Loại củ "xù xì" không chỉ là món ăn ngon, còn là thực phẩm tốt cho sức khoẻ
Thài lài trắng - Dược liệu kháng viêm hiệu quả Đan sâm - “tiên dược” giúp hoạt huyết, thanh nhiệt Có nên uống nước dừa mỗi ngày? Cây móng tay, dược liệu tuyệt vời cho bệnh ngoài da |
Củ mài vừa là món ăn vừa tốt cho sức khoẻ xứng đáng với giá trị kinh tế cao của nó |
Củ mài là củ gì?
Củ mài hay còn được gọi với nhiều tên gọi khác như hoài sơn, chính hoài, sơn dược, củ khoai mài, củ lỗ. Tên khoa học là Dioscoreaceae Persimilis Prain Et Burk, thuộc họ củ nâu.
Củ mài là loại thực vật thuộc họ thân leo, phần thân là loại dây leo, dài từ 30 – 50cm và ăn sâu xuống lòng đất.
Thân cây khá nhẵn, khi sờ vào thấy thân cây hơi góc cạnh, nhìn kỹ sẽ thấy màu đỏ hồng. Khi trường thành, phần thân dây leo có thể cao đến vài chục mét.
Lá cây củ mài có hình trái tim, đầu lá nhọn, mọc so le hoặc đối nhau dọc theo thân leo. Lá có hai mặt đều khá nhẵn, sờ vào thấy mịn và không có lông tơ nhỏ. Cuống lá dài khoảng 1,5 – 3cm và là của loại cây này rất to, có thể dài đến 10cm và rộng đến 8cm.
Hoa củ mài mọc thành cụm, thành chùm ở kẽ lá. Hoa có màu vàng, khúc khuỷu mọc thành các cụm đơn tính.
Quả nang có 3 cánh, rộng 2 cm. Nếu quả khô, cây sẽ không có lá, hạt có cánh mỏng màu nâu.
Mỗi cây cho một hoặc hai củ. Củ mài hình trụ ăn sâu xuống đất, khó đào, có thể dài đến hàng mét. Vỏ ngoài của củ mài màu nâu xám, bên trong màu trắng ngà, phần trên mặt đất ở kẽ lá đôi khi có những củ con nhỏ.
Hoa nở thường tháng 5 – 7 và mùa quả vào khoảng tháng 8 – 10 hàng năm.
Người ta thường thu hái củ mài vào tháng 10 – tháng 3.
Củ mài thường mọc nhiều ở các nước Châu Á, trong đó có nhiều tại Trung Quốc, Việt Nam và Ấn Độ. Trước đây, củ mài thường mọc dại tại các khu rừng, nhưng với giá trị kinh tế cáo nên đang được trồng tại rất nhiều nơi trên cả nước, thường mọc nhiều ở các vùng núi như Lai Châu, Hà Giang, Hoà Bình, Quảng Trị tới các tỉnh Bình Phước.
Đặc điểm nhận dạng cây củ mài |
Thành phần dinh dưỡng trong củ mài
Củ mài là loại thực phẩm chứa nhiều thành phần dinh dưỡng thiết yếu.
Tinh bột: 63,25%
Lipid: 0,45%
Protein: 6,75%
Chất nhầy: 2 – 2,8%
Ngoài ra, củ mài còn có hàm lượng allantoin dồi dào và có nhiều thành phần khác như: saponin, cholin, dioscin, vitamin, acid amin, chất chống oxy hóa và các yếu tố vi lượng khác.
Củ mài có tác dụng gì?
Theo Đông y, củ mài là loại thuốc có vị ngọt, tính bình, được dùng như một loại thuốc dùng cho người mất khẩu vị, chán ăn, tiểu đường, hen suyễn. Bên cạnh đấy nó giúp dưỡng vị, sinh tân, bổ tỳ, bổ thận, ích phế, chỉ khát.
Ngoài ra, theo nghiên cứu củ mài còn có nhiều tác dụng khác đối với sức khoẻ.
Điều trị bệnh về đường tiêu hóa
Trong củ mài có nhiều chất xơ, khi ăn đảm bảo nhu động ruột thường xuyên và trơn tru, từ đó ngăn ngừa táo bón. Củ mài được đánh giá là thực phẩm lành mạnh giúp ngăn ngừa hội chứng ruột kích thích, táo bón, khó tiêu.
Ngoài ra, củ mài được sử dụng để điều trị chứng kém ăn, tiêu chảy mãn tính. Chứng khó tiêu gây ra các triệu chứng như đầy hơi, chướng bụng, buồn nôn.
Củ mài chống viêm dạ dày, trào ngược dạ dày
Củ mài có tác dụng ứng chế cytokin gây viêm và ức chế COX-2, bảo vệ biểu hiện của Carbonic anhydrase ở tá tràng. Nhờ vậy củ mài thường xuất hiện trong các bài thuốc bắc giúp chữa viêm dạ dày, trào ngược dạ dày, ...
Ngoài ra, trong củ mài còn tìm thấy chất Saponin (dioscin) giúp giảm sự tổn thương mô bằng cách kích hoạt enzym chống oxy hóa.
Diosgenin có trong củ mài được nghiên cứu giúp làm tăng đáng kể các vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa, bao gồm Lactobacillus murinus và Lactobacillus reuteri. Một nghiên cứu khác còn cho thấy trong củ mài không chỉ hỗ trợ về tiêu hóa mà còn giúp làm tăng lượng vi khuẩn có lợi cho đường ruột.
