Bộ Y tế chỉ cách tra cứu thông tin thuốc, tránh mua phải thuốc giả
![]() |
Đại diện Cục Quản lý Dược hướng dẫn tra cứu thuốc trên hệ thống. |
Theo thông tin từ Công an tỉnh Thanh Hóa, đường dây thuốc giả bị phát hiện mới đây hoạt động bài bản với thủ đoạn tinh vi: thuê kho xưởng ở vùng hẻo lánh, thuê người quen, người thân làm công nhân, hoạt động khép kín để tránh bị phát hiện. Sau khi sản xuất, thuốc giả được đóng gói như thật, trộn lẫn với thuốc thật và phân phối nhỏ lẻ ra thị trường.
Vài ngày sau khi cơ quan công an phá án, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) phát đi khuyến cáo khẩn, cảnh báo người dân cảnh giác cao độ với thuốc giả, đặc biệt khi mua thuốc trên mạng. TS. Tạ Mạnh Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược nhấn mạnh: “Tuyệt đối không mua thuốc qua mạng xã hội, các trang cá nhân không rõ danh tính hoặc qua hình thức livestream – đây là những kênh có nguy cơ rất cao phát tán thuốc giả”.
Ngoài ra, Cục Quản lý Dược cũng lưu ý người dân nên mua thuốc tại nơi uy tín. Chỉ mua thuốc ở các nhà thuốc, quầy thuốc được cấp phép, có uy tín và địa chỉ rõ ràng. Không mua từ nguồn không rõ ràng như chợ, hàng rong hoặc qua các trang mạng xã hội, livestream...
Từ 1/7: Chỉ thuốc không kê đơn mới được bán online
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược (Luật số 44/2024) sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Theo đó, chỉ các loại thuốc không kê đơn mới được phép kinh doanh (bán lẻ) qua thương mại điện tử.
Người dân chỉ nên đặt mua thuốc qua các sàn thương mại điện tử, website, ứng dụng đã được Bộ Y tế cấp phép, có chức năng đặt hàng trực tuyến và chịu sự quản lý chặt chẽ.
Khi mua thuốc trực tiếp tại các nhà thuốc, ông Hùng khuyến cáo người dân cần chọn cơ sở có giấy phép kinh doanh, địa chỉ rõ ràng, uy tín. Tuyệt đối tránh mua thuốc tại chợ, từ người bán dạo hoặc các kênh không chính thống.
Làm sao để phân biệt thuốc thật – giả?
Theo hướng dẫn từ Bộ Y tế, bao bì thuốc cần nguyên vẹn, không rách, không mờ, và không có dấu hiệu sửa đổi. Người tiêu dùng nên kiểm tra các thông tin quan trọng như: Tên thuốc, số lô, ngày sản xuất, hạn dùng; Số đăng ký lưu hành, tên nhà sản xuất; So sánh bao bì với hình ảnh mẫu chính hãng (nếu có);...
Người dân cũng nên so sánh với bao bì chính hãng (nếu có) để phát hiện sự khác biệt về màu sắc, chữ in, hoặc logo. Quan sát màu sắc, kích thước, ký hiệu trên viên thuốc, hộp thuốc. Nếu có sự khác biệt so với lần sử dụng trước hoặc so với mô tả chính hãng, không nên sử dụng.
Bên cạnh đó, quét mã vạch hoặc mã QR là một bước quan trọng. Nếu mã không quét được, hoặc thông tin không trùng khớp với nhãn, cần nghi ngờ ngay về độ xác thực. Ngoài ra, người dân nên yêu cầu hóa đơn và chứng từ khi mua thuốc để đảm bảo nguồn gốc. Hóa đơn cũng là cơ sở để khiếu nại nếu phát hiện thuốc giả.
Lưu ý: Thuốc giả thường đi kèm giá "mềm" bất thường, chênh lệch lớn so với thị trường. Các chiêu quảng cáo như "thần dược", "chữa bách bệnh", "thuốc xách tay giá rẻ"... đều tiềm ẩn rủi ro rất cao.
