, hình ảnh bác sĩ, có công dụng chữa bệnh nọ bệnh kia hoàn toàn sai sự thật, tuyệt đối không mua. Các sản phẩm được quảng cáo tràn lan và “thổi phồng” như thuốc chữa bệnh hiện nay như: sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư, tai biến mạch máu não, bệnh thận, gan..., thậm chí có sản phẩm quảng cáo phải dùng vài tháng mới thấy tác dụng, chính thời gian này đã cướp mất cơ hội được chữa bệnh kịp thời của bệnh nhân, rất nguy hiểm.
Theo khoản 3, Điều 5, Nghị định số 181/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo thì các đơn vị phân phối, tiếp thị phải: Khuyến cáo sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc. Trong Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm quy định: “Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Supplement, Dietary Supplement) là những sản phẩm được dùng để bổ sung thêm vào chế độ ăn uống hàng ngày nhằm duy trì, tăng cường, cải thiện các chức năng của cơ thể con người, giảm nguy cơ mắc bệnh”. Còn tại Khoản 15, Điều 6 Luật Dược 105/2016/QH13 quy định: “Cấm thông tin, quảng cáo, tiếp thị, kê đơn, tư vấn, ghi nhãn, hướng dẫn sử dụng có nội dung dùng để phòng bệnh, chữa bệnh, chẩn đoán bệnh, điều trị bệnh, giảm nhẹ bệnh, điều chỉnh chức năng sinh lý cơ thể người đối với sản phẩm không phải là thuốc, trừ trang thiết bị y tế” |