WHO khởi động kế hoạch chiến lược toàn cầu kiềm chế bệnh đậu mùa khỉ
Phát hiện dạng đậu mùa khỉ mới dễ lây, tỷ lệ tử vong cao Tổ chức y tế Thế giới họp khẩn về sự lây lan của bệnh đậu mùa khỉ Tăng cường giám sát, phát hiện ca nghi ngờ bệnh đậu mùa khỉ |
Bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện tại nhiều quốc gia |
"Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược" với đậu mùa khỉ
Ngày 26/8, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khởi động một chiến dịch toàn cầu mang tên "Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược" nhằm ngăn chặn bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) lây từ người sang người.
Kế hoạch dự kiến được thực hiện từ tháng 9/2024 đến tháng 2/2025, đòi hỏi kinh phí 135 triệu USD. Bằng cách phối hợp các nỗ lực toàn cầu, khu vực và quốc gia, kế hoạch nhằm tăng cường giám sát và phản ứng chiến lược, đảm bảo mọi người dân trên thế giới được tiếp cận công bằng với chẩn đoán và tiêm vaccine phòng bệnh, giảm lây truyền bệnh từ động vật sang người và tăng cường năng lực kiểm soát dịch bệnh trong cộng đồng.
Cụ thể, kế hoạch tiêm chủng nhắm đến những người có nguy cơ cao nhất, như những người tiếp xúc gần với ca bệnh và nhân viên y tế, qua đó cắt đứt chuỗi lây nhiễm. Kế hoạch này cũng sẽ tập trung vào việc cung cấp định hướng chiến lược và hướng dẫn, cũng như đảm bảo các nhóm người dễ bị tổn thương trong các khu vực bị ảnh hưởng được tiếp cận điều trị y tế.
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus khẳng định, các đợt bùng phát Mpox ở Cộng hòa Dân chủ Congo và các nước lân cận có thể kiểm soát được và có thể ngăn chặn được.
Tình hình bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới
Ngày 14/8, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thông báo bệnh Mpox là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu, do sự gia tăng nhanh chóng của bệnh tại nhiều quốc gia châu Phi.
Đậu mùa khỉ gia tăng nhanh chóng tại Châu Phi |
Cụ thể, Mpox đến nay đã lan rộng qua nhiều quốc gia châu Phi. Trong đó, tình hình đặc biệt nghiêm trọng tại nước Cộng hòa Dân chủ Congo, với hơn 15.600 ca mắc bệnh Mpox và 537 ca tử vong đã được phát hiện. Thực tế này được người đứng đầu WHO nhận định "rất đáng lo ngại".
Mặc dù các đợt bùng phát bệnh Mpox không phải là hiếm ở Congo, nhưng hiện nay số ca bệnh đã tăng nhanh chóng. Song song đó, sự xuất hiện của chủng virus mới thuộc nhóm Ib khiến cho số ca mắc lên cao, với đường lây chủ yếu vẫn qua quan hệ tình dục.
Trước đó, vào tháng 7/2022 đã xảy ra đợt bùng phát Mpox ở nhiều quốc gia, cũng được tuyên bố là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu. Đến tháng 5/2023, tình trạng này được tuyên bố kết thúc, sau khi có sự suy giảm liên tục về số ca mắc bệnh.
Sau khi quyết định thông báo lần hai trong 2 năm về tình trạng y tế khẩn cấp liên quan đến Mpox, WHO đang làm việc với các quốc gia và nhà sản xuất vaccine về các nguồn tài trợ, để tạo điều kiện cho các quốc gia tiếp cận tiêm ngừa, liệu pháp điều trị, chẩn đoán bệnh và các công cụ khác.
Việt Nam tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ
Để chủ động giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh Mpox trong nước và xâm nhập, kiểm soát dịch kịp thời không để bùng phát diện rộng, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, ngày 19/8/2024, Bộ Y tế đã có Công văn số 4849/BYT-DP gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị quan tâm chỉ đạo và các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur và Bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm triển khai ngay một số hoạt động phòng chống bệnh đậu mùa khỉ (Mpox).
Việt Nam tăng cường phòng chống bệnh đậu mùa khỉ |
Cụ thể, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tập trung chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống bệnh Đậu mùa khỉ và các hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh Đậu mùa khỉ; chẩn đoán, điều trị bệnh đậu mùa khỉ; phòng ngừa lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bệnh Đậu mùa khỉ của Bộ Y tế.
Bên cạnh đó cần tăng cường thông tin, truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh Đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao. Tăng cường tổ chức kiểm tra, giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch tại các địa phương.
Các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur, Bệnh viện tuyến cuối điều trị bệnh truyền nhiễm cần phân tích, đánh giá, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Đậu mùa khỉ tại các địa phương để kịp thời phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh, tác nhân gây bệnh mới, bất thường (nếu có). Chủ động báo cáo, tham mưu Bộ Y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Chủ động, sẵn sàng thuốc, thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp phân loại, thu dung, điều trị, phòng, chống dịch.