Xem xét, thông qua dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh theo quy trình 03 kỳ họp
Đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai |
Chiều 8/9/2022, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Đưa ra quan điểm tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Hoàng Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai nhấn mạnh, Luật Khám bệnh, chữa bệnh là "luật xương sống" của ngành y tế, có tác động lớn đến người dân cũng như cơ sở y tế, cán bộ y tế, nên dự án Luật cần được xem xét thận trọng, kỹ lưỡng nhằm đảm bảo chất lượng, phù hợp thực tiễn và khả thi.
Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, một số chính sách mới được Ban soạn thảo đề xuất bổ sung mà chưa có đánh giá tác động; số điều khoản giao cho Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết còn tương đối nhiều, đây đều là những nội dung khó, quan trọng. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc việc xem xét, thông qua dự thảo Luật theo quy trình 03 kỳ họp.
Liên quan đến đạo đức nghề nghiệp ngành y, đại biểu cho rằng, trong xã hội, thầy thuốc và thầy giáo luôn nhận được sự trân trọng, tôn vinh không chỉ vì khả năng chuyên môn, mà còn vì phẩm chất đạo đức cao quý. Đại biểu nhấn mạnh, nội dung đạo đức nghề nghiệp cần phải được luật hóa trong dự thảo Luật này bằng các quy định chi tiết hơn. Vì hiện tại dự thảo Luật quy định vấn đề này chỉ trong duy nhất Điều 44: “Người hành nghề có nghĩa vụ thực hiện đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.”
Liên quan đến việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Y tế, dự thảo Luật quy định Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh.
Theo đó, Bộ Y tế xây dựng và ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, kế hoạch, quy trình chuyên môn kỹ thuật về khám bệnh, chữa bệnh;
Chỉ đạo hướng dẫn, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện văn bản quy phạm pháp luật, chính sách, kế hoạch, quy trình chuyên môn kỹ thuật; Xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống thông tin về quản lý hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
Tuy nhiên, tại Luật Tổ chức Chính phủ có quy định: Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Bộ, cơ quan ngang Bộ.
Do đó, đại biểu cho rằng không nên đưa cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Bộ, ngành vào các luật chuyên ngành, đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình |
Đồng qua điểm nên xem xét thông qua luật này tại 3 kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cho rằng, đây là luật có ảnh hưởng lớn đến xã hội và nhiều lợi ích của người dân.
Qua nghiên cứu, đại biểu cho rằng dự án Luật vẫn còn nhiều vấn đề cần được quan tâm, phân tích và mổ xẻ thấu đáo để khi được ban hành luật sẽ đi vào cuộc sống và tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở khám, chữa bệnh và cả người bệnh.
Đại biểu cũng đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra lấy thêm ý kiến về dự án Luật cũng như đánh giá tác động đối với một số chính sách mới có ảnh hưởng đến cơ sở khám, chữa bệnh và người bệnh.
Đối với hoạt động cấp cứu ngoại viện, đại biểu đề nghị cần đưa ra một số nguyên tắc trong hoạt động cấp cứu ngoại viện cũng như làm rõ nội hàm của cấp cứu ngoại viện. Theo đại biểu, cấp cứu ngoại viện không chỉ ở trong bệnh viện tuyến dưới mà còn ở ngoài cộng đồng, qua đó có thể thấy sự tham gia của lực lượng cấp cứu ngoại viện ngoài lực lượng nhân viên y tế còn có người dân.
Do đó, việc người dân tham gia cấp cứu ngoại viện sẽ rất có lợi khi được đào tạo bài bản. Đặc biệt, lực lượng y tế cơ sở khi được đào tạo cấp cứu ngoại viện sẽ mang lại nhiều lợi ích và sự hiệu quả trong trường hợp chờ sự hỗ trợ của tuyến trên.