Chuyên ra chỉ ra một số loại mứt giúp hệ tiêu hóa tốt hơn
Bí quyết chọn dừa ngon làm mứt ngày Tết Mứt Tết - Nét đẹp truyền thống và những lưu ý khi thưởng thức Giá dừa tăng gấp đôi, Tết này có thiếu mứt? |
Mứt gừng - vị thuốc tốt cho tiêu hóa
Mỗi ngày ăn một lát mứt gừng sẽ rất tốt cho hệ tiêu hóa. |
Theo Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, mứt là sự kết hợp của nhiều loại thực phẩm nông nghiệp như lạc, bí đao, cà rốt, táo, hạt sen… Đa số các thực phẩm này khi làm mứt đều được bọc hoặc nhào trộn cùng đường để tạo vị. Ngoài những sản phẩm trên, dù mứt Tết truyền thống hay mứt hiện đại trong hộp mứt luôn có một lát mứt gừng nho nhỏ.
Lương y Bùi Đắc Sáng cho rằng, sở dĩ nhà sản xuất cho một miếng mứt gừng vào là có lý do riêng, ngoài để đủ vị trong hộp mứt, gừng còn được coi là vị thuốc để hỗ trợ tiêu hóa khi ăn nhiều đồ ngọt. Trong y học phương Đông, gừng là một dược liệu tự nhiên rất tốt cho sức khỏe.
Gừng có vị cay, the, tính nóng, điều này chủ yếu là do gừng có chứa gingerol, giúp thúc đẩy quá trình tiết của tuyến nước bọt và tuyến tiêu hóa, thúc đẩy nhu động của đường tiêu hóa, kích thích thèm ăn, điều chỉnh chức năng của đường tiêu hóa. Vì thế, những người tiêu hóa không tốt, thường hay bị đầy hơi và đau bụng đi ngoài thường được khuyến cáo ăn gừng.
Trong những ngày Tết, các chuyên gia luôn khuyến cáo, hạn chế ăn đồ ngọt như mứt tết, nhưng riêng với mứt gừng có thể ăn hàng ngày, với số lượng vừa phải, không lạm dụng. Lương y Bùi Đắc Sáng phân tích: “Dù mứt gừng cũng được phủ một lớp bột đường, nhưng không đáng kể so với mứt táo, mứt sen, mứt lạc. Hơn nữa, mứt gừng thường chỉ có một lát nhỏ, nên mỗi ngày ăn một lát mứt gừng sẽ không nạp quá nhiều đường vào cơ thể, ngược lại gừng lại tốt cho hệ tiêu hóa, làm ấm cơ thể”.
Các nghiên cứu của y học hiện đại cũng chỉ ra rằng, gừng thúc đẩy nhu động ruột, gia tăng tốc độ tiêu hóa thức ăn, giảm áp lực trong đường tiêu hóa và làm dịu dạ dày, giảm cảm giác buồn nôn. Trong quá trình tiêu hóa, khi vi khuẩn đường ruột tiếp xúc với thức ăn tạo ra hiện tượng lên men, gây đầy hơi, chướng bụng. Lúc này, các enzyme trong gừng tác động và đẩy khí ra khỏi cơ thể, làm giảm khó chịu.
Ngoài mứt gừng, lương y Bùi Đắc Sáng tư vấn, mọi người có thể sử dụng thêm một số loại mứt khác tốt cho hệ tiêu hóa như:
Mứt quất (tắc): Theo Đông y, quả quất vị ngọt chua, tính ấm, vào các kinh phế, vị, can; có công năng hóa đàm, trị ho, lý khí, giải uất, tiêu thực, giải rượu. Tinh dầu trong vỏ của quất, quýt, cam có khả năng ngăn ngừa phát sinh ung thư gan, thực quản, đại tràng, da… Vỏ quất cũng rất giàu vitamin C, chất xơ có lợi cho tiêu hóa và hạ được cholesterol, làm vững chắc thành mạch, phòng tăng huyết áp. Hạt quất để cầm máu, chống nôn, giảm ho.
Mứt phật thủ: Quả phật thủ được dùng chữa bụng đầy trướng, đau dạ dày, nôn mửa, chán ăn, ho dai dẳng có nhiều đờm; chống khát, hạ sốt, an thần, chữa nhức đầu. Mứt phật thủ có tác dụng kích thích hô hấp và chữa ho. Những người lo âu và tiêu hoá kém nên dùng mứt phật thủ.
