Báo động đỏ sốt xuất huyết tại TP HCM: Hơn 14.000 ca mắc, 6 người tử vong
![]() |
Mùa mưa đến, sốt xuất huyết tại TP HCM đang bùng phát nhanh với hơn 14.000 ca mắc, 6 ca tử vong đã được ghi nhận. Ảnh minh hoạ |
TP HCM bước vào cao điểm sốt xuất huyết, nguy cơ bùng phát mạnh
Ngày 11/7, Trung tâm Kiểm soát TP HCM cho biết trong tuần qua, thành phố ghi nhận 838 ca sốt xuất huyết mới, nâng tổng số ca từ đầu năm đến nay lên 14.370 trường hợp, tăng hơn 153% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, đã có 6 ca tử vong, trong đó khu vực Bình Dương (cũ) 2 ca, Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) 1 ca.
Phân bố ca mắc cho thấy khu vực TP HCM cũ ghi nhận hơn 11.000 trường hợp, Bình Dương cũ gần 2.500 ca và Bà Rịa - Vũng Tàu 862 ca. Theo dữ liệu giám sát, thành phố đang bước vào cao điểm mùa mưa – thời điểm muỗi vằn phát triển mạnh, làm tăng nguy cơ lây lan bệnh.
Trong giai đoạn 2019-2022, các đợt dịch lớn tại TP HCM đều bùng phát từ giữa tháng 6 đến cuối tháng 8. Đây cũng là thời điểm hiện nay, buộc ngành y tế và người dân phải đặc biệt cảnh giác để không lặp lại kịch bản cũ. Các chuyên gia cảnh báo nếu không kiểm soát tốt các ổ dịch và diệt loăng quăng thường xuyên, nguy cơ xuất hiện chuỗi lây nhiễm thứ phát là rất cao, có thể gây quá tải cho hệ thống điều trị, nhất là ở bệnh viện nhi và bệnh viện khu vực.
Kiểm soát ổ dịch, phòng bệnh từ mỗi hộ gia đình
Trước diễn biến phức tạp của dịch, TP HCM tiếp tục xác định chủ động phòng ngừa, phát hiện sớm và xử lý triệt để là giải pháp then chốt để kiềm chế sốt xuất huyết. Các địa phương trên địa bàn tăng cường hoạt động giám sát, xử lý ổ dịch, đánh giá các điểm nguy cơ và hướng dẫn người dân thực hiện biện pháp phòng bệnh ngay tại hộ gia đình nhằm giảm thiểu ca mắc và tử vong.
Người dân được khuyến cáo diệt loăng quăng bằng cách tìm và loại bỏ các vật chứa nước mà muỗi vằn có thể đẻ trứng như xô, thùng, hồ... Đậy kín các vật chứa nước sinh hoạt khi không sử dụng và súc rửa thường xuyên, thay nước và súc rửa bình bông, đĩa lót chậu kiểng, ly nước cúng. Nếu có hòn non bộ, cây thủy sinh nên thả cá bảy màu để ăn loăng quăng.
Các vật chứa nước không sử dụng thường xuyên cần sắp xếp, che chắn kỹ lưỡng để tránh đọng nước. Đồng thời, người dân cũng nên chủ động diệt muỗi và phòng muỗi chích bằng các biện pháp như ngủ mùng, dùng bình xịt muỗi, hương muỗi, kem xua muỗi, vợt muỗi...
Để tăng cường kiểm soát, TP HCM tiếp tục vận hành kênh "Y tế trực tuyến" để tiếp nhận phản ánh từ người dân và theo dõi, xử lý các điểm nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Khi phát hiện địa điểm có nguy cơ phát sinh loăng quăng gây sốt xuất huyết, người dân cần nhanh chóng phản ánh địa chỉ cụ thể lên ứng dụng để lực lượng chức năng xử lý kịp thời.
Ngành y tế khuyến cáo, nếu xuất hiện triệu chứng sốt, người dân cần đến ngay cơ sở y tế để khám và tư vấn điều trị, tuyệt đối không tự ý điều trị tại nhà. Việc phát hiện và điều trị sớm là yếu tố then chốt để hạn chế biến chứng và tử vong do sốt xuất huyết.
![]() |
![]() |
![]() |
Có thể bạn quan tâm
Tin khác

Bộ Y tế đề xuất hỗ trợ tiền mặt với các gia đình sinh một bề, có hai con gái

Điều gì xảy ra khi bạn chỉ ngủ từ 5-6 tiếng mỗi ngày?

Khám dịch vụ vẫn được BHYT chi trả: Người bệnh hưởng "lợi ích kép"

Chăm sóc mắt mùa nắng nóng

Thanh toán BHYT cho thuốc y học cổ truyền: Cơ hội cho dược liệu Việt

Chuyên gia chỉ ra những sai lầm khi rửa bát

Khám sức khỏe định kỳ – “Tiền trạm” bảo vệ sức khỏe toàn dân

Tăng phạt, siết quảng cáo để bảo vệ sức khỏe cộng đồng

Giải mã cách ăn thịt gà an toàn cho người mỡ máu cao
