Mẹo giải rượu hiệu quả dịp lễ Tết
Say rượu ảnh hưởng đến sức khỏe thế nào?
Say rượu có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe. |
Say rượu là một tình trạng nguy hiểm có thể gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe. Thực tế say rượu không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe bản thân mà còn có thể gây ra những hậu quả xấu cho mọi người xung quanh, nhất là khi vi phạm hành vi điều khiển phương tiện giao thông với nồng độ cồn.
Việc hiểu rõ về nguyên nhân, triệu chứng, cách xử lý và phòng tránh say rượu rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe bản thân và những người xung quanh. Nhiều người cho rằng "không có rượu thì không thành lễ" khiến việc uống rượu bia trở thành một phần không thể thiếu trong các dịp lễ Tết, đặc biệt là trong các buổi tiệc, gặp mặt. Điều này tạo áp lực "phải uống" cho nhiều người, ngay cả khi họ không muốn hoặc không quen uống nhiều.
Các hoạt động ăn uống, tiệc tùng diễn ra liên tục trong nhiều ngày Tết khiến cơ thể không có thời gian để phục hồi, dẫn đến tình trạng "say chồng say". Hơn nữa, nhiều người còn trộn lẫn các loại rượu bia, cocktail... Điều này làm tăng tốc độ hấp thụ cồn vào máu và khiến người uống nhanh say hơn.
Say rượu có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe như đau đầu, buồn nôn, nôn, chóng mặt, mệt mỏi, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, thậm chí ngộ độc rượu, hôn mê, nguy hiểm đến tính mạng. Về lâu dài, lạm dụng rượu bia có thể dẫn đến các bệnh về gan (viêm gan, xơ gan), tim mạch, thần kinh, ung thư...
Say rượu có thể làm mất kiểm soát hành vi, gây ra những hành động không đúng mực, thậm chí gây gổ, xô xát, gây tai nạn nếu tham gia giao thông, ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội... Cảm giác nôn nao là một tập hợp các triệu chứng khó chịu xảy ra sau khi uống rượu. Nó có thể xảy ra vì nhiều lý do, bao gồm uống nhiều rượu hoặc uống rượu kết hợp với việc thiếu nước và thức ăn. Cảm giác nôn nao có thể khác nhau về cường độ và bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như loại và lượng rượu bạn uống, khả năng dung nạp của mỗi cá nhân và ảnh hưởng của lối sống như thiếu ngủ và tình trạng hydrat hóa.
Về cơ bản, rượu làm tăng sản xuất nước tiểu và dẫn đến mất nước nhiều hơn. Không chỉ lượng rượu tiêu thụ ảnh hưởng đến cảm giác nôn nao mà còn cả loại rượu. Rượu có tỷ lệ cồn theo thể tích cao hơn có thể làm tăng nguy cơ mất nước. Uống quá nhanh, uống khi bụng đói và không uống nước giữa các lần uống rượu đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tình trạng hydrat hóa. Mặc dù thức dậy sau cơn say có thể khiến cơ thể cảm thấy trống rỗng nhưng đồ uống phù hợp góp phần giúp tiếp thêm năng lượng và phục hồi nhanh hơn.
Một số đồ uống giảm bớt các triệu chứng nôn nao khi say rượu
Uống đủ nước là cách đơn giản và hiệu quả nhất để chống lại tình trạng mất nước do rượu gây ra. |
Có một số loại đồ uống tốt nhất để tiếp nhiên liệu cho cơ thể, giảm bớt các triệu chứng nôn nao và giúp cơ thể cảm thấy thoải mái trở lại sau say rượu bia.
Nước: Nước là giải pháp số 1 để bù nước sau một đêm uống rượu. Nước rất cần thiết để bù nước và giúp loại bỏ độc tố khỏi cơ thể. Uống đủ nước là cách đơn giản và hiệu quả nhất để chống lại tình trạng mất nước do rượu gây ra. Uống đủ nước trước, trong và sau khi uống rượu bia để bảo vệ sức khỏe.
