Cách nào phòng tránh ngộ độc thực phẩm dịp Tết?
Giữ nhịp sinh học trong ngày Tết Những thói quen dễ tăng cân trong dịp Tết Người bệnh gout nên tránh ăn gì trong dịp Tết? |
Báo động tình trạng ngộ độc thực phẩm
Theo thông tin từ Bộ Y tế, 11 tháng đầu năm 2024, toàn quốc ghi nhận 131 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.796 người mắc và 21 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2023, số vụ ngộ độc tăng 7 vụ, số mắc tăng 2.677 người, số tử vong giảm 7 người.
Trong số 131 vụ ngộ độc thực phẩm có 43 vụ liên quan đến độc tố tự nhiên (chủ yếu do ngộ độc cóc, nấm rừng, so biển, cá nóc, cua lạ); 6 vụ liên quan đến hóa chất; 45 vụ liên quan đến vi sinh vật và 37 vụ chưa xác định nguyên nhân.
Đáng chú ý, trong năm qua đã ghi nhận một số vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại bếp ăn tập thể đông người tại các công ty (tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Đồng Nai); bếp ăn trường học, và cả căng tin, các cơ sở kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học (tỉnh Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh); do thức ăn đường phố (ở tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Sóc Trăng).
TS. BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, hiện có 3 nhóm nguyên nhân gây ra ngộ độc thực phẩm. Thứ nhất là thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật và các độc tố của vi sinh vật. Thứ hai là thực phẩm bị nhiễm các hóa chất do nuôi trồng, bảo quản, chế biến như hóa chất bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản… Thứ ba là tự bản thân thực phẩm có độc tố (chất độc tự nhiên) như cá nóc, nấm…
“Trong 3 nhóm nguyên nhân gây ngộ độc, nhóm thực phẩm bị ô nhiễm vi sinh vật là nguyên nhân gây ngộ độc nhiều nhất. Tác nhân là do việc chế biến, sử dụng thực phẩm mất vệ sinh hoặc thực phẩm bị nhiễm vi khuẩn ngay từ khâu sản xuất, phân phối và đến khâu chế biến. Mặt khác, do đun nấu thực phẩm không bảo đảm chín kỹ, diệt được vi khuẩn hoặc do nhiễm khuẩn chéo từ người chế biến hoặc các vật dụng, bề mặt, dụng cụ chế biến… Trong nhóm này phổ biến nhất vẫn là các vi khuẩn gây bệnh qua đường tiêu hóa, như: E.coli, Salmonella, lỵ, tả…”, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên phân tích.
Phòng tránh ngộ độc, đón tết an toàn
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, các chuyên gia cho rằng cần quan tâm đến khâu chọn, chế biến và bảo quản thực phẩm.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chò - Chủ nhiệm bộ môn Dinh Dưỡng (Bệnh viện Quân Y 103): Cần chọn mua thực phẩm tươi, sạch, thực phẩm giữ được màu tự nhiên, không có màu sắc và mùi vị lạ, biểu hiện ôi thiu. Nên đi chợ vào buổi sáng sớm vì có nhiều thực phẩm tươi mới dễ lựa chọn.
Đặc biệt, khi đi chợ, mọi người nên tách riêng các loại thịt, thực phẩm từ gia cầm, không cho lẫn vào rau. Bọc kín từng loại thịt này trong túi nilon để nước chảy ra không dính vào thực phẩm khác.
Nếu thực phẩm chưa chế biến ngay cần cho vào tủ lạnh bảo quản. Thịt, cá, tôm... khi mua về nên rửa sạch, cho vào túi bóng hay hộp nhựa riêng với từng loại thực phẩm rồi để vào tủ lạnh. Những thực phẩm này nên để ở dưới cùng ngăn bảo quản lạnh, vì nếu có dịch chảy ra sẽ không làm ướt các thực phẩm khác. Rau quả cần để vào ngăn mát của tủ lạnh. Thức ăn chín không đựng vào dụng cụ vừa đựng thực phẩm sống, nhất là thịt, cá...
Để tránh và hạn chế các loại thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản, PGS.TS Nguyễn Thanh Chò cho rằng, tốt nhất rau sống trước khi ăn cần phải ngâm vào nước gạo trong 30 phút, sau đó rửa sạch dưới vòi nước nhiều lần. Việc ngâm nước muối không có tác dụng làm sạch rau mà chỉ làm cho rau bị đen và nát.
Ngay cả hoa quả cũng không nên ngâm nước muối mà cần phải ngâm trong nước sạch để pha loãng nồng độ hóa chất. Nên ngâm trước khi ăn khoảng 30 phút.
Trước khi nấu, rau xanh cần rửa sạch rồi mới thái nhỏ. Nhiều người thường thái nhỏ rau, hay vò nát rau khi rửa như rau ngót, rau cải... Việc này không những rau không sạch mà còn làm mất các dưỡng chất.
Trong khi đó, để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, TS.BSCKII Nguyễn Kim Sơn, nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, chúng ta phải luôn luôn rửa sạch tay thật kỹ trước khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc sau khi tiếp xúc với các loại thú, vật nuôi.
Cần phải nấu chín kỹ thức ăn trước khi ăn. Thịt phải chuyển sang màu nâu đỏ hoàn toàn, tuyệt đối không ăn thịt còn màu đỏ hồng. Các thực phẩm để dành, nếu để ngoài tủ lạnh thì không để quá 4 giờ và phải hâm kỹ trước khi ăn. Cất giữ thịt và cá chưa chế biến trong bao kín và giữ trong ngăn đá của tủ lạnh; giữ các loại thực phẩm dễ ôi thiu ở nhiệt độ dưới 500C.
TS.BSCKII Nguyễn Kim Sơn khuyến cáo thêm, chỉ nên để thức ăn trong tủ lạnh trong vòng từ 1- 3 ngày. Nếu để thức ăn lâu trong tủ lạnh sẽ làm biến chất và không ngon. Nếu để lẫn thức ăn chín và sống trong tủ lạnh cũng rất nguy hiểm vì thức ăn chín sẽ bị nhiễm khuẩn. Lý tưởng nhất là chúng ra nên để tủ đựng thức ăn sống riêng. Tuyệt đối không sử dụng thực phẩm quá hạn, có mùi vị lạ bất thường, hoặc bị ôi thiu, nổi nấm mốc...
Loạt thực phẩm “hot trend”, dễ tăng cân nhưng nghèo dinh dưỡng ngày Tết |
Tác hại của hóa chất 6-Benzylaminopurine đối với sức khỏe |
Các bài tập hỗ trợ bệnh tiểu đường dịp Tết |