Những món ăn ngày Tết không dành cho người mỡ máu cao
Bảo vệ sức khỏe trẻ em dịp lễ Tết: Bố mẹ cần lưu ý gì? Thêm hạt điều vào thực đơn hàng ngày để tăng cường sức khỏe Bí quyết ăn uống giữ dáng ngày Tết |
Đối với những người có mức mỡ máu cao, việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh trong dịp Tết sẽ giúp phòng ngừa sự gia tăng các chỉ số mỡ máu. Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc này không dễ dàng vì các món ăn Tết đều rất hấp dẫn và khó cưỡng, cộng với suy nghĩ "Tết mà" hay "ăn chơi ba ngày Tết, cả năm làm việc" khiến nhiều người không thể kiểm soát việc ăn uống.
Thêm vào đó, những thói quen sinh hoạt trong dịp Tết như thức khuya, ít vận động và uống quá nhiều rượu bia có thể làm suy giảm chức năng gan, ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa chất béo tại gan, từ đó làm tăng mức mỡ máu và mỡ gan.
Việc không kiểm soát chế độ ăn uống trong Tết có thể dẫn đến tình trạng mỡ máu tăng cao, gây ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Đối với những người có nồng độ cholesterol cao, một số món ăn cần được hạn chế trong dịp Tết bao gồm:
Nước ngọt
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Progress in Cardiovascular Diseases cho thấy đường có tác động đến mức cholesterol trong máu mạnh hơn cả chất béo bão hòa. Khi chế độ ăn uống chứa nhiều đường, gan sẽ sản sinh ra nhiều cholesterol "xấu" LDL hơn, đồng thời làm giảm mức cholesterol "tốt" HDL, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Ngoài ra, lượng đường dư thừa trong chế độ ăn cũng làm tăng mức chất béo trung tính và cholesterol trong máu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ khuyến cáo rằng nước ngọt có ga chứa nhiều đường và những người có mức cholesterol cao nên hạn chế tiêu thụ loại đồ uống này.
Bánh chưng, bánh tét
Mặc dù là món ăn truyền thống đặc trưng trong dịp Tết, nhưng bánh chưng và bánh tét không phải là thực phẩm lý tưởng cho những người bị rối loạn mỡ máu.
Cả hai loại bánh này đều chứa hàm lượng dinh dưỡng cao, với nhiều tinh bột và chất béo. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một chiếc bánh chưng nặng khoảng 1kg cung cấp tới 1.810kcal, tương đương với 10 bát cơm trắng hoặc 5 bát phở.
Vì vậy, người bị mỡ máu cao chỉ nên ăn tối đa 100g bánh chưng hoặc bánh tét mỗi ngày. Nên ăn vào bữa sáng hoặc bữa trưa, tránh ăn vào buổi tối, vì khi năng lượng không được tiêu hao, nó sẽ chuyển hóa thành triglyceride, làm tăng chỉ số mỡ máu.
Giò, chả và các thực phẩm chế biến sẵn
Các loại giò, chả, giò xào (giò thủ) và các thực phẩm chế biến sẵn như chân giò muối, giăm bông, xúc xích, thịt hun khói… đều chứa nhiều đạm và chất béo bão hòa, không tốt cho người bị bệnh tim mạch hoặc các vấn đề liên quan đến chuyển hóa lipid máu.
Ăn nhiều các thực phẩm này trong dịp Tết có thể dẫn đến tăng cân và ảnh hưởng xấu đến nồng độ mỡ trong máu. Thêm vào đó, chúng còn chứa nhiều muối, làm tăng huyết áp, vì vậy người mắc bệnh cao huyết áp, bệnh thận hay suy tim nên hạn chế sử dụng.
Ngoài ra, nhóm thực phẩm này còn có chất bảo quản và phụ gia tạo độ dai, giòn, rất có hại cho cơ thể. Vì vậy, không nên tiêu thụ quá 100g mỗi ngày.
