Rửa rau củ quả đúng cách để bảo vệ sức khỏe
Mỗi ngày nên ăn bao nhiêu hạt hạnh nhân sẽ tốt cho sức khỏe? Những lưu ý khi ăn củ sắn Luộc rau nên đậy nắp hay mở nắp xoong? |
Ăn nhiều trái cây và rau củ có thể bổ sung vitamin cần thiết cho cơ thể con người, đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, rau quả lại là loại thực phẩm có nguy cơ chứa mầm bệnh cao gây hại cho sức khỏe nếu không được rửa sạch đúng cách.
Tuy nhiên, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), nhiều người đang mắc sai lầm nghiêm trọng với cách rửa trái cây và rau củ của họ có thể khiến họ có nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng.
Những cách rửa trái cây và rau củ sai lầm
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không khuyến cáo rửa trái cây và rau quả bằng xà phòng, chất tẩy rửa hoặc nước rửa thương mại. Trái cây và rau quả có thể hấp thụ xà phòng và chất tẩy rửa gia dụng và có thể gây bệnh.
Trước khi chuẩn bị hoặc ăn rau quả, hãy rửa thật sạch dưới vòi nước lạnh. Đối với các sản phẩm như dưa chuột, hãy chà bằng bàn chải sạch. Sau khi rửa sạch, lau khô sản phẩm bằng khăn vải sạch hoặc khăn giấy để giảm bớt vi khuẩn có thể có trên bề mặt, theo Health.
Rửa rau bằng cách ngâm lâu trong nước
Cách làm này không chỉ không có tác dụng với rau ngậm hóa chất mà còn làm mất rất nhiều dinh dưỡng trong rau. Bởi vì, trong rau xanh chứa rất nhiều nước, căn cứ vào nguyên lí thẩm thấu, nếu ngâm lâu rau trong nước sẽ khiến nước bên ngoài xâm nhập vào rau để đạt trạng thái dung dịch cân bằng.
Đến khi vách tế bào bị phá vỡ do lượng nước thẩm thấu quá nhiều thì dung dịch trong tế bào chất sẽ hòa tan với môi trường nước bên ngoài. Vì vậy, các chất dinh dưỡng trong rau cũng bị hòa tan với nước, lượng vitamin C gần như bị thất thoát hoàn toàn. Các chất dinh dưỡng khác như vitamin nhóm B hoặc khoáng chất, protein tan trong nước cũng bị thất thoát giống như vậy.
Bên cạnh đó, việc ngâm rau lâu trong nước có thể sẽ tạo điều kiện cho một số vi khuẩn, các loại chất bảo quản thực vật ở mặt ngoài xâm nhập ngược lại vào rau, gây ra nguy hiểm cho sức khỏe.
Thay vì ngâm rau lâu trong nước, chúng ta chỉ nên rửa rau dưới vòi nước, cọ nhẹ những phần có bám bùn đất cho đến khi rau sạch hẳn, làm như vậy vừa giúp loại bỏ chất bẩn và một phần dư lượng thuốc trừ sâu, vừa có thể hạn chế khiến rau bị mất chất.
Ngâm rau vào nước muối
Chúng ta không thể phủ nhận được khả năng loại bỏ vi khuẩn bám dính trên các loại rau quả khi rửa bằng nước muối. Tuy nhiên, việc ngâm rau trong nước muối lại không có hiệu quả nhiều trong việc loại bỏ các hóa chất độc hại có trong rau, cũng không giúp diệt giun, sán hiệu quả bằng rửa rau dưới vòi nước chảy.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội), hành động ngâm rau củ quả với nước muối chỉ có tác dụng gây ức chế hoặc diệt vi khuẩn một cách chừng mực chứ không phải cứ cho vào nước muối là tự động hóa chất độc hại trong thực phẩm sẽ bị loại bỏ.
Ngoài ra, việc ngâm rau củ quả trong nước muối quá lâu hoặc trong nước muối quá đặc còn gây ra tác dụng ngược là nước muối hút lại các chất độc hại gây ảnh hưởng cho sức khỏe hay làm rau bị nhiễm mặn. Khi ngâm quá lâu có thể gây mất chất, khiến rau bị dập nát, mất ngon.. Để sử dụng nước muối đúng cách khi rửa rau củ quả, chúng ta nên pha loãng nước muối ở nồng độ khoảng 5% đặc biệt là với rau ăn sống, dung dịch muối loãng sẽ giúp loại trừ những độc tố có trong rau.
