Bộ Y tế chỉ đạo truy nguồn gốc lô thuốc giãn phế quản giả
Ngày 23/7, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) cho biết đã tiếp nhận báo cáo từ Trung tâm Kiểm nghiệm tỉnh Đồng Nai về việc phát hiện một sản phẩm thuốc giãn phế quản có dấu hiệu là thuốc giả, không rõ nguồn gốc, được lưu hành trên thị trường.
Thuốc giả, không rõ nguồn gốc, sai lệch hàm lượng
Cụ thể, mẫu sản phẩm được phát hiện mang tên Theophylline extended - Release tablets 100 mg (Theophylin 100 mg), số lô 05089, ngày sản xuất 2/3/2022, hạn dùng 4 năm. Bao bì ghi đơn vị sản xuất là Công ty Pharmacy Laboratories Plus (Warszawa), tuy nhiên, sản phẩm không có thông tin về giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu hay tên cơ sở nhập khẩu như quy định bắt buộc.
Theophylline là một hoạt chất thuộc nhóm thuốc giãn phế quản, thường được sử dụng để điều trị hen suyễn, viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng và các bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính. Việc sử dụng thuốc giả, không đủ hàm lượng hoạt chất có thể khiến bệnh không được kiểm soát, gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Mẫu thuốc này được đoàn kiểm tra liên ngành lấy tại Công ty TNHH MTV Phòng khám đa khoa Mỹ Anh (Nhà thuốc Mỹ Anh), địa chỉ tại xã Đa Kia, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước (cũ). Kết quả kiểm nghiệm cho thấy thuốc không đạt yêu cầu chất lượng: hàm lượng hoạt chất Theophylin chỉ đạt 19,71% so với hàm lượng ghi trên nhãn; chỉ tiêu độ hòa tan dao động từ 18,8% đến 22,5%, không đạt theo tiêu chuẩn quy định.
![]() |
Bộ Y tế chỉ đạo truy nguồn gốc lô thuốc giãn phế quản giả |
Yêu cầu truy tìm nguồn gốc, xử lý nghiêm vi phạm
Trước thực trạng trên, Cục Quản lý Dược đã có văn bản yêu cầu Sở Y tế tỉnh Đồng Nai báo cáo ngay với Ban chỉ đạo 389 và phối hợp với công an, quản lý thị trường cùng các cơ quan chức năng liên quan để tiến hành thanh tra, kiểm tra tại Công ty TNHH MTV Phòng khám đa khoa Mỹ Anh. Mục tiêu nhằm truy tìm nguồn gốc lô thuốc giả và xử lý nghiêm vi phạm nếu có. Thời hạn báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra gửi về Cục là trước ngày 31/7/2025.
Đồng thời, Cục Quản lý Dược cũng đề nghị tất cả các sở y tế trên toàn quốc thông báo rộng rãi tới các cơ sở kinh doanh, sử dụng thuốc và người dân để không mua bán, sử dụng sản phẩm Theophylin 100 mg nêu trên. Nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ liên quan đến thuốc giả, thuốc không rõ nguồn gốc, cần kịp thời thông báo cho cơ quan y tế hoặc cơ quan chức năng.
Đáng chú ý, trước vụ việc tại Đồng Nai, Cục Quản lý Dược cũng từng nhận được các báo cáo kèm Phiếu kiểm nghiệm từ Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm và thực phẩm tại các địa phương như Vĩnh Phúc, Hà Nội. Các báo cáo này đều liên quan đến sản phẩm viên nén Theophylin 200 mg, ghi cùng tên đơn vị sản xuất là Pharmacy Laboratories Plus (Warszawa), không có giấy phép lưu hành, không rõ nguồn gốc xuất xứ và không đạt yêu cầu chất lượng.
Sự xuất hiện liên tiếp của các mẫu thuốc không đạt chất lượng, không đủ giấy tờ hợp pháp và có dấu hiệu giả mạo là hồi chuông cảnh báo về tình trạng thuốc giả đang len lỏi vào hệ thống phân phối, thậm chí có mặt tại các cơ sở y tế, nhà thuốc.
Trước tình hình trên, ngành y tế kêu gọi nâng cao ý thức của các cơ sở kinh doanh dược phẩm trong việc kiểm tra nguồn gốc, giấy tờ hợp pháp và chất lượng sản phẩm trước khi đưa vào sử dụng. Đồng thời, người dân cần thận trọng khi mua và sử dụng thuốc, chỉ nên lựa chọn thuốc tại các nhà thuốc uy tín, kiểm tra kỹ nhãn mác, số lô, hạn sử dụng và thông tin đăng ký lưu hành.
Việc để thuốc giả, không đạt chất lượng lưu hành trên thị trường không chỉ đe dọa sức khỏe người dân, mà còn làm xói mòn niềm tin vào hệ thống y tế và gây tổn thất cho các doanh nghiệp dược chân chính. Do đó, việc phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng chức năng và ý thức trách nhiệm của cộng đồng là yếu tố then chốt để ngăn chặn vấn nạn này một cách hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Bộ Y tế yêu cầu thu hồi toàn quốc 2 sản phẩm kem chống nắng giả

Thuốc trị thiếu máu Femancia bị cấm lưu hành

Thu hồi dầu gội chứa chất diệt côn trùng và hàng loạt mỹ phẩm

Triển khai quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, xử lý thuốc giả, thực phẩm giả, mỹ phẩm giả

Bộ Công Thương nói gì về vụ dầu ăn cho vật nuôi thành thực phẩm cho người?

Bộ Y tế cảnh báo về dầu ăn dành cho chăn nuôi bị sử dụng chế biến thực phẩm

Nước mắm bị vứt bỏ ở Quảng Nam là sản phẩm của doanh nghiệp Thanh Hóa

Bộ Công an vào cuộc xác minh nghi vấn Công ty C.P. Việt Nam bán thịt heo bệnh

Bộ Y tế thu hồi giấy công bố của 12 thực phẩm bảo vệ sức khỏe
