Những sai lầm thường gặp khi uống nước ép trái cây
Bí quyết trị nám da từ những loại thức uống quanh taNhững lý do bạn nên uống nước ép củ cải đường15 loại nước ép trái cây giúp giảm cân, đẹp da |
Trái cây là một thức uống được chế biến từ việc ép lấy nước từ các loại trái cây tươi. Đây là một nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa dồi dào, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Tuy nhiên, nhiều người lại mắc phải một số sai lầm khi chế biến hoặc sử dụng nước ép sai cách làm không thể phát huy hết công dụng của nó, thậm chí có thể gây hại cho sức khỏe.
Uống nước ép khi đói
Thói quen này có thể gây ra vấn đề tiêu hóa ảnh hưởng đến niêm mạc dạ dày, tá tràng do một số loại trái cây chứa lượng axit cao. Đồ uống này còn chứa hàm lượng đường cao, dùng khi đói có thể làm tăng đột ngột lượng đường trong máu, sau đó giảm nhanh chóng, dẫn đến mệt mỏi.
Thời điểm lý tưởng để uống nước ép trái cây là sau bữa sáng 20-30 phút. Lúc này các enzym trong cơ thể tăng hoạt động, chuyển hóa, dưỡng chất được hấp thụ tốt. Uống nước ép giàu vitamin C còn tăng hấp thu sắt trong thực phẩm. Dùng nước ép giữa các bữa ăn để ổn định lượng đường trong máu hoặc sau khi vận động giúp bổ sung lượng glycogen dự trữ.
Uống thay thế nước lọc
Nước lọc duy trì sự cân bằng nước trong cơ thể mà không chứa calo, đường hay các chất phụ gia. Trong khi phần lớn nước ép trái cây đều cung cấp một lượng đường nhất định. Uống nước ép trái cây thay nước lọc hàng ngày sẽ gây thừa cân, béo phì, tiểu đường, tăng mỡ máu... Lượng đường fructose cao có thể kích thích quá trình tạo mỡ mới ở gan, thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, không tốt cho hệ tiêu hóa.
Chọn trái cây quá nhiều đường
Một số loại quả có hàm lượng đường tương đối cao như xoài, nhãn, chuối, vải, dứa ngọt, anh đào… Việc sử dụng nhiều hoa quả ngọt hoặc hoa quả có nhiều đường có thể gây hại cho sức khỏe, nhất là với những người thừa cân, béo phì, người mắc bệnh đái tháo đường... Tốt nhất, người mắc bệnh tiểu đường nên ăn trái cây tươi tốt hơn nhiều so với việc ép thành nước, dễ làm lượng đường vào máu cao hơn.
Với những người bình thường, khỏe mạnh, nước trái cây vẫn là cách tốt nhất cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể của bạn. Bên cạnh đó, một số người có thói quen pha thêm đường vào nước trái cây, có thể làm tăng lượng fructose, từ đó làm tăng lượng đường vào cơ thể. Do đó, thay vì sử dụng đường hoặc trái cây ngọt khi làm nước ép, bạn nên sử dụng rau củ quả tốt hơn nhiều.
Bảo quản nước ép trong tủ lạnh
Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên rằng, nước ép rau củ quả sau khi làm xong nên sử dụng ngay. Vì thời điểm uống nước trái cây cũng rất quan trọng, khi mới ép xong, nước sẽ có hương vị thơm ngon cũng như chứa hàm lượng dinh dưỡng cao nhất. Nếu uống nước đã ép để lâu có thể gây hại cho sức khỏe thay vì sung dưỡng chất.
Nhiều người có thói quen ép nước trái cây rồi cất trong tủ lạnh, điều này vô tình làm các vitamin và khoáng chất bị giảm đi ít nhiều khi sử dụng. Bạn có thể giữ nước trái cây tự làm trong tối đa 24 giờ, tuy nhiên tốt nhất vẫn nên uống ngay nước trái cây khi ép xong, nó sẽ có lợi cho sức khỏe của bạn.
Uống nước ép thay ăn nguyên quả
Nước ép trái cây thường không chứa chất xơ do phần thịt quả bị loại bỏ trong quá trình ép. Đồ uống này cũng chứa lượng đường cao hơn so với khi ăn nguyên quả, dễ ảnh hưởng đến mức insulin và cân nặng nếu lạm dụng. Kết hợp cân đối giữa uống nước ép quả và ăn nguyên quả để tốt cho sức khỏe.
Uống trước khi ngủ
Điều này có thể làm tăng đột biến lượng đường trong máu, gây gián đoạn giấc ngủ. Một số loại nước ép có tính axit như nước cam hoặc bưởi dễ gây trào ngược axit hoặc ợ nóng.
Dùng máy ép trái cây ép nhiều rau quả một lúc
Ngày nay, nhà nào cũng có một chiếc máy ép nước trái cây, giúp chế biến nước trái cây chỉ trong vài phút. Nhưng bạn có biết, đây chính là "thủ phạm" làm giảm dinh dưỡng của nước ép? Bởi trong khi ép nước trái cây, máy ép trái cây tạo ra rất nhiều nhiệt làm phá hủy các chất dinh dưỡng thiết yếu có trong trái cây và rau quả. Đây là thói quen mắc phải của nhiều bà nội trợ, thường ép một lần với lượng nhiều, khiến máy ép bị nóng lên, vô tình sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nước ép. Giải pháp là nếu bạn sử dụng máy ép trái cây, hãy đảm bảo rằng nó không chạy quá lâu để ép rau quả, đến mức máy nóng lên.
Không kết hợp trái cây và rau củ
Theo chuyên viên dinh dưỡng Thương, kết hợp rau chiếm 70% và 30% trái cây có thể đảm bảo cung cấp nhiều vitamin, chất chống oxy hóa cho cơ thể. Tuy nhiên, không nên ép chung các loại củ nhiều tinh bột (khoai tây, ngô) với trái cây có nhiều đường do có thể gây lên men trong dạ dày, dẫn đến đầy hơi, chướng bụng.
Không lọc kỹ nguyên liệu trước khi ép
Trước khi ép bạn cần phải lựa chọn kỹ nguyên liệu, đảm bảo nguyên liệu còn tươi mới, không bị dập nát, thối hỏng. Những nguyên liệu bị dập nát sẽ làm hương vị nước ép bị giảm và có thời gian bảo quản ngắn hơn.
Trước khi ép cần vệ sinh sạch sẽ dụng cụ ép, dụng cụ bình chứa để nước ép không lẫn tạp chất hay mùi vị lạ.
Không rửa hoặc rửa không sạch
Ngoài dụng cụ ép, nguyên liệu cũng cần rửa sạch vì thuốc trừ sâu, chất bảo quản, bụi bẩn luôn hình thành một lớp mỏng xung quanh trái cây, rau củ bạn ăn hằng ngày. Để loại bỏ các lớp này trên thực phẩm của bạn, hãy rửa chúng dưới vòi nước chảy mạnh. Bạn cần chà mạnh tay với những trái cây, rau của có lớp vỏ ngoài cứng, với rau quả vỏ mềm thì nên chà nhẹ để tránh làm chúng bị bầm, dập.
Hâm nóng trước khi uống
Dưới tác dụng của nhiệt độ cao, nước ép bị biến chất, phá hủy vitamin C, B1 (thiamine), B9 (axit folic)... Nếu muốn uống nước ép ấm, chỉ nên ủ ấm ở nhiệt độ thấp (không quá 40-50 độ C).
Không bỏ hạt trái cây ra trước khi ép
Nếu bạn thường xuyên ép nước trái cây, hoa quả mà không bỏ hạt thì bạn đã làm một việc vô cùng sai. Trong hạt của hàng nghìn loại trái cây người ta đã tìm thấy chất cyanogenic gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên bạn cũng không nên quá lo lắng, bởi nếu dung nạp một lượng lớn chất cyanogenic mới gây các vấn đề tiêu hóa, chóng mặt, hạ huyết áp, đau đầu…
Tốt nhất khi ép trái cây bạn đừng quên bỏ hạt. Ngay cả một hạt nhỏ của trái cây cũng có thể làm hỏng hương vị nước ép của bạn và cũng có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn.
Thêm đường vào nước ép
Các loại trái cây đều có chứa một hàm lượng đường nhất định tốt cho sức khỏe. Nếu thêm đường vào đồ uống làm tăng nguy cơ mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như thừa cân, béo phì, đái tháo đường…
Dùng nước ép trái cây để giảm cân
Đồ uống này không cân bằng về mặt dinh dưỡng do chủ yếu chứa carbohydrate, hàm lượng protein, ít lipid. Thay thế bữa ăn chính bằng nước ép trái cây tươi, có thể giảm cân trong thời gian ngắn nhưng lượng calo nạp vào bị hạn chế, làm chậm quá trình trao đổi chất của cơ thể.
Thiếu hụt protein khiến cơ thể giảm sức mạnh cơ bắp, thiếu máu do các tế bào không nhận đủ oxy, dẫn tới suy nhược. Các chất béo lành mạnh như omega-3, axit docosahexaenoic (DHA) duy trì năng lượng, cân bằng hormone, hòa tan các loại vitamin A, E, D, K. Thiếu hụt chất này khiến cơ thể giảm sức đề kháng.
Uống chung với sữa hoặc với thuốc
Hàm lượng axit tartaric có trong đồ uống phản ứng với lượng protein có trong sữa gây trở ngại cho quá trình hấp thu của cơ thể, rối loạn tiêu hóa. Mọi người uống sữa và nước ép trái cây cách nhau ít nhất 30 phút. Một số loại nước ép trái cây không an toàn khi dùng chung với thuốc như nước ép bưởi, cam, nho, cà rốt, lựu, cần tây... Trước khi kết hợp nước ép với thuốc, cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ.
Uống nước ép cần tây vào thời điểm nào để tốt cho sức khỏe? |
Nước ép ổi có tác dụng gì đối với sức khỏe? |
Tác dụng bất ngờ từ uống nước ép khoai lang sống |