Những loại mứt tốt cho sức khỏe
Bên cạnh những loại mứt ăn hàng ngày giúp hệ tiêu hóa tốt hơn thì những loại mứt khác nếu ta thưởng thức chúng một cách thích hợp cũng mang lại nguồn dinh dưỡng tốt cho cơ thể như:
Mứt cà rốt: dùng 30 - 50g/ngày có tác dụng bổ huyết, kích thích tiêu hóa. Dùng cho người ăn khó tiêu, gầy còm, thiếu máu, trẻ em chậm lớn, chậm mọc răng và tiêu chảy kéo dài do thiếu dinh dưỡng. Mứt cà rốt còn chữa được kiết lị mãn tính. Trong cà rốt còn có tiền vitamin A - có tính năng ngăn ngừa khô giác mạc, quáng gà, vết thương lâu lành và tăng cường sức đề kháng của cơ thể.
Mứt hồng: hồng nguyên trái ép dẹp sấy khô hoặc là hồng rim đường dùng từ 60 - 100g/ngày, có tác dụng chữa suy nhược cơ thể, suy dinh dưỡng. Khi ăn mứt hồng, đừng vứt vỏ vì vỏ hồng là một vị thuốc tốt chữa ho và bệnh đi tiểu đêm.
Mứt sen: ngày ăn từ 20 - 50g hạt sen vừa bổ, vừa có tác dụng an thần đối với người suy nhược, kém ăn, mất ngủ do stress hoặc do sử dụng nhiều các thứ kích thích như: cà phê, thuốc lá, rượu bia...
Mứt bí: có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt, giải khát, tiêu độc. Cũng vì để làm món mứt bí này mà các bà nội trợ phải chuẩn bị suốt một, hai tháng trước Tết. Từ việc đi mua loại bí đao già có phấn trắng trên vỏ, không sâu, rồi bảo quản cho đến gần Tết mới chế biến, sau đó phải mang phơi nắng. Nhờ sự tỉ mẩn và công phu như vậy mà khi nhấm nháp miếng mứt bí, bạn sẽ “cảm” ngay vị ngọt lịm - mát - đậm đà hương vị Tết...
Mứt dừa: có tác dụng nhuận tràng, là vị thuốc chống táo bón trong những ngày Tết do ăn nhiều chất đạm. Xứ dừa Bến Tre nổi tiếng món này, sợi mứt dừa nhỏ vừa dẻo vừa thơm ngon, béo ngậy - đặc biệt là món mứt dừa non.
Mứt khoai lang: có tác dụng bồi dưỡng và nhuận tràng, tiêu viêm, thanh can, lợi mật, sáng mắt, vàng da, ung nhọt, viêm tuyến vú, phụ nữ kinh nguyệt không đều (dùng trước kỳ kinh), nam giới di tinh, trẻ em cam tích, lị.
Mứt me: có tác dụng nhuận trường nhẹ, nhiều acid sinh học và acid tartrat từ potassium, chống buồn nôn, giải khát và xua tan mệt mỏi, hạ sốt.
Lưu ý khi ăn mứt để tốt cho sức khỏe
Các gia đình nên chọn mứt của Việt Nam được chế biến bởi các công ty lớn, có thương hiệu, nhãn mác đầy đủ; có ngày sản xuất và hạn sử dụng. |
Khi mua mứt cần chọn những loại mứt chất lượng, có thương hiệu rõ ràng. Hiện nay, có rất nhiều “mứt ba không” được bày bán như không nhãn mác; không nguồn gốc xuất xứ; không ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng… Các loại mứt này có thể được nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc từ các cơ sở sản xuất thủ công không qua kiểm duyệt. Các cơ sở thủ công thường không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu chế biến (phơi mứt nơi bụi bẩn, bảo quản ẩm mốc, nhiễm khuẩn…).
Ngoài ra, mứt có thể chứa các chất phụ gia độc hại không được phép sử dụng để tẩy trắng, ngâm, tẩm ướp, tạo màu sắc bắt mắt… Điều này làm phát sinh một số bệnh đường tiêu hóa như ngộ độc thức ăn, tiêu chảy. Vì thế, nếu không quá bận rộn, mỗi gia đình có thể tự chế biến mứt cổ truyền, vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa giữ được hương vị ngày tết. Hoặc các gia đình nên chọn mứt của Việt Nam được chế biến bởi các công ty lớn, có thương hiệu, nhãn mác đầy đủ; có ngày sản xuất và hạn sử dụng.
Dù có nhiều tác dụng với sức khỏe, nhưng khi dùng các loại mứt chỉ nên sử dụng với số lượng vừa phải bởi ăn nhiều mứt dễ gây đầy bụng và làm giảm cảm giác đói, do đó làm hạn chế việc ăn uống đầy đủ dưỡng chất trong 2 bữa ăn chính. Đặc biệt, mứt thường quá ngọt, không thích hợp cho người bị đái tháo đường, người có đường huyết cao, béo phì hay người muốn ăn kiêng. Vì thế, về mặt dinh dưