Sử dụng hiệu quả quỹ BHYT nhằm đạt mục tiêu hướng đến người dân của ngành y tế
Từng bước mở rộng quyền lợi cho người có thẻ Bảo hiểm y tế Mức hưởng Bảo hiểm y tế thay đổi gì khi lương cơ sở tăng? Danh mục thuốc BHYT của Việt Nam tương đối đầy đủ, toàn diện nhu cầu sử dụng thuốc |
Thành tựu nổi bật sau 15 năm thực hiện chính sách BHYT
Theo báo cáo của Bộ Y tế, sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW (ngày 7/9/2009) của Ban Bí thư về “Đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới”, các chính sách BHYT đã thật sự đi vào cuộc sống và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đến hết năm 2023, số người tham gia BHYT đã tăng gấp hơn 8 lần so với năm 2008, tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 93,35%, vượt 0,15% so với Nghị quyết số 01/NQ-CP (ngày 5/1/2024) của Chính phủ.
Số lượt người sử dụng thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh tăng nhanh qua từng năm. Năm 2023 ghi nhận 174,8 triệu lượt, nâng tổng số lượt khám chữa bệnh trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2009-2023 lên hơn 141 triệu lượt, với tổng chi phí khám, chữa bệnh bình quân là 66,2 nghìn tỷ đồng/năm. Đặc biệt, trong giai đoạn cả nước bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, vai trò trụ cột của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội ngày càng được phát huy, góp phần chăm sóc sức khỏe và ổn định đời sống cho người dân.
Nâng cao quyền lợi và mở rộng phạm vi tiếp cận dịch vụ BHYT
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn chia sẻ, việc đẩy mạnh BHYT đã tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, thúc đẩy nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người dân, tạo lòng tin, sự tin tưởng và an tâm khi người dân tham gia BHYT đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Quyền lợi của người tham gia BHYT ngày càng được mở rộng, việc tiếp cận dịch vụ khám, chữa bệnh BHYT ngày càng thuận lợi.
Danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật vừa để bảo đảm quyền lợi của người có thẻ BHYT khi đến cơ sở y tế, vừa là yêu cầu nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của cơ sở y tế. Mạng lưới y tế cơ sở phủ rộng khắp cả nước, từng bước được củng cố về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. Chất lượng khám, chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở đã được cải thiện rõ rệt.
Hiện nay, danh mục thuốc tân dược và thuốc y học cổ truyền, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật đều tăng. Các danh mục thuốc, vật tư y tế, dịch vụ kỹ thuật được sử dụng theo năng lực chuyên môn, tuyến chuyên môn kỹ thuật, được cập nhật, điều chỉnh bổ sung để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh. Chính sách đồng chi trả (0-20%) theo từng nhóm đối tượng đã hỗ trợ được cho những người dân còn khó khăn, yếu thế. Ngoài ra, quyền lợi và mức thụ hưởng cho người có BHYT hiện nay cũng được mở rộng bằng các chính sách như thông tuyến tỉnh, mở rộng tham gia BHYT tự nguyện.
Thực trạng và những hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh kết quả đạt được, chính sách BHYT vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: việc chấp hành pháp luật về BHYT của một số nhóm đối tượng như người sử dụng lao động, người tham gia theo hộ gia đình chưa nghiêm túc; chất lượng khám bệnh, chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là ở tuyến y tế cơ sở và các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa; giá dịch vụ y tế chưa được tính toán đúng và đủ.
Bên cạnh đó, một số Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), BHYT các cấp ở một số tỉnh, thành phố chưa quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ triển khai chính sách pháp luật liên quan; chưa bố trí được nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số đối tượng tham gia như người thuộc hộ gia đình cận nghèo, thuộc hộ gia đình nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình.
Giải pháp hướng đến sự bền vững của quỹ BHYT
Theo Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương - Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế (Bộ Y tế), có nhiều nguyên nhân dẫn đến những bất cập nêu trên. Tuy nhiên mức đóng BHYT của Việt Nam thấp so với phạm vi quyền lợi và cũng thấp hơn so với nhiều nước trong khu vực, là nguyên nhân khiến cho mức chi tiền túi của người dân khi đi khám, chữa bệnh vẫn ở mức cao (hơn 40%).
Tiến sĩ Nguyễn Khánh Phương cho rằng, để Quỹ BHYT bền vững cần áp dụng đồng chi trả đối với mọi người dân tham gia BHYT (mức 20%); yêu cầu tham gia bắt buộc, tham gia cả hộ gia đình thay vì cá nhân để tránh những lựa chọn bất lợi cho quỹ ("khi ốm mới tham gia BHYT”). Mặt khác cần có “người gác cổng” tỉnh táo để kiểm soát chuyển tuyến, kiểm soát gian lận, lạm dụng quỹ BHYT.
Về lâu dài cần quản lý tốt bệnh mãn tính tránh biến chứng phải nhập viện dẫn đến chi phí khám, chữa bệnh cao. Hiện nay giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT vẫn chưa bao gồm đầy đủ các cấu phần (chi phí trực tiếp, tiền lương, chi phí quản lý và khấu hao tài sản…) gây khó khăn cho công tác nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT toàn dân
Ngày 1/7 năm nay đánh dấu năm thứ 15 thực hiện Quyết định số 823/QĐ-TTg ngày 16/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 1/7 hằng năm là “Ngày Bảo hiểm y tế Việt Nam”. Bộ Y tế lựa chọn chủ đề truyền thông là: "Sử dụng hiệu quả quỹ BHYT và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở” nhằm tiếp tục tăng cường vận động, huy động các cấp ủy đảng, chính quyền và mọi tầng lớp nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật BHYT gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tăng cường công tác quản lý Nhà nước về BHYT, đồng thời tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tính nhân văn của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, góp phần thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tuyên truyền, giải thích cho nhân dân hiểu rõ mục tiêu phát triển BHYT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân tham gia và thụ hưởng chính sách BHYT, từ đó động viên, khuyến khích nhân dân tích cực, chủ động tham gia; mở rộng chính sách hỗ trợ đối với nhóm thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, ngư nghiệp, học sinh, sinh viên, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…
Dịp này, Bộ Y tế kiến nghị Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ xem xét tiếp tục chỉ đạo ban hành văn bản mới về đẩy mạnh công tác BHYT cho phù hợp trong tình hình mới hiện nay; xem xét chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật BHYT; tăng cường giám sát việc thực hiện các chính sách pháp luật về BHYT.
BHYT là chính sách an sinh xã hội nhân văn, nhân đạo và rất cần sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội. Triển khai các giải pháp để đạt bao phủ BHYT toàn dân chính là góp phần bảo đảm an sinh xã hội công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, mang lại cho người dân chất lượng cuộc sống ấm no và tốt đẹp hơn.