Măng khô ngon miệng nhưng 5 nhóm người được khuyến cáo hạn chế ăn
Măng khô có thể chế biến được rất nhiều món ngon như xào miến, nấu canh xương, nấu chân giò... |
Măng khô có thể chế biến được rất nhiều món ngon như xào miến, nấu canh xương, nấu chân giò... Đây là món ăn truyền thống giúp ngon miệng lại mang nhiều giá trị dinh dưỡng cho người ăn.
Theo Tiến sĩ Trương Hồng Sơn, Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, trong 100g măng khô chứa 23g nước, 13g protid, 2,1g lipid, 21,5g glucid, 36g chất xơ... Dựa vào thành phần trên dễ nhận thấy chất xơ trong măng thậm chí còn nhiều hơn ở một số loại rau tươi.
Tuy nhiên, măng khô lại chứa nhiều glycocid, là chất có khả năng biến đổi thành acid cyanhydric gây ra các triệu chứng nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn, rối loạn hô hấp, khó thở...
Mỗi cân măng củ có khoảng 230mg cyanide, có thể gây tử vong ngay tức thì cho hai đứa trẻ hơn một tuổi. Khi luộc sôi khoảng 12 giờ, hàm lượng cyanide vẫn còn khoảng 160mg trong mỗi cân. Nhưng nếu luộc và ngâm nước lâu ngày, khi măng đã ngả màu vàng và mùi chua, thì hàm lượng Cyanide chỉ còn chưa đầy 9mg trong mỗi kg.
Chưa kể, những năm gần đây, nhằm mục đích lợi nhuận mà một số thương lái đã sử dụng hóa chất độc hại như lưu huỳnh để măng khô được bảo quản lâu hơn, tạo màu đẹp hấp dẫn bán cho người tiêu dùng. Nếu ăn phải thực phẩm có chứa lưu huỳnh nồng độ cao lâu dài sẽ để lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe.
Những người nên hạn chế ăn măng khô ngày Tết
Bà bầu
Măng chứa độc tố glucozit, thành phần này sẽ sản sinh ra acid xyanhydric. Sau khi đi vào dạ dày, glucozit sẽ bị phân huỷ dưới tác động của men tiêu hoá, chất chua có trong dạ dày và cuối cùng acid xyanhyfric sẽ bị đẩy ra ngoài dưới dạng dịch nôn (tức là cơ thể không chịu nổi chất độc).
Đã có nhiều trường hợp bà bầu bị ngộ độc măng và gây ảnh hưởng trực tiếp đến thai nhi.
Người đau dạ dày
Măng có chứa một hàm lượng acid cyanhydric (khoảng 230 mg trong một kg măng củ) là chất độc hại cho dạ dày.
Người bệnh đau dạ dày cần kiêng cữ khá nhiều trong việc ăn uống để không khiến bệnh tái phát sau khi đã chữa trị, vì thế măng khô chính là món ăn cần tránh xa.
Bệnh gút
Khi bị bệnh gút, bạn cần cẩn trọng với lượng axit uric trong máu do chúng có thể khiến bệnh trở nên trầm trọng hơn. Các loại thực phẩm có độ tăng trưởng nhanh như măng tre, măng trúc, măng tây đẩy nhanh tốc độ tổng hợp axit uric, không tốt cho người bệnh gút.
Người bệnh gút được khuyến cáo nên hạn chế ăn măng khô. |
Bệnh thận
Lượng canxi và axit cao trong măng không có lợi cho những người mắc bệnh thận. Việc ăn quá nhiều măng có thể ảnh hưởng đến thành mạch máu làm tổn hại đến thận, lâu dần dẫn tới các bệnh nguy hiểm khác như cao huyết áp, đái tháo đường,…
Người vừa bị gãy xương
Nếu bạn vừa gặp tại nạn chấn thương đến xương khớp, bạn cũng không nên ăn quá nhiều măng. Nguyên nhân là do axit oxalic trong măng tươi ảnh hưởng đến việc hấp thụ và tận dụng canxi, kẽm của cơ thể. Vết xương gãy rạn cũng vì thế mà khó lành hơn.
Ăn măng khô bao nhiêu là đủ?
Tỷ lệ chất xơ trong măng khô nhìn chung khá cao. Người muốn giảm cân hay có lượng cholesterol trong máu cao sử dụng thực phẩm này để hỗ trợ bệnh lý khá hiệu quả. Song bởi măng khô có tính lạnh nên chỉ áp dụng ở liều lượng vừa phải, lạm dụng có thể gây phản tác dụng. Ăn nhiều sẽ gặp các vấn đề về đường tiêu hóa như táo bón.
Ngoài ra, để măng khô ngon phải kết hợp với thực phẩm nhiều đạm và chất béo như thịt ngan, chân giò, bì lợn... Vì vậy, bạn chỉ nên ăn ở mức độ vừa phải, bác sĩ khuyến cáo người khỏe mạnh, tiêu hóa tốt mỗi người ăn không quá một bát canh măng mỗi ngày.