Đồ uống điện giải: Đi tiểu nhiều do uống rượu cũng đào thải một số chất dinh dưỡng ra khỏi cơ thể bạn. Ngoài ra, đồ uống có chứa chất điện giải có lợi cho tình trạng nôn nao vì chúng giúp bổ sung các chất dinh dưỡng bị mất do tác dụng lợi tiểu của rượu. Đồ uống điện giải bao gồm nước nước dừa, bột điện giải... Đây là những chất tuyệt vời để bổ sung các chất điện giải natri, kali và magie bị mất do tác dụng lợi tiểu của rượu, bia. Đồ uống điện giải giúp khôi phục lại sự cân bằng nước của cơ thể và có thể làm giảm các triệu chứng như chuột rút, chóng mặt.
Nước ép trái cây: Nước ép trái cây (100% nước ép), đặc biệt là những loại giàu vitamin và chất chống oxy hóa như nước cam hoặc nước ép cà chua có thể giúp tăng lượng đường trong máu và cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết. Chất lỏng bổ sung cũng giúp bù nước cho cơ thể. Nước ép cà chua là loại nước ép giải say rượu rất giàu natri và là nguồn cung cấp kali dồi dào, hai chất điện giải cần thiết cho quá trình hydrat hóa. Nước ép này cũng chứa chất chống oxy hóa như lycopene, cũng như các vitamin giúp bổ sung năng lượng cho cơ thể.
Trà thảo dược: Ngoài việc tăng lượng chất lỏng nạp vào cơ thể, các loại trà thảo dược như trà gừng hoặc trà bạc hà có thể làm dịu dạ dày và giảm buồn nôn. Trà hoa cúc có thể giúp thư giãn và cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Nước dùng và súp: Nước dùng và súp giàu dinh dưỡng giúp chống nôn nao. Nếu gặp khó khăn với cảm giác thèm ăn, nước dùng sẽ nhẹ nhàng cho dạ dày và giúp bổ sung chất lỏng đã mất. Nước dùng, đặc biệt là nước hầm xương, có thể có hiệu quả trong việc giúp giải tỏa cơn say vì nó không chỉ cung cấp nguồn chất lỏng mà còn chứa chất điện giải và một số protein, có thể giúp tiếp nhiên liệu cho cơ thể.
Đồ uống cần tránh khi say rượu
Khi say rượu, bia, có một số loại đồ uống nên tuyệt đối tránh vì chúng có thể làm tình trạng tồi tệ hơn, gây khó chịu hoặc thậm chí nguy hiểm cho sức khỏe.
Nên tránh đồ uống có nhiều caffein và ngọt. Caffeine có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất nước và làm trầm trọng thêm các triệu chứng nôn nao. Đồ uống có đường, nước ngọt, nước trái cây có đường, nước tăng lực cũng không tốt cho người say rượu, bia khi cơ thể đang phải xử lý cồn là lúc gan và thận phải làm việc quá sức. Việc kết hợp rượu với các loại đồ uống trên sẽ tạo thêm gánh nặng cho các cơ quan này, gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Uống rượu bia say có thể gây ra nhiều mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe, từ nhẹ đến nghiêm trọng. Việc nhận biết các dấu hiệu nguy hiểm và thời điểm cần cấp cứu là vô cùng quan trọng để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Người nhà khi thấy các dấu hiệu nguy hiểm cần đưa đi cấp cứu ngay lập tức. Các dấu hiệu nguy hiểm như bất tỉnh, hôn mê, co giật cho, suy hô hấp, ngừng thở, chất nôn, dịch dạ dày trào ngược vào phổi, tụt huyết áp, không bắt được mạch, nhịp tim chậm, loạn nhịp tim, rối loạn tâm thần... Việc nhận biết sớm các dấu hiệu nguy hiểm và xử trí kịp thời là yếu tố then chốt để cứu sống người say hoặc ngộ độc rượu bia nghiêm trọng.