Rửa rau 3 nước là sạch
Cách rửa này không thể loại bỏ các hợp chất hóa học trong thuốc trừ sâu hay trứng giun và ấu trùng sán bởi chúng có kích thước rất nhỏ, nằm lọt trong các khe kẽ và gân lá nên rất khó bị rửa trôi. Rau gia vị như (hành, ngò) chỉ cần rửa qua cũng là một suy nghĩ sai lầm mà hầu hết chị em nội trợ mắc phải.
Chần rau qua nước sôi rồi nấu
Nhiều người cho rằng chần qua rau rồi nấu cho an toàn nhưng đây cũng có một sai lầm. Thói quen rửa và chần qua rau rồi mới nấu nhằm bảo đảm vệ sinh vừa đẹp màu khi ăn là không cần thiết, thậm chí là lãng phí. Cách này vừa làm giảm vitamin vừa khiến cho hương vị của các loại rau quả không còn thơm ngon trong quá trình chế biến.
Việc này không những không loại bỏ được hóa chất, vi khuẩn, mà còn khiến vitamin và khoáng chất có trong rau mất đi.
Các nghiên cứu chỉ ra rằng vitamin bị hao hụt trong rau khi rửa mất 1%, nhưng cắt nhỏ khi rửa có thể làm mất đi 14%. Do đó, muốn giữ lượng vitamin trong rau củ ở mức nhiều nhất, nên rửa rau trước khi thái nhỏ hoặc gọt vỏ để giữ được vitamin.
Dùng rượu trắng rửa trái cây
Rượu trắng tuy có tác dụng diệt vi khuẩn bám trên bề mặt trái cây nhưng lại dễ làm thay đổi màu sắc và mùi vị tự nhiên ở các loại quả, đồng thời làm giảm các giá trị dinh dưỡng, gây lãng phí và ăn kém ngon hơn.
Các phương pháp chung để rửa rau củ quả như sau
Trước khi bạn bắt đầu rửa sản phẩm tươi sống, cần vệ sinh tay sạch sẽ. Hãy chắc chắn rằng bất kỳ dụng cụ, bồn rửa và bề mặt bạn sử dụng để chuẩn bị rửa sản phẩm cũng cần được làm sạch hoàn toàn trước khi bắt đầu rửa thực phẩm.
Bắt đầu bằng cách cắt bỏ bất kỳ phần nào của rau củ quả sản phẩm bị bầm dập hoặc hư hỏng. Nếu bạn rửa một loại trái cây hoặc rau quả mà sẽ cần phải được gọt vỏ, chẳng hạn như quả cam, bạn hãy rửa sạch cam trước khi gọt vỏ để ngăn chặn bất kỳ vi khuẩn có trên vỏ cam xâm nhập vào thịt.
Trái cây có vỏ cứng như táo, chanh và lê, cũng như các loại rau củ như khoai tây, cà rốt và củ cải, bạn có thể làm sạch bằng cách sử dụng bàn chải lông mềm, phương pháp này đặc biệt tốt để loại bỏ chất bẩn bị kẹt trong các lỗ hoặc bị trí khó rửa trên rau củ quả.
Rau lá xanh. Rau bina, rau diếp, cải cầu vồng, tỏi tây và các loại rau họ cải như mầm Brussels và cải thìa nên loại bỏ lớp ngoài cùng của chúng, sau đó được ngâm trong một bát nước sạch, sau đó rửa từng lá bằng nước sạch và để ráo nước.
Các loại quả mọng, nấm và các loại sản phẩm khác dễ bị vỡ hơn có thể được làm sạch dưới vòi nước nhỏ và chà sát nhẹ bằng ngón tay để loại chất bẩn trên bề mặt.
Một khi bạn đã rửa sạch các loại quả, hãy lau khô bằng giấy sạch hoặc khăn vải. Các sản phẩm dễ bị vỡ hay bầm dập, tốt nhất bạn nên đặt trên khăn và nhẹ nhàng lau hoặc cuộn khăn lại để làm khô mà không làm hỏng chúng.
Trước khi ăn trái cây và rau, hãy làm theo các bước đơn giản ở trên để giảm thiểu lượng vi trùng và các chất có hại có thể có bám dính trên bề mặt của các sản phẩm này.
Quả hồng ngon, bổ nhưng tại sao không nên ăn quá nhiều? |
Cây sâm đất – loại thảo dược ''quý như vàng'' nhiều người chưa biết |
Rau bò khai, vị thuốc quý tốt cho sức khỏe |