Bệnh tim mạch là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất hiện nay
Dấu hiệu cảnh báo nguy cơ tim mạch khi tập thể dục Rau tiến vua giúp hỗ trợ tim mạch, tăng cường trí nhớ Người bệnh tim mạch nên kiêng ăn những thực phẩm này? |
Thống kê cho thấy, bước sang thế kỷ 21, bệnh tim mạch trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Nếu như trước năm 1900, nguyên nhân tử vong do bệnh tim mạch chiếm khoảng dưới 10% các nguyên nhân gây tử vong thì đến nay đã vượt 30%.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2019, bệnh tim mạch đã gây ra 17,9 triệu ca tử vong, chiếm 32% tổng số ca tử vong trên toàn cầu. Trong đó, người cao tuổi là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc và tử vong do bệnh tim mạch cao nhất.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, bệnh tim mạch đã và đang là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Mỗi năm các bệnh lý tim mạch làm chết 18,6 triệu người, chiếm tới 44% tổng số tử vong do các bệnh không lây nhiễm và chiếm khoảng 31% tổng số người tử vong toàn cầu.
Số liệu Việt Nam
Bệnh tim mạch cũng đã trở thành nguyên nhân gây tử vong và mắc bệnh hàng đầu ở Việt Nam. Theo GS, TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch học Việt Nam, trong nhóm các bệnh tim mạch, nếu như các bệnh do thấp tim, van tim có xu hướng giảm đi thì tăng huyết áp, bệnh xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ… lại đang tăng rất cao.
Trước đây tử vong chủ yếu liên quan đến các bệnh nhiễm trùng, chấn thương, tử vong sơ sinh thì nay chủ yếu là do các bệnh không lây nhiễm (chiếm tới 81%) mà hàng đầu là bệnh tim mạch, với 19,5 triệu người chết mỗi năm. Bên cạnh đó, có một thực tế đáng lo ngại nữa là, tỷ lệ tử vong do bệnh tim mạch lại gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình - thấp (chiếm tới 75%) giống như mô hình ở hầu hết các nước ASEAN.
Theo báo cáo của Bộ Y tế Việt Nam năm 2020, mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm 39,5 % tổng số ca tử vong.
Nguyên nhân
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, toàn cầu hóa và đô thị hóa, sự thay đổi môi trường là những tác nhân làm tăng lối sống không lành mạnh như hút thuốc lá, lạm dụng uống rượu, bia, ăn uống không hợp lý, ít vận động thể lực và chính những yếu tố nguy cơ này làm phát triển các bệnh không lây nhiễm.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, 80% số ca mắc bệnh tim mạch giai đoạn đầu, đột quỵ và đái tháo đường tuýp 2 và trên 40% ung thư có thể phòng ngừa được thông qua ăn uống hợp lý, hoạt động thể lực đều đặn, không hút thuốc lá.
GS, TS Nguyễn Lân Việt phân tích rõ hơn, do thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu, bia, lối sống ít vận động kèm theo chế độ thực phẩm, ăn uống không hợp lý, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh... dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường và cuối cùng là các bệnh tim mạch.
Bên cạnh đó, do sức ép và áp lực công việc của lối sống hiện đại diễn ra trong thời gian dài khiến cơ thể của nhiều người bị căng thẳng, đây là nguyên nhân dẫn đến những cơn co thắt tim tại nhóm người trẻ tuổi...
PGS, TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch học Việt Nam khẳng định, hầu hết các bệnh tim mạch hiện nay có thể phòng ngừa được một cách hiệu quả thông qua việc điều chỉnh lối sống, từ bỏ những thói quen có hại cho sức khỏe như bỏ hút thuốc lá; không lạm dụng rượu, bia... Mặt khác có chế độ ăn lành mạnh, tăng cường tập luyện thể lực.
Những người đã bị bệnh tim mạch hoặc người có nguy cơ cao bị bệnh tim mạch (khi có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid) cần được đánh giá sớm và thực hiện các biện pháp phòng bệnh và sử dụng thuốc phù hợp.
Các nỗ lực của ngành y tế Việt Nam
Ngành y tại Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh tim mạch, đặc biệt là ở người cao tuổi. Dưới đây là một số điểm sáng và nỗ lực của ngành y trong lĩnh vực này:
Phát triển kỹ thuật can thiệp tim mạch: Nhiều bác sĩ tim mạch tại Việt Nam đã làm chủ các kỹ thuật khó và tham gia hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật can thiệp tim mạch cho một số nước trong khu vực và trên thế giới. Nhiều bệnh tim mạch nguy hiểm đã được điều trị có hiệu quả.
Nhiều phương thức tiên tiến đã được áp dụng không chỉ ở tuyến bệnh viện trung ương mà còn được phổ biến đến các bệnh viện tuyến dưới. Các kỹ thuật cao luôn được triển khai, cập nhật rất nhanh ở Việt Nam như can thiệp bệnh lý động mạch vành phức tạp.
Người bệnh tim mạch Việt Nam do vậy đã được hưởng lợi ích của các tiến bộ khoa học và không còn cần phải ra nước ngoài chữa bệnh.
Công tác khám và chữa bệnh lý tim mạch: Các bệnh viện tuyến dưới cũng áp dụng nhiều kỹ thuật cao, giúp nhiều bệnh nhân tim mạch nguy hiểm được điều trị hiệu quả. Cùng đó, thống nhất mô hình quản lý bệnh tim mạch từ tuyến xã, tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương quy hoạch một mạng lưới chuyên ngành tim mạch phát triển đồng bộ. Trong đó, đầu mối là Viện Tim mạch Quốc gia và các trung tâm tim mạch lớn sao cho phù hợp với tình hình cụ thể đảm bảo chăm sóc sức khoẻ cho người dân được tốt nhất.
Thực hiện các chương trình phòng chống bệnh: tại lễ khai Đại hội Tim mạch Đông Nam Á lần thứ 27, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đề nghị Hội Tim mạch học Việt Nam cùng các đơn vị chức năng của Bộ Y tế và sở Y tế các tỉnh, thành phố đẩy mạnh chương trình phòng chống bệnh không lây nhiễm, trong đó nổi bật là bệnh lý tim mạch.
Hội Tim mạch Việt Nam đã tổ chức nhiều hoạt động cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về lối sống khỏe mạnh, bao gồm ăn uống, luyện tập và tránh thói quen có hại như hút thuốc lá và uống rượu bia.
Bên cạnh đó tuyên truyền để người dân biết được các chỉ số về cân nặng, huyết áp, đường huyết, mỡ máu... và đặc biệt phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch hoặc yếu tố nguy cơ đi kèm khác để có phương án điều trị kịp thời nhằm tránh các biến cố tim mạch cũng như tránh tái phát.