4 thói quen dưỡng thận khỏe suốt mùa đông
Ăn uống lành mạnh với rau củ mùa đông Cách phòng ngừa viêm phổi trong mùa lạnh Mẹo ăn uống để bảo vệ sức khỏe mùa lạnh |
Mùa đông hệ miễn dịch dễ suy yếu, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát của cơ thể mà còn tác động trực tiếp đến các cơ quan quan trọng, đặc biệt là thận. Thận có nhiệm vụ lọc cũng như loại bỏ chất thải, đồng thời duy trì cân bằng nước và điện giải trong cơ thể.
Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết lạnh giá, hệ thống tuần hoàn máu có thể bị suy giảm, làm giảm luôn khả năng cung cấp đủ máu cho thận. Bên cạnh đó, việc ít vận động và thói quen ăn uống không lành mạnh trong mùa lạnh cũng có thể làm tăng áp lực lên thận, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì vậy, bảo vệ thận trong mùa lạnh là điều vô cùng quan trọng để duy trì sức khỏe lâu dài.
Uống nhiều nước
Mặc dù mùa lạnh có thể khiến chúng ta ít cảm thấy khát hơn so với mùa hè, nhưng việc duy trì lượng nước phù hợp cho cơ thể vẫn rất quan trọng để bảo vệ thận. Mỗi ngày, cơ thể cần được cung cấp đủ nước để giúp thận hoạt động hiệu quả trong việc lọc và loại bỏ chất độc.
Vào mùa lạnh nhiệt độ thấp d khiến cơ thể mất nước mà chúng ta không nhận ra, đặc biệt là khi thời tiết khô hanh. Việc giảm thiểu lượng nước vào mùa đông có thể khiến thận gặp khó khăn trong việc lọc chất thải và có thể dẫn đến các vấn đề như sỏi thận hay viêm nhiễm đường tiểu.
Ngoài nước lọc, có thể bổ sung các loại thức uống như trà thảo mộc, canh nóng hoặc các loại nước ép từ trái cây, rau củ để giúp duy trì độ ẩm cho cơ thể. Tuy nhiên, cần tránh những đồ uống chứa nhiều caffeine hoặc cồn vì chúng có thể làm tăng nguy cơ mất nước.
Bổ sung thực phẩm theo mùa
Mùa lạnh là thời điểm cần thiết để bổ sung những thực phẩm có lợi cho thận và cơ thể nói chung. Các loại thực phẩm theo mùa không chỉ giúp tăng cường sức khỏe mà còn cung cấp các dưỡng chất quan trọng giúp bảo vệ thận khỏi tác hại của lạnh.
Những thực phẩm giàu kali như: chuối, cam, khoai tây và các loại rau lá xanh rất tốt cho thận vì chúng giúp điều chỉnh huyết áp, đồng thời, bảo vệ thận khỏi những tổn thương.
Ngoài ra, mùa lạnh cũng là mùa của các loại củ quả giàu vitamin C như: cam, quýt, ớt chuông, giúp tăng cường hệ miễn dịch và giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Các loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như: các loại hạt (hạnh nhân, hạt chia) hay cá hồi, cá ngừ giúp cải thiện chức năng thận cũng như ngăn ngừa tổn thương tế bào thận do tác động của môi trường.
Giảm muối và đường
Mùa lạnh là thời điểm nhiều người dễ có thói quen ăn uống nhiều thực phẩm chế biến sẵn hay các món ăn nhiều dầu mỡ, gia vị, đặc biệt là muối và đường, chẳng hạn như: mì tôm, xúc xích, xiên bẩn,... Tuy nhiên, việc tiêu thụ quá nhiều muối và đường không chỉ gây hại cho sức khỏe tim mạch mà còn là tác nhân chính khiến thận phải làm việc quá sức.
Lượng muối cao trong chế độ ăn uống có thể làm tăng huyết áp, tạo gánh nặng cho thận trong việc lọc máu, từ đó có thể dẫn đến bệnh thận mạn tính. Tương tự, việc tiêu thụ quá nhiều đường sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, một trong những yếu tố nguy cơ gây tổn thương thận nghiêm trọng.
Vì vậy, trong mùa lạnh, tốt nhất hạn chế tối đa việc sử dụng thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh, đồng thời giảm lượng muối và đường trong bữa ăn hàng ngày. Lựa chọn thực phẩm tươi sống cùng các phương pháp chế biến lành mạnh để bảo vệ thận hiệu quả hơn.
Tập thể dục mỗi ngày
Thời tiết lạnh có thể khiến chúng ta cảm thấy lười biếng và ngại ra ngoài, nhưng việc duy trì thói quen tập thể dục mỗi ngày là rất quan trọng để bảo vệ thận. Tập thể dục không chỉ giúp cải thiện sức khỏe tim mạch mà còn thúc đẩy lưu thông máu, giúp thận hoạt động hiệu quả hơn trong việc lọc và thải độc tố.
Những bài tập thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ, yoga hoặc đạp xe có thể giúp cơ thể giữ ấm và duy trì sức khỏe tổng thể. Ngoài ra, tập thể dục giúp kiểm soát cân nặng, giảm nguy cơ béo phì và tiểu đường – hai yếu tố nguy cơ chính gây bệnh thận. Vì vậy, dù có lạnh như thế nào thì bạn cũng nên duy trì thói quen vận động để đảm bảo thận của mình luôn khỏe mạnh.
Làm gì để bảo vệ thận trong mùa đông?
Theo dõi huyết áp hàng ngày và điều chỉnh thuốc hạ huyết áp theo hướng dẫn của bác sĩ.
Đeo khẩu trang để đi ra ngoài, tránh xa các mối nguy hiểm của khói bụi và vi khuẩn lạnh.
Hạn chế hút thuốc và uống rượu, bia.
Chế độ ăn ít muối, tránh các loại thực phẩm ngâm và nhiều loại gia vị.
Tập thể dục, không chỉ có thể tăng sức đề kháng, mà còn giảm cân hiệu quả.