Bạn đã vo gạo đúng cách chưa?
Nấu cơm vốn là công việc quen thuộc của bất cứ gia đình nào. Việc nấu cơm tưởng chừng đơn giản, thế nhưng, trên thực tế muốn cơm vừa ngon, đảm bảo dinh dưỡng thì không phải ai cũng biết.
Khi vo gạo nhiều người có thói quen vo kỹ gạo đến khi nước trong rồi mới đem đi nấu, điều này hoàn toàn sai lầm. Chất xơ, vitamin và khoáng chất quý giá chủ yếu nằm ở bên ngoài hạt gạo chứ không phải bên trong. Do vậy, nếu vo gạo kỹ đến khi thấy nước trong hoặc chà xát quá mạnh mới mang đi nấu sẽ làm mất đi các dưỡng chất quan trọng của hạt gạo.
Theo ThS.BS Doãn Thị Tường Vi (Nguyên Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện 198), vo gạo quá kỹ trước khi nấu cơm là hành động khiến cơm gạo mất chất, hao hụt dinh dưỡng. Ai cũng nghĩ cơm gạo cung cấp tinh bột nhưng chỉ bấy nhiêu thôi là chưa đủ.
BS Tường Vi nhận định, gạo chứa rất nhiều vitamin nhóm B như B1, B3, B6. Bên cạnh đó, lớp ngoài của hạt gạo còn chứa các khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể như magie, sắt, kẽm... Bên ngoài hạt gạo cũng chứa một lượng chất xơ đáng kể, cần thiết cho cơ thể.
"Chất xơ trong cơm gạo không chỉ có tác dụng chống táo bón, giúp nhuận tràng, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn mà còn làm chậm quá trình đường chuyển vào máu, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường", BS Vi cho hay.
Ngoài ra, hiện nay cũng có một số loại gạo không cần phải vo trước khi nấu. Ví như những gạo đã được sấy sau đó hút chân không khi đóng bao bì, được gọi là gạo sạch thì chúng ta không cần thiết phải vo.
Hoặc loại gạo lật nảy mầm, gạo được cho nảy mầm rồi sấy khô, hút chân không cũng chỉ cần nấu và không cần vo", bà Lâm cho hay.
Theo Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp, Trung tâm nhiệt đới Việt Nga, Bộ Quốc Phòng, thì cho rằng vẫn nên vo gạo trước khi nấu. Vì việc vo gạo có thể loại bỏ được các hạt vi nhựa bám trên bề mặt gạo trong quá trình vận chuyển, đóng gói. Vo gạo cũng giúp loại bỏ các loại hạt cát, sỏi, cám, bụi, bẩn có trong gạo nếu có.
"Trong gạo có hàm lượng asen vô cơ rất nhỏ, vo gạo sẽ giúp giảm bớt chất này. Ngoài ra, việc vo gạo trước khi nấu cũng sẽ giúp cho hạt gạo khi nấu chín mềm và đỡ bị dính hơn", bác sĩ Hoàng nói.
Nhìn chung, khi nấu cơm vẫn cần vo gạo nhưng không nên vo gạo quá lâu, quá kỹ, không ngâm gạo quá lâu trước khi nấu. Chỉ nên rửa gạo, khuấy nhẹ tay, gạn nước để loại trừ sâu, sạn, loại bỏ bất kỳ mảnh vụn, hạt sạn trước khi nấu. Ngoài ra, nên rửa tay thật sạch trước khi vo để gạo không bị nhiễm bẩn.