Vì sao cậu bé tiêm 4 mũi vaccine vẫn mắc bệnh viêm não Nhật Bản?
Hà Nội xử phạt nhiều cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, dược và mỹ phẩm Số ca sốt xuất huyết giảm, tay chân miệng tăng Hà Nội xử lý 239 vụ vi phạm an toàn thực phẩm |
Sở Y tế Hà Nội cho biết, tuần qua thành phố ghi nhận ca mắc viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm nay.
Đây là bệnh nhân nam (12 tuổi), có địa chỉ tại huyện Phúc Thọ (Hà Nội), khởi phát bệnh ngày 31/5/2024 với triệu chứng sốt cao, đau đầu, đến ngày 1/6 xuất hiện cứng gáy, đi lại loạng choạng. Ngày 2/6, bệnh nhi được gia đình đưa đến Bệnh viện Nhi Trung ương, xét nghiệm Mac-Elisa dịch não tủy cho kết quả dương tính với vi rút viêm não Nhật Bản.
Bệnh nhi tiền sử đã tiêm 4 mũi vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản (mũi cuối ngày 15/6/2019),
Lý giải về việc trẻ đã tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết theo hướng dẫn của Bộ Y tế, để phòng bệnh viêm não Nhật Bản, trẻ cần thực hiện tiêm 3 liều cơ bản, gồm: Mũi 1 khi trẻ đủ 12 tháng; mũi 2: 1-2 tuần sau mũi 1; mũi 3: 1 năm sau mũi 2. Sau đó nhắc lại 3-5 năm một lần đến khi trẻ đủ 15 tuổi.
"Bé trai này tiêm mũi cuối vào tháng 6/2019, theo khuyến cáo cách 3-4 năm sau phải tiêm tiếp, song bệnh nhi này chưa tiêm mũi nhắc lại nên đã mắc bệnh. Dù vậy, khi trẻ được tiêm các mũi cơ bản, phần lớn sẽ giảm được mức độ nặng của bệnh", đại diện CDC Hà Nội nói.
Còn TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết có nhiều lý do khiến một người tiêm vaccine nhưng vẫn mắc bệnh, như hệ miễn dịch giảm dần theo thời gian, cơ địa của từng người hay liều tấn công của virus.
Đặc biệt, hiệu lực của vaccine không thể bảo vệ tuyệt đối 100%, trung bình 90-95% tùy loại, do đó một số ít trẻ đã tiêm nhưng có thể mắc bệnh. Ở trường hợp này, vaccine chỉ bảo vệ được khoảng 3-4 năm, vì vậy nhà sản xuất khuyến cáo nên tiếp mũi nhắc lại, không phải do chất lượng vaccine.
"Không thể phủ nhận giá trị của vaccine trong việc ngăn ngừa bệnh. Trường hợp không may mắc bệnh thì vaccine cũng giúp triệu chứng nhẹ hơn, giảm bệnh nặng", TS Thái nói và khuyến cáo mọi người cần tuân thủ lịch tiêm chủng đầy đủ, kể cả mũi nhắc lại.
CDC Hà Nội đánh giá tỷ lệ trẻ trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng được tiêm đầy đủ các loại vaccine luôn ở mức cao. "Bé trai này chỉ là trường hợp cá biệt, chưa đặt ra vấn đề gì về chiến dịch tiêm chủng", đại diện CDC cho hay.
Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây nhiễm trùng nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương ở trẻ em và người lớn. Đây là một trong những bệnh truyền nhiễm để lại di chứng nặng nề và vĩnh viễn, gây tàn phế, mất khả năng lao động, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Nguyên nhân viêm não Nhật Bản là do một loại virus viêm não Nhật Bản (JEV) thuộc nhóm B gây ra. Bệnh được phát hiện lần đầu tiên ở Nhật Bản, các nhà khoa học Nhật Bản đã phân lập được virus này vào năm 1935, nên bệnh được đặt tên là viêm não Nhật Bản. Virus viêm não Nhật Bản là loại virus không chịu nhiệt, bất hoạt ở nhiệt độ 56 độ C trong 30 phút và 2 phút ở nhiệt độ 100 độ C. Virus có thể tồn tại trong thời gian lên đến vài năm ở trạng thái đông lạnh.
Viêm não Nhật Bản là bệnh lây truyền qua muỗi Culex đốt (muỗi ruộng). Loài động vật mang mầm bệnh thường là gia súc như lợn, trâu bò, ngựa,… và chim hoang dã. Muỗi sẽ đốt lợn và chim hoang, mang máu chứa virus gây bệnh rồi truyền sang người. Do vậy, viêm não Nhật Bản là một bệnh có ổ dịch thiên nhiên ở khắp nơi.
Sốt cao, co giật, hôn mê là 3 triệu chứng viêm não Nhật Bản điển hình nhất của viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, những dấu hiệu này thường chỉ xuất hiện từ ngày thứ 3 trở đi và đến lúc này thì đã muộn. Có những trường hợp viêm não ác tính thì chỉ trong 24 giờ, bệnh nhân co giật hôn mê rồi ngừng thở, ngay cả thở máy lúc đấy cũng không còn hiệu quả, vì đã bị hoại tử não dẫn đến chết não.
“Hiện nay, viêm não Nhật Bản chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu là điều trị triệu chứng. Viêm não Nhật Bản là căn bệnh nguy hiểm, các bậc phụ huynh nên chuẩn bị sẵn sàng cho trẻ tiêm vắc xin từ sớm ngay từ 9 tháng tuổi. Ngoài ra, giữ môi trường sống thông thoáng, diệt lăng quăng và muỗi cũng giúp ngừa bệnh hiệu quả”. BS.CKI Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC khuyến cáo.
Hiện tiêm chủng là biện pháp tốt nhất để phòng viêm não Nhật Bản. Theo lịch tiêm chủng mới nhất do Bộ Y tế cập nhật hiện có 11 bệnh truyền nhiễm bắt buộc sử dụng vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có viêm não Nhật Bản B.
Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo tiêm chủng với 3 liều cơ bản, gồm: Mũi 1 tiêm càng sớm càng tốt ngay sau một tuổi; mũi 2 sau mũi 1 từ 1-2 tuần; mũi 3 sau mũi 2 một năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.