![]() |
Thuốc giả được bán tràn lan trên mạng. |
Thuốc giả núp bóng “hàng thầu” và “hàng ngoại nhập”
Ghi nhận từ Cục Quản lý Dược cho thấy, tỉ lệ thuốc giả vẫn được kiểm soát ở mức dưới 0,1% những năm gần đây. Tuy nhiên, các chiêu trò ngày càng tinh vi. Trong năm 2023–2024, một số lô thuốc giả bị phát hiện tại Thanh Hóa, Hà Nam, Hà Nội như: Tetracyclin, Clorocid, Pharcoter, Neo-Codion.
Những sản phẩm này thường được giới thiệu là hàng "dư thầu bệnh viện", không có hóa đơn để “giá mềm”, hoặc mạo danh thuốc nhập khẩu nhằm đánh vào lòng tin người tiêu dùng. Các đối tượng thường bán thuốc thật thời gian đầu để tạo uy tín, sau đó dần thay thế bằng thuốc giả tự sản xuất để kiếm lời.
Người dân cần làm gì?
TS.Hùng khuyến cáo người dân khi mua thuốc cần: Yêu cầu hóa đơn, giữ lại để truy xuất nguồn gốc nếu có vấn đề. Nếu nghi ngờ thuốc giả hoặc phát hiện hành vi buôn bán thuốc giả: báo ngay cho cơ quan chức năng (Sở Y tế, Cục Quản lý Dược, công an địa phương). Nếu đã sử dụng thuốc nghi ngờ giả: ngưng dùng ngay, đến cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra, theo dõi sức khỏe. Ngoài ra người dân có thể tra cứu thông tin giấy đăng kí lưu hành thuốc trên hệ thống của Cục Quản lý Dược:
Bước 1: Truy cập hệ thống dịch vụ công trực tuyến của Cục Quản lý Dược, mục Đăng ký thuốc, tra cứu số đăng ký, tại địa chỉ: https://dichvucong.dav.gov.vn/congbothuoc/index
Bước 2: Tra cứu giấy đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc lưu hành tại Việt Nam, nhập thông tin thuốc cần tìm (có thể tra cứu theo tên thuốc, cơ sở sản xuất, cơ sở đăng ký, số đăng ký lưu hành thuốc, …).
Chọn mục "Tra cứu số đăng ký". Điền đầy đủ thông tin: Số đăng ký (VD-…, VN-…, QLSP-…) hoặc tên thuốc (Paracetamol, Augmentin, …). Nhấn nút "Tìm kiếm" để hiển thị kết quả.
Bước 3: Đối chiếu và kiểm tra kết quả. Hệ thống sẽ cung cấp thông tin đầy đủ về thuốc tại các cột tên thuốc, số đăng ký, dạng bào chế, hoạt chất, hàm lượng, cơ sở đăng ký, sản xuất; xem mẫu nhãn, hướng dẫn sử dụng thuốc đã được Cục Quản lý Dược phê duyệt tại cột hướng dẫn sử dụng/mẫu nhãn.
Có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Tin khác

Đề xuất chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2025-2027

Việt Nam - Trung Quốc ký kết thêm 4 Nghị định thư xuất khẩu nông sản

Tạo sự thống nhất và đồng bộ cho việc triển khai hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa

Chỉ số CPI giảm, lạm phát quý I/2025 tăng 3,01%

Ký kết hợp tác nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vi lượng đất hiếm, công nghệ nano và bức xạ

Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiêm chủng vaccine phòng, chống bệnh Sởi

Phát động "Toàn dân tiết kiệm năng lượng hưởng ứng Giờ Trái đất năm 2025"

Bộ Y tế có 20 đơn vị, 31 nhóm nhiệm vụ từ ngày 1/3

Nâng cao hiệu quả thực thi quy định pháp luật về an toàn thực phẩm
