Lợi ích của khoai lang đối với sức khoẻ
Củ khoai lang là nguồn cung cấp rất nhiều vitamin, khoáng chất, riboflavin, thiamine, niacin và carotenoid. Chính nhờ những thành phần dinh dưỡng này mà củ khoai lang có thể hỗ trợ bạn phòng và chữa nhiều bệnh mãn tính, tăng cường giảm cân, cải thiện làn da và mái tóc.
Tác dụng của khoai lang
Tốt cho sức khỏe tim mạch
Khoai lang cũng có một số đặc tính giúp duy trì sức khỏe tim mạch. Trong củ khoai lang có chất anthocyanin, đặc biệt ở phần vỏ có chứa nhiều anthocyanin hơn trong phần ruột.
Theo nghiên cứu của David Heber, Đại học Havard (Hoa Kỳ), chất anthocyanin có thể giảm thiểu các cơn đau tim do đột quỵ và ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông trong lòng mạch.
Bổ sung vitamin A
Sau khi ăn khoai lang, beta carotene có trong khoai sẽ được gan chuyển thành vitamin A, mỗi phân tử beta carotene tạo ra hai phân tử vitamin A.
Cơ thể chúng ta cần vitamin A để có thể chống lại các bệnh nhiễm trùng khác nhau và tăng khả năng chống nhiễm trùng về sau.
Làm giảm căng thẳng
Khoai lang có lượng magie cao, một khoáng chất quan trọng để cơ thể hoạt động tốt. Ngoài ra, magie còn có một công dụng tuyệt vời là giúp giảm lo lắng và căng thẳng.
Người bị thiếu magie có liên quan mật thiết đến nguy cơ rơi vào căng thẳng, trầm cảm và lo lắng cao hơn. Do đó, việc ăn khoai lang có thể giúp bổ sung lượng magie, hỗ trợ điều trị trầm cảm và các hành vi liên quan đến lo lắng.
Bảo vệ đường tiêu hóa
Bổ sung khoai lang trong thực đơn cũng sẽ cải thiện sức khỏe của hệ tiêu hoá. Đặc biệt, ăn khoai lang cả vỏ sẽ giúp quá trình tiêu hóa diễn ra ổn định hơn. Khoai lang chứa lượng vitamin, khoáng chất, chất xơ và carbohydrate cao có tác dụng hỗ trợ chữa lành các vết loét dạ dày và ruột, điều trị hội chứng ruột kích thích nhờ chứa các chất chống ôxy hóa.
Ngoài ra, chất xơ trong khoai lang còn tạo môi trường để vi khuẩn có lợi trong ruột kết phát triển và giữ cho các tế bào niêm mạc ruột luôn khỏe mạnh.
Tăng cường trí nhớ
Khoai lang chứa anthocyanin, chất chống oxy hóa mạnh. Anthocyanin được chứng minh là có tác dụng hỗ trợ tăng cường trí nhớ cũng như tăng cường sự tập trung.
Không chỉ với người lớn, một nghiên cứu chỉ ra rằng tiêu thụ thực phẩm giàu anthocyanin giúp hỗ trợ tăng cường sự tập trung và chú ý ở trẻ em. Chế độ ăn giàu trái cây, rau quả trong đó có khoai lang có thể hỗ trợ giảm 13% nguy cơ suy giảm tinh thần và sa sút trí tuệ.
Hỗ trợ giảm cân
Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Đánh giá phê bình về Khoa học Thực phẩm và Dinh dưỡng, trong khoai lang chứa nhiều tinh bột kháng – chất này có thể hỗ trợ giảm cân hoặc duy trì cân nặng theo một số cách. Một trong những cách là nó giải phóng các peptide khiến cơ thể bạn nhận biết được sự thèm ăn của bạn, đồng thời nó cũng làm giảm lượng chất béo được lưu trữ trong các tế bào mỡ.
Chống viêm
Choline là một chất dinh dưỡng rất tuyệt vời. Một trong những lợi ích tốt nhất của choline là làm giảm phản ứng viêm của cơ thể nên dẫn đến tình trạng viêm ít hơn.
