Vẫn còn tình trạng thiếu thuốc dù đã nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn
Thuốc lá là yếu tố nguy cơ hàng đầu cho các bệnh không lây nhiễm Điều chỉnh thuế xuất, nhập khẩu một số mặt hàng Quan điểm nhất quán là đề xuất cấm thuốc lá điện tử |
Trong phiên họp chiều 11-11 trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, đại biểu Tô Văn Tám (KonTum) đặt vấn đề về việc còn tình trạng thiếu thuốc ở một số cơ sở dù đã nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn. Vậy đây có phải trách nhiệm của một bộ phận về đấu thầu thuốc hay không? Nếu có giải quyết như thế nào?
Còn tình trạng thiếu thuốc ở một số cơ sở dù đã nỗ lực tháo gỡ các điểm nghẽn |
Trả lời câu hỏi của đại biểu Tô Văn Tám, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết Quốc hội, Chính phủ thời gian qua đã tháo gỡ nhiều vướng mắc và Bộ Y tế thường xuyên có văn bản cũng như làm việc trực tiếp với các địa phương về việc này.
Về nguyên nhân, theo bà Lan, do quy định Luật Đấu thầu còn mới, văn bản quy định mới nên việc nghiên cứu tìm hiểu và bố trí nhân lực còn khó khăn. Có nhân lực còn bỡ ngỡ.
Để giải quyết việc này, ngoài tập huấn, Bộ Y tế đang xây dựng sổ tay cẩm nang hướng dẫn để các địa phương đủ năng lực thực hiện.
Mặt khác theo bà Lan, thực tiễn có những đơn vị trong qua trình làm chưa dám nghĩ dám làm, e ngại sai phạm. "Riêng việc này chúng tôi đã có chỉ thị gửi cho các cơ sở khám chữa bệnh phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm liên quan đến khám chữa bệnh. Ngoài ra chúng tôi cũng tiếp tục hỗ trợ người đứng đầu ngành y tế các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ", bà Lan nói.
Riêng về vướng cơ chế, theo bà Lan: "Có địa phương phân cấp hết về cho cơ sở y tế phía dưới nhưng khi triển khai mua sắm anh em còn khó khăn, chưa chủ động lên kế hoạch".
Bộ trưởng Đào Hồng Lan |
Cũng liên quan đến vấn đề thiếu thuốc tại các bệnh viện, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn) cho biết, theo phản ánh của các nhà thuốc bệnh viện, vẫn còn khó khăn trong đấu thầu thuốc và trên thực tế vẫn còn những thời điểm người dân khám bệnh xong nhưng không thể mua thuốc được tại nhà thuốc bệnh viện, ảnh hưởng đến việc điều trị. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, vướng mắc này do đâu và bao giờ sẽ giải quyết?
Bộ trưởng Lan cho hay thời gian qua bộ đã có nhiều chỉ đạo về vấn đề này.
Các nhà thuốc bệnh viện là do bệnh viện quản lý, tổ chức bán cho người dân có nhu cầu, không phải lấy tiền từ ngân sách hay bảo hiểm y tế và trước đây bệnh viện hoàn toàn quyết định việc mua sắm này.
Tuy nhiên, theo Luật Đấu thầu 2023, nhà thuốc bệnh viện phải đấu thầu trong khi nhu cầu phát sinh đa dạng, nên gặp khó khăn. Các cơ sở y tế cũng phản ánh nội dung này khi sửa đổi Luật Dược. Vì vậy khi sửa đổi luật giải quyết vấn đề nhà thuốc bệnh viện, giao lại quyền chủ động mua sắm cho nhà thuốc, đảm bảo công khai minh bạch trong quá trình thực hiện.
Theo phản ánh của các nhà thuốc bệnh viện, vẫn còn khó khăn trong đấu thầu thuốc |
Bên cạnh vấn đề thiếu thuốc, đại biểu cũng chất vấn Bộ trưởng Lan về việc chậm thanh toán chi phí bảo hiểm y tế cho các bệnh viện.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) nêu việc chậm thanh toán chi phí bảo hiểm y tế cho các bệnh viện mặc dù kiến nghị nhiều năm nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm, gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh và kể cả ảnh hưởng đến việc đấu thầu thuốc. Tình trạng thiếu thuốc vừa qua do khó khăn về tài chính, Bộ Y tế đã có hướng dẫn nhưng thực tế vẫn chưa tháo gỡ được những vướng mắc của nhiều địa phương trong cả nước.
Do đó, các bệnh viện hiện nay vừa khó và vừa bị treo nợ. Trước thực tế trên, bà đề nghị bộ trưởng có cam kết nỗ lực cùng với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tháo gỡ vấn đề trên cho các bệnh viện, nếu cần thì đề xuất cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho hay nội dung này đã được Chính phủ chỉ đạo, ban hành nghị định 75/2023, giải quyết được tình trạng này.
Bộ đã phối hợp với cơ quan BHXH Việt Nam giải quyết được phần nợ đọng là trên 11.000 tỉ đồng. Hiện nay, BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp với các địa phương phân bổ cho các cơ sở y tế để giải quyết vấn đề nợ đọng.
Bộ trưởng cho rằng số tiền nợ đọng này nếu được gửi lại cho các cơ sở y tế theo quy định đây là một nguồn lực rất lớn để các cơ sở y tế đảm bảo được điều kiện mua thuốc, đấu thầu thuốc. Bởi trong thời gian qua, rất nhiều cơ sở y tế nợ đọng nên các doanh nghiệp không mặn mà bán thuốc cho cơ sở y tế công lập.