Vì sao nên tiêm vaccine phòng cúm mỗi năm?
Bệnh cúm mùa ở Nhật Bản khiến Từ Hy Viên qua đời nguy hiểm thế nào? Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán cúm mùa Các biến chứng nguy hiểm của bệnh cúm |
Vì sao nên tiêm vaccine phòng cúm?
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê mỗi năm có khoảng một tỷ ca mắc cúm mùa, trong đó có 3-5 triệu ca nặng và từ 290.000 đến 650.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, bệnh cúm xuất hiện quanh năm, với hơn 287.000 ca mắc và 8 ca tử vong trong năm 2024.
Bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết cúm mùa là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, thường dẫn đến các chùm ca hoặc dịch với hàng chục người mắc. Bệnh do virus cúm (Influenza virus) thuộc họ Orthomyxoviridae gây ra, với hai nhóm phổ biến là A (chiếm khoảng 75% ca bệnh) và B (chiếm khoảng 25%).
Mầm bệnh cúm có thể tồn tại ngoài môi trường trong nhiều giờ, đặc biệt ở nhiệt độ lạnh và môi trường ẩm thấp. Tại nhiệt độ từ 0 đến 4 độ C, virus có thể sống vài tuần, trong khi ở -20 độ C và trong trạng thái đông khô, virus có thể sống đến vài năm.
Cúm thường khởi phát với các triệu chứng như sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng, ho và thường tự phục hồi trong 2-7 ngày. Tuy nhiên, bệnh có thể trở nặng và gây tử vong khi virus xâm nhập các cơ quan, gây viêm phổi, viêm cơ tim, viêm não hoặc nhiễm trùng huyết.
Các nhóm đối tượng như người từ 65 tuổi trở lên, thai phụ, trẻ nhỏ, và những người có bệnh nền như tim mạch, hen suyễn, COPD, suy thận, đái tháo đường… có nguy cơ bị biến chứng nặng. Một trong những biến chứng nguy hiểm của cúm là viêm phổi, nguyên nhân khiến nữ diễn viên Từ Hy Viên qua đời vào ngày 3/2.
Bác sĩ giải thích bệnh nhân có thể mắc viêm phổi do virus cúm hoặc kèm theo bội nhiễm vi khuẩn, như phế cầu hoặc tụ cầu. Khi bệnh trở nặng, người bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như khó thở, thở nhanh, mệt lả, môi tím tái và lơ mơ. Những người thuộc nhóm nguy cơ cao đối diện với các biến chứng nặng, bao gồm tăng nặng bệnh nền, tổn thương đa cơ quan, suy cơ tim, suy hô hấp, và tử vong.
BS.CKI Tống Thị Ngọc Cầm, Phó Giám đốc Y khoa miền Bắc, Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết cách phòng ngừa hiệu quả là tiêm vaccine cúm hàng năm, đặc biệt cho nhóm có bệnh mạn tính, người cao tuổi, trẻ em và phụ nữ mang thai. Tiêm vaccine giúp giảm tỷ lệ nhập viện, giảm nguy cơ bệnh trở nặng và tử vong do cúm. Trong mùa cúm 2019-2020, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đã kết luận rằng vaccine giúp giảm khoảng 7 triệu ca mắc, 100.000 bệnh nhân nhập viện và 7.000 ca tử vong do cúm.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng, những người đã tiêm vaccine cúm có nguy cơ phải nhập viện điều trị tại ICU thấp hơn 26% và nguy cơ tử vong do cúm giảm 31% so với người chưa tiêm. Đặc biệt, ở người cao tuổi và những người có bệnh nền, vaccine giúp giảm 70-80% tỷ lệ tử vong do cúm. Tiêm vaccine cúm cũng giúp thai phụ giảm 51% nguy cơ thai chết lưu và giảm 72% nguy cơ trẻ dưới 6 tháng tuổi phải nhập viện do cúm.
Tiêm vaccine cúm hàng năm
Vaccine cúm giúp cơ thể sản sinh kháng thể bảo vệ chống lại virus cúm và thường phát huy tác dụng trong dưới 1 năm. Tuy nhiên, do virus cúm thay đổi tính kháng nguyên liên tục, các nhà nghiên cứu phải điều chỉnh thành phần vaccine hàng năm để phù hợp với các chủng virus cúm đang lưu hành.
Cúm là bệnh truyền nhiễm dễ bùng phát thành dịch và có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng như viêm phổi, viêm xoang, viêm tai, và có khả năng dẫn đến tử vong. Vì vậy, tiêm vaccine cúm hàng năm là lời khuyên của các bác sĩ để bảo vệ sức khỏe.
Nên tiêm vaccine cúm vào thời điểm nào?
Nên tiêm vaccine cúm vào thời điểm trước khi mùa cúm bắt đầu, tốt nhất là càng sớm càng tốt khi vaccine của năm đó có sẵn. Virus cúm thay đổi hàng năm, nên cần tiêm vaccine cúm mùa để bảo vệ cơ thể khỏi các chủng virus đang lưu hành.
Ở Việt Nam, dịch cúm thường xuất hiện quanh năm, nhưng đạt đỉnh vào tháng 3, tháng 4, tháng 9 và tháng 10. Vì vậy, nên tiêm vaccine cúm trước mùa cúm khoảng 2 tuần đến 1 tháng.
Đối với phụ nữ đang lên kế hoạch mang thai, tốt nhất là tiêm vaccine cúm trước khi mang thai. Nếu đang trong mùa cúm và chưa tiêm trước khi mang thai, vẫn có thể tiêm vaccine cúm bất hoạt vào 3 tháng giữa thai kỳ. Phụ nữ mang thai có nguy cơ biến chứng cao do cúm, và vaccine cúm là vaccine bất hoạt nên an toàn cho thai kỳ.
Cúm có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng trẻ em, phụ nữ mang thai, người cao tuổi và những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh phổi có nguy cơ mắc cúm cao hơn và dễ gặp biến chứng. Vì vậy, trẻ em từ 6 tháng tuổi cũng nên tiêm vaccine cúm để bảo vệ sức khỏe.
Đối tượng nên tiêm phòng vaccine cúm
Tất cả trẻ em từ 6 tháng đến 18 tuổi.
Người từ 50 tuổi trở lên.
Người làm công việc giúp việc gia đình.
Người mắc các bệnh tim mạch hoặc phổi mãn tính như hen suyễn, hoặc các bệnh làm suy giảm hệ miễn dịch.
Người tiếp xúc thường xuyên với trẻ dưới 6 tháng tuổi.
Người thường xuyên tiếp xúc với nhóm có nguy cơ cao, chẳng hạn như nhân viên y tế.
Những ai không nên tiêm phòng cúm?
Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ, những người không nên tiêm phòng cúm bao gồm:
Người đã từng bị dị ứng với vaccine cúm trước đó.
Người dị ứng với trứng.
Người đã từng bị hội chứng Guillain-Barre (hệ miễn dịch tấn công một phần của hệ thần kinh) trong vòng 6 tuần sau khi tiêm vaccine cúm.
Để tăng hiệu quả phòng ngừa cúm, người dân cần duy trì vệ sinh sạch sẽ, đặc biệt là vệ sinh mũi họng hàng ngày. Mỗi người nên giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi có triệu chứng như ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời, tránh tự điều trị bằng mẹo dân gian, vì có thể làm bệnh trở nặng.
Nguy cư cúm gia cầm H5N1 lây truyền giữa người với người |
Những lưu ý phòng bệnh khi trời chuyển lạnh |
Các bệnh thường gặp trong mùa đông |