Viêm não mô cầu: Căn bệnh gây tử vong nhanh chỉ sau một ngày nhiễm
Phát hiện ca viêm màng não mô cầu đầu tiên tại Đồng Nai Vượt qua nguy kịch nhờ điều trị viêm màng não mô cầu kịp thời Bệnh não mô cầu gia tăng ở miền Nam |
Viêm não mô cầu là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm bậc nhất với khả năng diễn tiến cực kỳ nhanh, có thể gây tử vong chỉ trong vòng 24 đến 48 giờ nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đáng lo ngại, bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa hè – thời điểm người dân thường tham gia nhiều hoạt động cộng đồng và du lịch.
Tỷ lệ tử vong cao dù được điều trị
![]() |
Viêm não mô cầu do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra có thể dẫn đến viêm màng não và nhiễm trùng huyết. |
Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Hiền Minh, Phó trưởng Đơn vị Tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết: “Viêm não mô cầu do vi khuẩn Neisseria meningitidis gây ra có thể dẫn đến viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Dù được điều trị tích cực, tỷ lệ tử vong vẫn từ 10–15%. Đáng chú ý, khoảng 20% bệnh nhân sống sót phải đối mặt với di chứng vĩnh viễn như điếc, mù lòa, tổn thương thận mạn tính, chậm phát triển trí tuệ hoặc phải cắt cụt chi. Ngoài ra, nhiều trường hợp gặp rối loạn sang chấn tâm lý sau chấn thương (PTSD)”.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng, có thể lây lan nhanh trong môi trường đông người như ký túc xá, trường học, trại hè, hoặc khu vực dân cư đông đúc.
Vì sao bệnh dễ bùng phát vào mùa hè?
Theo bác sĩ Minh, bệnh có thể xảy ra quanh năm nhưng thường tăng cao vào mùa hè, nhất là trong điều kiện thời tiết nóng, ẩm và môi trường ô nhiễm. Một số yếu tố làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh trong giai đoạn này bao gồm:
Tiếp xúc gần trong môi trường tập thể: Các hoạt động trại hè, lễ hội hay du lịch thường khiến nhiều người tụ tập trong không gian kín, tạo điều kiện cho vi khuẩn lây lan qua đường hô hấp, đặc biệt là qua giọt bắn khi ho, hắt hơi, hoặc nói chuyện.
Suy giảm miễn dịch do nắng nóng: Thời tiết oi bức dễ khiến cơ thể mất nước, suy giảm sức đề kháng, đặc biệt ở trẻ nhỏ và người có bệnh nền. Thiếu dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân kém cũng là những yếu tố nguy cơ.
Niêm mạc hô hấp bị tổn thương: Khói bụi và ô nhiễm trong mùa hè, nhất là tại các đô thị lớn, làm khô niêm mạc mũi - họng, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập.
Triệu chứng dễ nhầm lẫn, diễn tiến nguy hiểm
Các biểu hiện ban đầu của bệnh thường giống với cảm cúm thông thường, dẫn đến việc chẩn đoán chậm trễ. Trong vòng 4–12 giờ đầu, người bệnh có thể gặp:
Sốt cao đột ngột (lên đến 41°C), không đáp ứng với thuốc hạ sốt; Đau đầu dữ dội, mệt mỏi, đau mỏi cơ; Buồn nôn, nôn, tiêu chảy nhẹ; Nhạy cảm với ánh sáng; Cứng cổ, đau họng, ho nhẹ; Da lạnh, tái, tay chân lạnh.
![]() |
Xuất hiện ban da (sẩn hồng ban chuyển thành chấm xuất huyết hoặc bọng nước). |
Xuất hiện ban da (sẩn hồng ban chuyển thành chấm xuất huyết hoặc bọng nước), thường xuất hiện ở hai chi dưới, lan nhanh như bản đồ.
Theo CDC Hoa Kỳ, các dấu hiệu nặng hơn có thể xảy ra trong vòng vài giờ, do vi khuẩn lan nhanh vào máu, dẫn đến sốc nhiễm trùng, tụt huyết áp, thậm chí tử vong.
Biện pháp phòng ngừa
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Hiện nay, Việt Nam có ba loại vắc xin có thể bảo vệ trước 5 nhóm huyết thanh phổ biến của vi khuẩn Neisseria meningitidis: A, B, C, W-135 và Y. Tuy nhiên, hiệu quả bảo vệ chỉ đạt được sau 2–4 tuần tiêm chủng, vì vậy cần tiêm phòng sớm.
Ngoài ra, bác sĩ Minh khuyến cáo người dân nên chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác:
Giữ vệ sinh cá nhân và vệ sinh hô hấp đúng cách (che miệng khi ho, đeo khẩu trang nơi đông người); Hạn chế tiếp xúc gần với người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh; Đảm bảo nơi ở thông thoáng, tránh chen chúc; Tăng cường dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý để nâng cao sức đề kháng; Báo cáo ngay các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cho cơ quan y tế để khoanh vùng và kiểm soát dịch sớm.
Bộ Y tế cũng cảnh báo, viêm não mô cầu có khả năng bùng phát thành dịch nếu không kiểm soát tốt. Ngành y tế đang tăng cường giám sát, tiêm chủng và tuyên truyền để nâng cao nhận thức cộng đồng. Người dân không nên chủ quan trước bất kỳ triệu chứng nào nghi ngờ nhiễm bệnh, đặc biệt trong giai đoạn cao điểm mùa hè.
![]() |
![]() |
![]() |
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Các loại đồ uống phổ biến làm tăng nguy cơ gan nhiễm mỡ

Chuyên gia cảnh báo về việc nhịn ăn chữa ung thư

Trào ngược dạ dày: Bệnh phổ biến nhưng dễ bỏ qua

Dầu óc chó – Bí quyết dưỡng da, chăm tóc từ thiên nhiên

Uống trà mỗi ngày có thể giúp bạn sống thọ và khỏe mạnh hơn

Những thực phẩm ít đường chuyên gia khuyên dùng

Việt Nam ghi nhận 148 ca mắc Covid-19 từ đầu năm, không có tử vong

Sữa chua - "Vũ Khí" kiểm soát đường huyết

Vì sao nước mía thường được ép cùng quất?
