Lưu ngay những quy tắc vàng khi tập thể dục vào mùa đông
Không giống như mùa hè, mùa đông là lúc thời tiết lạnh, nhiệt độ xống thấp, vì thế, nếu muốn tập thể dục vào sáng sớm, bạn nên:
Tập muộn hơn
Khi sang đông, sáng sớm có thể có sương mù, không những thế, lúc này cây cối chưa quang hợp nên lượng khí carbon do cây thải ra vẫn còn nhiều trong không khí.
Vì thế, nếu tập vào buổi sáng, hãy chờ cho trời sáng hẳn, tốt nhất là 8 - 9 giờ để lượng ôxy trong không khí nhiều hơn carbon.
Còn nếu vào buổi chiều, nên tập trong khoảng 4 - 5 giờ.
Đảm bảo giữ ấm cơ thể
Nếu bạn chọn ra ngoài tập, thì giữ ấm cho cơ thể là việc cần phải đặc biệt chú ý, nếu không cơ thể rất dễ bị nhiễm lạnh và gây bệnh.
Không nên mặc áo dày vì trong quá trình thể dục, cơ thể bạn sẽ ấm dần lên, nếu mặc áo quá dày sẽ nóng và ra nhiều mồ hôi. Tốt hơn hết, bạn hãy mặc quần áo thành nhiều lớp để có thể cởi bỏ dần trong khi tập luyện. Nên chọn những bộ quần áo thể thao mùa đông được thiết kế vừa để giữ ấm, vừa bảo đảm độ thoáng khí, thoát mồ hôi và không gây tổn hại cho da.
Đeo găng tay, đội mũ, đi tất len hoặc tất bằng sợi polypropylene để giữ ấm và thoải mái hoạt động.
Khởi động thật kỹ, làm nóng người trước khi tập
Nếu bạn bỏ qua bước khởi động trước khi luyện tập trong thời tiết lạnh khiến các khớp dễ bị cứng và gặp chấn thương. Đây cũng có thể là nguyên nhân khiến bạn dễ gặp phải tình trạng chuột rút trong khi tập.
Do đó, trước khi tập thể dục bạn hãy chú ý khởi động bằng các động tác đơn giản khoảng 5 – 10 phút. Duy trì thói quen trên sẽ làm ấm cơ thể và giúp các khớp linh hoạt hơn.
Đặc biệt, bạn không nên đi chân đất để thể dục vì nếu chân bị lạnh sẽ khiến cơ thể dễ nhiễm lạnh, dễ bị mắc bệnh lạnh tay chân, viêm khớp và dẫn đến nhiều bệnh khác...
Nên tập ở nơi thoáng khí, ít người
Trung bình mỗi người thải ra 20 lít carbon dioxide mỗi giờ, vậy nên, nếu tập thể dục trong phòng tập đóng kín, có nhiều người tập thể dục cùng lúc thì lượng carbon dioxide trong không khí sẽ tăng lên nhanh chóng khiến không khí trong phòng tập bị ô nhiễm, dễ dàng dẫn đến tình trạng chóng mặt, mệt mỏi, buồn nôn...
Tốt nhất, bạn nên tránh tập thể dục trong phòng quá kín hoặc quá nhiều người. Tốt nhất, hãy chọn nơi tập ở ngoài trời, nơi có nắng và có mái che..
Chú ý các bài tập thở
Trong lúc tập luyện, nếu không chú ý đến hơi thở, bạn rất dễ bị viêm họng và mắc các bệnh về hô hấp
Bạn nên học cách thở bằng bụng (hít thật sâu để không khí vào đầy bụng qua đường mũi rồi sau đó thở ra từ từ). Trong khi tập, bạn nên tránh há miệng để không khí không lọt vào bụng qua khí quản, nhờ đó có thể tránh được nguy cơ viêm họng và các bệnh đường hô hấp khác.
Không tắm nước nóng ngay sau khi tập thể dục
Ngay khi bạn tập thể dục xong, các mạch máu dưới da giãn nở, nhiệt độ cơ thể tăng cao, các lỗ chân lông giãn to hơn, tiết ra mồ hôi nhiều hơn.
Nếu tắm nước nóng ngay lập tức sẽ làm tuần hoàn máu trong các cơ bắp và dưới da tiếp tục tăng nhanh, dẫn đến lượng máu cung cấp không đủ cho các cơ quan khác trong cơ thể dẫn đến tình trạng thiếu máu não, trường hợp nặng có thể gây đau tim.
Tốt nhất bạn nên ngồi nghỉ khoảng 20 phút, khi thân nhiệt ổn định trở lại, mồ hôi ráo, nhịp tim và hơi thở điều hòa, lau khô người rồi mới đi tắm.