Thịt ba rọi
Thịt ba rọi là món ăn phổ biến trong dịp Tết, nhưng loại thịt này chứa nhiều mỡ heo, có thể làm tăng nồng độ cholesterol "xấu" LDL trong máu, gây hại cho tim mạch. Thay vì ăn thịt ba rọi, bạn nên ưu tiên lựa chọn các thực phẩm lành mạnh hơn như rau củ, trái cây hay đậu để bảo vệ sức khỏe tim mạch.
Đồ ăn chiên rán
Nhiều món ăn ngày Tết như nem rán, gà rán, tôm, cá chiên… mặc dù có hương vị thơm ngon nhưng người bị mỡ máu cao nên hạn chế tiêu thụ. Các món chiên rán sử dụng dầu mỡ sẽ làm thực phẩm mất nước và tăng hấp thụ chất béo. Ngoài ra, các loại dầu chiên có thể chứa chất béo chuyển hóa, không tốt cho sức khỏe, làm tăng cholesterol "xấu" LDL và giảm cholesterol "tốt" HDL.
Thay vì chiên rán, bạn nên chọn cách chế biến như hấp hoặc luộc để giữ nguyên mùi vị tự nhiên và tốt cho sức khỏe. Nếu vẫn muốn thưởng thức món chiên rán, hãy thử sử dụng nồi chiên không dầu hoặc lò nướng để có món ăn giòn ngon mà không cần dùng dầu mỡ.
Móng giò nấu canh măng
Người bị mỡ máu cao không nên ăn móng giò lợn vì mỗi 100g chân giò chứa gần 19g chất béo và 23g chất đạm, làm tăng lipid trong máu. Móng giò rất giàu dinh dưỡng, với 100g chứa 15,8g protid và 26,3g mỡ, chủ yếu là chất béo no, không tốt cho người thừa cân, béo phì hoặc mỡ máu cao.
Để giảm nguy cơ tăng cân và tăng cholesterol, người mắc bệnh mỡ máu nên tránh ăn móng giò và thay thế các thực phẩm chứa chất béo bão hòa bằng chất béo không bão hòa. Mặc dù móng giò có canxi, sắt, và vitamin, nhưng nên ăn vừa đủ và không lạm dụng để tránh tác động xấu đến sức khỏe.
Bánh kẹo, mứt Tết
Bánh kẹo và mứt Tết thường chứa nhiều đường và năng lượng cao. Khi tiêu thụ quá nhiều đồ ngọt, cơ thể sẽ chuyển hóa phần năng lượng dư thừa thành năng lượng dự trữ, làm tăng mức Triglyceride trong máu.
Hạn chế ăn bánh kẹo, mứt Tết không chỉ giúp kiểm soát mỡ máu mà còn giảm nguy cơ tăng cân và phòng ngừa các bệnh lý như tiểu đường và bệnh tim mạch.
Dưa hành, củ kiệu muối
Dưa hành, củ kiệu thường được ăn kèm với bánh chưng, bánh tét để giúp giảm ngán. Tuy nhiên, ăn nhiều muối có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như huyết áp cao, bệnh tim mạch và bệnh thận. Loại thực phẩm này chứa nhiều muối, có thể làm tình trạng mỡ máu cao trở nên trầm trọng hơn. Trong quá trình muối chua, nitrit cũng được sản sinh, điều này làm tăng huyết áp, gây bệnh mạch máu, và ảnh hưởng đến mức lipid trong máu.
Người bị mỡ máu cao nên hạn chế ăn dưa hành, củ kiệu muối hoặc chọn những món dưa muối chua ngọt với ít muối để giảm tác động xấu đến sức khỏe.
Các loại hạt ăn Tết không lo tăng mỡ bụng |
Mẹo đánh bay đầy bụng, khó tiêu dịp Tết |
Những mối nguy hại từ thói quen ăn uống vào dịp Tết |