Thiếu nguyên liệu sắn lát ở Việt Nam, doanh nghiệp sản xuất gặp khó
Quan ngại thiếu nguyên liệu sản xuất ở Đồng Nai Nguyên liệu sắn có nguy cơ mất trắng Doanh nghiệp bắt đầu thiếu nguyên liệu sản xuất |
Hầu hết các nhà máy chế biến sắn tại Việt Nam đã hoạt động trở lại sau thời gian nghỉ bảo dưỡng. Theo đánh giá của một số nhà máy, mùa vụ 2020-2021 khu vực Tây Ninh tiếp tục gặp khó khăn về nguyên liệu do lượng sắn từ Campuchia về ít hơn và giá cao hơn các năm trước.
Nguồn sắn lát tồn kho vụ 2019-2020 của Việt Nam không còn nhiều. Tại Quảng Trị, nông dân đang tiến hành thu hoạch sắn củ, nguy cơ bệnh khảm lá sắn lây lan trên diện rộng nếu không được phòng trừ triệt để.
Cạn kiệt nguyên liệu sắn lát ở Việt Nam |
Năm 2020, tổng diện tích trồng sắn toàn tỉnh Quảng Trị đạt hơn 10.000 ha và diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm là 421 ha, bệnh hại trên sắn chủ yếu trên giống KM 94, KM 140, tập trung chủ yếu ở huyện Hải Lăng và một số diện tích ở thị xã Quảng Trị và huyện Vĩnh Linh.
Tại Phú Yên, bệnh khảm lá gây hại tới 13.450 ha sắn, trong đó nhiễm nặng là 2.150 ha. Cụ thể, tại Sông Hinh, bệnh khảm lá gây hại 7.300 ha, Sơn Hòa 2.830 ha, Đồng Xuân 3.000ha và Tây Hòa 320 ha. Niên vụ sắn 2020/21, nông dân trong tỉnh trồng hơn 27.550 ha.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tháng 8, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 163,5 nghìn tấn, trị giá 59,74 triệu USD, giảm 19,6% về lượng và giảm 20% về trị giá so với tháng 7/2020; so với tháng 8/2019 giảm 9% về lượng và giảm 16,4% về trị giá, nguyên nhân giảm là do nhu cầu mua của Trung Quốc yếu và tồn kho nội địa thấp.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,74 triệu tấn, trị giá 605,14 triệu USD, tăng 13,1% về lượng và tăng 1,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Giá bình quân xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam trong tháng 8 ở mức 365,4 USD/tấn, giảm 0,5% so với tháng 7/2020 và giảm 8,1% so với tháng 8/2019.
Xét về cơ cấu sản phẩm, trong 2 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu sắn lát ước đạt 130 nghìn tấn, kim ngạch 27 triệu USD, tăng 39,6% về lượng và 72,2% về giá trị so với cùng kỳ. Xuất khẩu tinh bột sắn ước đạt 253 nghìn tấn và 101 triệu USD, giảm 19,5% về lượng và 25,6% về giá trị. Nguồn cung sắn lát thiếu hụt đã đẩy giá xuất khẩu sắn lát của Việt Nam tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm 2020 ở mức 208 USD/tấn, tăng 23,4% so với cách đây một năm. Trong khi đó, giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã xuống mức 398 USD/tấn, giảm 7,6%.
Trung Quốc vẫn tiếp tục là thị trường tiêu thụ lớn nhất nhóm mặt hàng sắn của Việt Nam, chiếm 93% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 2 tháng. Tuy nhiên, xuất khẩu sắn vào Trung Quốc giảm 21,1% về lượng và 25,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Dịch Covid-19 đã tác động đến cầu nhập khẩu của Trung Quốc trong thời gian gần đây khi phía Trung Quốc quyết định kéo dài thời gian đóng cửa các chợ biên giới và tiếp tục tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa cư dân biên giới. Dự báo trong thời gian tới, xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn sẽ tiếp tục trầm lắng do nhu cầu mua hàng từ phía Trung Quốc không tăng đáng kể và dịch Covid- 19 vẫn chưa được kiểm soát.