Nguy cư cúm gia cầm H5N1 lây truyền giữa người với người
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) các nước nên triển khai các biện pháp và quy trình nhằm ngăn chặn nguy cơ con người tiếp xúc với gia cầm và động vật bị mắc bệnh cúm gia cầm hoặc các loại virus khác gây bệnh cúm ở động vật.
Cơ quan y tế của Liên hợp quốc này cũng khuyến cáo người dân chỉ sử dụng sữa bò đã tiệt trùng và tránh sữa bò tươi chưa qua xử lý. Theo WHO, virus H5N1 đã được phát hiện trong sữa bò và các cơ quan quản lý đang tìm hiểu mối liên quan của virus này trong các trường hợp mắc bệnh.
Trước đó cùng ngày, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) xác nhận khoảng 20% mẫu sữa thương mại của nước này cho kết quả dương tính với virus cúm gia cầm, trong đó phần lớn là tại khu vực có đàn gia súc mắc bệnh.
Theo FDA, hiện không có bằng chứng nào cho thấy những mẫu sữa nói trên có nguy cơ gây bệnh cho người dùng hoặc tiềm ẩn virus sống. Theo cơ quan này, việc tiến hành xét nghiệm bổ sung là cần thiết để xác định xem mầm bệnh còn nguyên vẹn và có khả năng lây nhiễm hay không.
Giới chức Mỹ đang tăng cường các biện pháp nhằm khống chế sự bùng phát của virus H5N1 trong các trang trại nuôi bò sữa. Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết bang Colorado đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh cúm gia cầm ở đàn bò sữa tại bang này. Như vậy, hiện 9 bang tại Mỹ đã xác nhận các trường hợp mắc cúm gia cầm ở 34 đàn bò sữa.
Hồi đầu tuần này, FDA cho biết sữa vẫn an toàn đối với người dùng nếu được đun nóng đến một nhiệt độ nhất định do quá trình này giúp tiêu diệt vi khuẩn và virus có hại.
Cơ quan quản lý y tế và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cũng nhấn mạnh rằng dựa trên những thông tin hiện có, nguồn cung cấp sữa thương mại vẫn an toàn nhờ quá trình thanh trùng nêu trên, cũng như việc tạm ngừng khai thác sữa từ những con bò bị bệnh.
Thông báo mới nhất của FDA nêu rõ: "Cho đến nay, các nghiên cứu về sữa bán lẻ vẫn xác nhận đánh giá của chúng tôi rằng nguồn cung cấp sữa thương mại hiện nay là an toàn".
Bà Maria Van Kerkhove - người phụ trách công tác phòng ngừa và ứng phó đại dịch của WHO |
Phát biểu tại họp báo ở Geneva (Thụy Sỹ), bà Maria Van Kerkhove - người phụ trách công tác phòng ngừa và ứng phó đại dịch của WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giám sát chặt chẽ các loài động vật trên toàn cầu, bên cạnh công tác giám sát các loài chim và gia cầm đang được triển khai.
Bà Van Kerkhove nêu rõ cần phải mở rộng tăng cường giám sát đối với các sản phẩm sữa để bảo vệ sức khỏe của người dân. Bà cũng lưu ý rằng phương pháp thanh trùng, bao gồm đun nóng sữa để diệt vi khuẩn, là biện pháp được khuyến khích và an toàn.
Bà cho biết mặc dù việc phát hiện virus cúm gia cầm ở bò sữa không làm thay đổi cơ bản đánh giá rủi ro của WHO, song đây là điều đáng lo ngại.
Hiện tại không có bằng chứng virus H5N1 lây từ người sang người, nhưng các quan chức y tế quan ngại rằng nếu virus lây lan rộng sẽ biến đổi thành một dạng có thể lây truyền giữa người với người.
Theo bà Van Kerkhove, chừng nào H5N1 còn tiếp tục lưu hành và kết hợp với các loài động vật, virus này vẫn có nguy cơ làm bùng phát dịch bệnh và thậm chí có khả năng dẫn đến đại dịch.
Từ năm 2003 đến ngày 1/4/2024, WHO đã ghi nhận 463 trường hợp tử vong trong số 889 trường hợp nhiễm virus cúm H5N1 ở người tại 23 quốc gia. Tuy nhiên, theo bà Van Kerkhove, kể từ năm 2021, chỉ có 28 trường hợp nhiễm chủng cúm này ở người.
Cúm H5N1 (cúm A) xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996, nhưng kể từ năm 2020, số đợt bùng phát ở các loài chim đã tăng theo cấp số nhân, cùng với xu hướng gia tăng số lượng động vật có vú mắc bệnh.
Chủng virus này đã làm chết hàng chục triệu gia cầm, trong khi các loài chim hoang dã, động vật có vú trên cạn và dưới biển cũng mắc bệnh.
Sản xuất và sử dụng vacxin cúm gia cầm H5N1 tại Việt Nam |
Bộ Y tế yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người |
WHO cảnh báo 4 nhóm thực phẩm dễ gây ngộ độc Botulinum |