Kiểm tra, hậu kiểm 200 cơ sở kinh doanh dược ngoài công lập
Cụ thể, Sở Y tế Hà Nội tập trung kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở kinh doanh dược ngoài công lập trong năm 2023 được ưu tiên theo hình thức đột xuất, không báo trước, đặc biệt tập trung kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dược tại các khu vực gần các bệnh viện Trung ương và bệnh viện Thành phố trên địa bàn.
Sở Y tế Hà Nội tiến hành kiểm tra, hậu kiểm 200 cơ sở kinh doanh dược ngoài công lập |
Việc kiểm tra, hậu kiểm được thực hiện trên toàn bộ 30 quận/huyện/thị xã của TP Hà Nội với 200 cơ sở kinh doanh dược.
Ưu tiên tiêu chí lựa chọn đối với các cơ sở kinh doanh dược có người phụ trách chuyên môn được cấp chứng chỉ hành nghề và hộ khẩu ngoại tỉnh, hoặc có nơi thường trú xa nơi đăng ký hành nghề.
Kiểm tra, hậu kiểm toàn diện hoạt động của các cơ sở kinh doanh dược và luân phiên trên các địa bàn quận, huyện, thị xã và có lập biên bản ghi nhận các nội dung được kiểm tra, có xác nhận của các thành viên đoàn kiểm tra, hậu kiểm. Kết quả sau đó được tổng hợp và trình lãnh đạo Sở phương án xử lý, giải quyết theo quy định.
Trong các trường hợp xác nhận cơ sở kinh doanh dược có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hành nghề dược, đoàn kiểm tra, hậu kiểm trình lãnh đạo Sở chuyển biên bản kiểm tra và hồ sơ tài liệu liên quan đến Thanh tra Sở, phòng y tế các quận, huyện hoặc các cơ quan liên quan tiếp tục giải quyết theo quy định.
Còn đối với các cơ sở kinh doanh dược có vi phạm quy định hành nghề dược thì đề xuất các biện pháp xử lý như: xử lý vi phạm hành chính, thu hồi chứng chỉ hành nghề, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, thậm chí đình chỉ hoạt động đối với cơ sở vi phạm theo quy định.
Ảnh minh họa |
Kế hoạch kiểm tra, hậu kiểm được phân công cụ thể cho từng đơn vị như sau:
Phòng Quản lý Hành nghề Y dược tư nhân kiểm tra hồ sơ pháp lý của cơ sở như Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, hồ sơ nhân sự làm việc tại cơ sở kinh doanh dược và kiểm tra các điều kiện về địa điểm hành nghề, nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị; đối chiếu điều kiện thực tế với hồ sơ thẩm định cấp phép của Sở Y tế, việc niêm yết thông tin người hành nghề tại cơ sở. Ngoài ra, còn làm thường trực tổng hợp kết quả kiểm tra, báo cáo Giám đốc Sở và đề xuất hướng giải quyết.
Phòng Nghiệp vụ Dược có nhiệm vụ kiểm tra việc thực hiện các quy định chuyên môn nghiệp vụ như việc duy trì các điều kiện tiêu chuẩn GPs của cơ sở kinh doanh thuốc; việc quản lý bảo quản thuốc (bao gồm thuốc gây nghiện, thuốc hướng tâm thần nếu có) và việc kết nối dữ liệu các cơ sở cung ướng thuốc với dữ liệu dược quốc gia.
Trung tâm kiểm nghiệm thuốc - mỹ phẩm - thực phẩm có nhiệm vụ cử cán bộ tham gia đoàn để kiểm tra điều kiện bảo quản thuốc, theo dõi lưu hành, thu hồi thuốc không đảm bảo chất lượng, lấy mẫu kiểm nghiệm thuốc trong trường hợp cần thiết theo quy định hiện hành.
Thanh tra Sở thực hiện các biện pháp giải quyết, xử lý đối với các cơ sở kinh doanh dược được xác định có hành vi vi phạm khi có ý kiến phê duyệt chỉ đạo của Lãnh đạo Sở.
Thời gian thực hiện việc kiểm tra, hậu kiểm kéo dài từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Thông qua công tác kiểm tra, hậu kiểm lần này, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dược thực hiện tốt các quy định, quy chế chuyên môn trong hoạt động kinh doanh dược; chấn chỉnh hoạt động đối với các cơ sở thực hiện chưa đúng quy định.