Hà Nội ghi nhận ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm 2023
Trẻ điều trị bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Nhi Trung ương |
Ngày 9/10, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) Hà Nội thông tin, vừa ghi nhận ca viêm não Nhật Bản đầu tiên trong năm nay.
Ca bệnh này là bé trai 5 tuổi ở huyện Phúc Thọ. Bé nhập Bệnh viện Nhi Trung ương vào cuối tháng 9, biểu hiện sốt cao, đau đầu, mệt mỏi, kết quả xét nghiệm dương tính với virus viêm não Nhật Bản.
Trước đó, bệnh nhi này đã tiêm 3 mũi cơ bản vaccine phòng bệnh viêm não Nhật Bản.
“Đây là trường hợp đầu tiên mắc viêm não Nhật Bản trong năm nay trên địa bàn Thủ đô. Như vậy, số ca mắc năm nay giảm 3 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái”, CDC Hà Nội thông tin.
So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc viêm não Nhật Bản tại Hà Nội giảm 3 trường hợp.
Viêm não Nhật Bản là bệnh viêm cấp tính tổ chức não do virus viêm não Nhật Bản gây nên. Đây là virus gây viêm não hàng đầu châu Á, trong đó có Việt Nam. Virus này xuất hiện ở các loài gia súc (như lợn, ngựa và chim). Muỗi đốt các loài động vật mang virus, sau đó đốt sang người sẽ truyền virus viêm não Nhật Bản.
Muỗi truyền viêm não Nhật Bản là muỗi Culex thói quen hoạt động mạnh vào lúc chập tối. Loại muỗi này cư ngụ mật độ cao ở vùng đồng bằng và trung du, là trung gian chủ yếu truyền bệnh viêm não Nhật Bản ở nước ta.
Bệnh có thể phát hiện ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở trẻ em 2 đến 8 tuổi, tỷ lệ tử vong và di chứng cao ở trẻ nhỏ (25-35%). Những di chứng này khiến người bệnh giảm khả năng giao tiếp, giảm hoặc mất khả năng lao động, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Triệu chứng đầu tiên của bệnh thường bao gồm sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn. Ngoài ra có thể có các biểu hiện của nhiễm virus nói chung như mệt mỏi, ớn lạnh. Bệnh nặng có thể có các biểu hiện như co giật, giảm khả năng nhận thức, trẻ thay đổi tính nết, la hét, kích động hoặc sững sờ, không nhận ra bố mẹ, nói nhảm, hôn mê. Trẻ rối loạn vận động như liệt tay, chân hoặc nửa người, co cứng, xoắn vặn.
Tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất |
Để chủ động phòng, chống bệnh viêm não Nhật Bản, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh sau đây:
Tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất.
Tiêm chủng với 3 liều cơ bản, gồm: Mũi 1: Tiêm càng sớm càng tốt ngay sau 1 tuổi; mũi 2: Sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần; mũi 3: Sau mũi 2 là 1 năm. Sau đó, cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Xây dựng chuồng gia súc xa nhà, loại bỏ các ổ bọ gậy và tiêu diệt muỗi.
Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở, chuồng gia súc sạch sẽ để muỗi không có nơi trú đậu.
Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.
Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa ngay bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bộ Y tế quyết định xếp bệnh đậu mùa khỉ vào bệnh truyền nhiễm nhóm B |
Bộ Y tế ban hành kế hoạch phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm năm 2023 |
Những bệnh truyền nhiễm qua nguồn nước cần lưu ý |