Hạt vừng nhỏ xíu quen thuộc lại là dược liệu giúp an thần, giảm cholesterol
Cây Vừng đen trong dân gian còn gọi là mè đen, còn trong đông y thì có nhiều tên khác như Chi ma, Hồ ma, Hồ ma nhân, du tử miêu, cự thắng tử, bắc chi ma.
Tên khoa học là Sesamum indicum, thuộc họ vừng (tên danh pháp khoa học là Pedaliaceae).
Cây Vừng đen được trồng ở hầu hết các tỉnh trên đất nước Việt Nam ta, đặc biệt nhiều ở các tỉnh thuộc miền Trung như Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị,… .
Vừng đen là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao và vị thuốc chữa bệnh tốt. Theo các chuyên gia thực phẩm thì ăn những thực phẩm có màu đen như vừng đen, đỗ đen, gà ác, gạo cẩm... có thể điều tiết khả năng sinh lý của con người, kích thích hệ thống bài tiết tiêu hóa, tuần hoàn làm tăng lượng hồng cầu, da dẻ hồng hào, tóc đen trở lại và kéo dài tuổi thọ.
Theo y học cổ truyền, hạt vừng đen có tên thuốc là hắc chi ma. Tuệ Tĩnh (Nam dược thần hiệu) đã dùng hạt vừng đen sao cháy tán bột, mỗi lần uống 12g với ít rượu pha mật hoặc nước gừng để chữa đau lưng.
Phụ nữ có thai sắp sinh con thường ăn chè vừng đen để dễ đẻ; sau khi đẻ bị thiếu sữa, đem sao hạt vừng đen với muối giã ăn với cơm hàng ngày. Để chữa nhọt lở lâu ngày không liền miệng, lấy hạt vừng đen 20 - 30g sao cháy, giã đắp hàng ngày.
Theo nghiên cứu khoa học về cây Vừng đen thì tinh chất dầu triết ra được từ cây Vừng đen khi bôi lên niêm mạc có tác dụng làm giảm kích thích, chống viêm. Ngoài ra còn có tác dụng nhuận trường.
Nước sắc Vừng đen có tác dụng giảm lượng cholesterol máu, phòng trị xơ cứng động mạch.
Vừng đen cũng là thức ăn cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cơ thể, giúp nhuận tràng.
Một số bài thuốc dân gian có sử dụng dược liệu vừng đen:
Thuốc an thần, gây ngủ: Hạt vừng đen rang chín, hạt đỗ đen sao lá vông, lá dâu non mỗi vị 40g + hạt muồng sao, lạc tiên mỗi vị 20g + vỏ núc nác 12g sao chung với rượu. Đem tất cả dược liệu trên đi phơi hoặc sây khô, tán thành bột mịn, thêm đường đủ ngọt luyện với hồ làm thành viên hoàn bằng hạt ngô. Người lớn ngày uống 2 lần, mỗi lần 20g.
Bồi bổ khí huyết, làm cho da thịt săn đẹp, mịn màng, tăng cường tuổi thọ: Trà gồm hạt vừng đen 375g + gạo tẻ 750g + đậu đỏ, đậu tương, đậu xanh, mỗi thứ 700g + chè búp 500g + tiểu hồi 150g + hoa tiêu 75g + gừng khô, muối tinh mỗi thứ 30g. Tất cả sao vàng, tán nhỏ. Ngày dùng 6 – 10g hãm với nước sôi để uống.
Chữa tăng huyết áp, xơ cứng mạch máu: Hạt vừng đen, rễ hà thủ ô đỏ, rễ ngưu tất mỗi vị 100g. Tất cả phơi khô, tán thành bột mịn, trộn với lượng mật vừa đủ làm thành viên hoàn nhỏ bằng hạt ngô. Ngày uống 3 lần, mỗi lần 12g.
Chữa táo bón: Bài 1:Hạt vừng đen 300g rang chín, tán thành bột mịn, để riêng; lá cối xay thái nhỏ 300g, sắc với 2 – 3 lần nước rồi cô thành cao đặc. Trộn bột vừng đen với cao, làm thành bánh 5g. Ngày dùng 2 bánh, hãm với nước sôi, uống sau mỗi bữa ăn.
Bài 2: Hạt vừng đen 20g + sinh địa, huyền sâm, mạch môn, sa sâm mỗi vị 16g + thạch hộc 12g. Tất cả phơi khô, sao vàng, tán bột mịn, thêm lượng mật ong vừa đủ để làm thành viên hoàn, ngày uống 10 – 20g.
Thuốc bổ mạnh gân xương: Hạt vừng đen 300g đồ chín, phơi khô, sao vàng + lá dâu non 500g rửa sạch, phơi trong râm hoặc nắng nhẹ cho khô, vò nát bỏ cuống và gân lá, sấy khô. Đem 2 vị đi tán thành bột mịn và trộn đều, thêm lượng mật ong vừa đủ đánh nhuyễn thành khối bột, làm thành viên khoảng nặng khoảng 1g. Thuốc có màu đen, hơi mềm, vị ngọt, mùi thơm. Ngày uống 2 lần, uống sau bữa ăn. Liều người lớn: mỗi lần 10 – 20g; trẻ em: 5 – 10g.
Giúp hạ thấp cholesterol trong máu: Hạt vừng đen ép sống, lấy dầu uống mỗi lần 1 thìa canh với ít rượu để chữa tụ máu, đau nhức, sưng tấy do ngã.
Lưu ý: Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh tương tác với những thuốc bạn đang dùng hay tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Nên dừng sử dụng khi có các biểu hiện sức khỏe bất thường.