Ngoài ra, công dụng chống viêm của khoai lang còn đến từ hàm lượng anthocyanin dồi dào. Hoạt chất vô cùng quan trọng để ngăn ngừa và giảm viêm trong các tế bào ung thư ruột kết. Anthocyanin còn giúp giảm sự tăng sinh tế bào ở một số tế bào ung thư.
Hỗ trợ ngăn ngừa và điều trị ung thư
Khoai lang tím đặc biệt hiệu quả trong việc chống ung thư. Các thành phần có trong khoai lang tím có thể ức chế sự phát triển của các bệnh ung thư cụ thể như ung thư dạ dày, ung thư vú và ung thư ruột kết. Hơn nữa, nồng độ anthocyanin cao trong khoai lang tím có lợi trong hoạt động chống ung thư trong ung thư vú và ung thư dạ dày.
Chiết xuất từ khoai lang có thể tiêu diệt các tế bào ung thư tuyến tiền liệt. Các hoạt chất này cũng đảm bảo rằng ung thư không lan rộng hoặc phát triển đến bất kỳ bộ phận nào khác của tuyến tiền liệt.
Lưu ý khi sử dụng khoai lang
Không nên ăn sống
Khoai lang chứa nhiều tinh bột, nếu ăn sống sẽ khó tiêu hóa nên tốt nhất bạn nên nấu chín. Đun nóng ở nhiệt độ cao cũng làm cho chất xơ hòa tan được tiêu hóa, rút ngắn chuỗi đường và làm tăng độ ngọt của khoai lang.
Nên ăn vào bữa trưa
Tốt nhất nên ăn khoai lang vào bữa trưa. Điều này là do sau khi chúng ta ăn khoai lang, canxi có trong chúng cần được hấp thụ trong cơ thể con người sau 4 đến 5 giờ.
Trong trường hợp này, nếu bạn ăn khoai lang vào bữa trưa, tất cả lượng canxi có thể được hấp thụ trước bữa ăn tối và nó sẽ không ảnh hưởng đến việc hấp thụ canxi trong các thực phẩm khác vào bữa tối.
Không nên ăn quá nhiều khoai lang một lúc
Mặc dù các chuyên gia đều cho rằng ăn khoai lang mỗi ngày chắc chắn tốt cho sức khỏe nhưng cũng có rất nhiều loại rau củ bổ dưỡng khác để bạn thưởng thức. Một số nhà dinh dưỡng cho rằng, nếu đang ăn nhiều hơn một củ khoai mỗi ngày, bạn nên cân nhắc thay đổi để nhận được nhiều loại chất dinh dưỡng khác.
Không nên ăn quá nhiều khoai lang. Vì trong khoai lang có chứa một loại enzym oxidase, loại enzym này dễ tạo ra một lượng lớn khí cacbonic trong đường tiêu hóa của con người. Ăn nhiều khoai lang còn có thể kích thích sản xuất axit trong dạ dày gây đầy hơi, ợ chua...
Không nên ăn khoai lang khi bụng đói
Khoai lang chứa nhiều đường, ăn lúc đói sẽ sinh ra nhiều axit trong dạ dày, khi có quá nhiều axit trong dạ dày sẽ kích thích niêm mạc dạ dày gây trào ngược axit khiến người bệnh cảm thấy ợ chua.
Khoai lang cũng chứa một chất oxy hóa, tạo ra một lượng lớn khí carbon dioxide trong đường tiêu hóa, dễ gây đầy bụng, nấc cụt và các triệu chứng khác.
Không ăn khoai lang để cả vỏ
Khoai lang nóng hổi vừa thơm vừa ngon nên có nhiều người ăn cả vỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra rằng, tốt nhất không nên ăn khoai lang còn vỏ, khoai lang nhiễm vi khuẩn đốm đen rất khó phân biệt sau khi làm chín. Do đó, không nên ăn khoai lang bị đốm đen, cháy khét, có thể gây ngộ độc.
Những người không nên ăn khoai lang
Bệnh nhân tiểu đường cần thận trọng vì khoai lang chứa nhiều carbs. Hãy kết hợp khoai lang với protein và một ít chất béo để tránh tăng đột biến lượng đường trong máu.
Những người có tiền sử sỏi thận cũng nên lưu ý vì khoai lang chứa nhiều chất dinh dưỡng gọi là oxalate, có thể gây sỏi thận ở những người có nguy cơ cao.