Củ mài hấp |
Hỗ trợ trong rối loạn chuyển hóa
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, ăn củ mài có khả năng kiểm soát đường huyết, hạ huyết áp, cải thiện tình trạng rối loạn mỡ máu và kiểm soát cân nặng. Nhờ hoạt chất protodioscin có tác dụng làm giảm lipid máu, bao gồm cả cholesterol và triglycerid. Và chứa 3 polysaccharide HSY-I, HSY-II và HSY-III có tác dụng giúp làm hạ đường huyết. Vì vậy, sử dụng củ mài là một lựa chọn tốt cho người bệnh tiểu đường.
Bên cạnh đó củ mài rất giàu chất xơ. Carbohydrate phức hợp của củ mài được chia thành đường, giải phóng và hấp thụ vào máu với tốc độ từ từ, rất ít calo giúp người dùng có cảm giác no lâu mà không làm đầy bụng, không làm gia tăng kích thước vòng eo. Vì vậy ăn củ mài sẽ giúp giảm cân hợp lý và an toàn.
Tác dụng chống oxy hóa
Củ mài là nguồn cung cấp mangan – một khoáng chất thiết yếu giúp tăng cường quá trình chuyển hóa carbohydrate, sản sinh năng lượng và chống oxy hóa hiệu quả. Nhờ hàm lượng cao vitamin C, củ mài giúp loại bỏ các gốc tự do có hại, bảo vệ tế bào khỏi các tổn thương tiềm tàng, ngăn ngừa các bệnh mãn tính như tim mạch, ung thư và đẩy lùi quá trình lão hóa.
Làm đẹp, ngăn ngừa các vấn đề về da
Củ mài từ lâu đã được sử dụng trong làm đẹp nhờ các thành phần như allantoin – chất tăng sinh tế bào, hỗ trợ phục hồi tổn thương trên da, làm lành mụn nhọt và vết thương.
Ngoài ra, vitamin C và beta-carotene trong củ mài có khả năng chống oxy hóa mạnh, giảm các dấu hiệu lão hóa như nếp nhăn, đốm đen, đồng thời thúc đẩy sản sinh collagen giúp da mịn màng, săn chắc. Đắp củ mài lên da còn có thể làm dịu vùng quầng thâm mắt và giúp da sáng khỏe.
Củ mài giúp hạ huyết áp, giảm nguy cơ đau tim
Trong củ mài có nhiều vitamin B6. Đây là thành phần quan trong cho cơ thể giúp phá vỡ homocysteine (axit amin có thể gây tổn thương thành mạch máu). Khi homocysteine trong cơ thể tăng cao sẽ dẫn đến xuất hiện những cơn đau tim. Vitamin B6 sẽ giúp giảm nguy cơ phát triển các bệnh tim.
Củ mài cũng có hàm lượng cao kali. Đây là thành phần quan trọng của điện giải, giúp kiểm soát huyết áp và nhịp tim bằng cách chống lại những tác dụng tăng huyết áp của natri.
Ngoài ra, củ mài cũng chứa dioscorin có hiệu quả cho những người bị tăng huyết áp. Dioscorin là chất giúp ức chế angiotensin, làm tăng tưới máu ở thận, qua đó giảm huyết áp.
Có lợi cho sức khỏe của phụ nữ
Củ mài rất hữu ích cho phụ nữ bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh. Trong củ mài chứa enzyme giúp cung cấp sự thay thế tự nhiên các hormone ở phụ nữ mãn kinh.
Diosgenin trong rễ của mài là một phytoestrogen, đây là một loại estrogen thực vật tự nhiên.Vitamin B6 còn là một chất bổ sung quan trọng cho phụ nữ mắc hội chứng tiền kinh nguyệt, đặc biệt là chứng trầm cảm. Do đó, củ mài được sử dụng như một loại thuốc bổ giúp cân bằng nội tiết tố cho phụ nữ.
Ngoài ra củ mài cũng sử dụng để điều trị các vấn đề ở phụ nữ bước vào thời kỳ tiền, mãn kinh: Bốc hỏa liên quan đến thời kỳ mãn kinh; Khô âm đạo sau mãn kinh; Rối loạn kinh nguyệt; Loãng xương.
Những lưu ý khi sử dụng củ mài
Củ mài là loại củ lành tính, có thể sử dụng giống như các thực phẩm để ăn hàng ngày. Tuy nhiên nếu đang sử dụng thuốc khác để điều trị, bạn nên gặp bác sĩ để được tư vấn nhằm tránh tác dụng phụ xảy ra.
Phụ nữ mang thai và đang cho con bú không nên dùng củ mài để tránh các tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.
Những người có thân nhiệt thấp hoặc thường xuyên bị táo bón cũng nên hạn chế sử dụng củ mài để tránh tình trạng cơ thể bị ảnh hưởng xấu.
Tiêu thụ quá nhiều củ mài có thể dẫn đến một số tác dụng phụ như buồn nôn, tiêu chảy. Một số trường hợp còn xuất hiện hiện tượng phát ban da sau khi ăn củ mài. Do đó, cần lưu ý khi bổ sung củ mài vào chế độ ăn uống.
Chỉ nên dùng củ mài trong liều lượng khuyến cáo hàng ngày, không sử dụng quá mức để tránh các tác động tiêu cực đến sức khỏe.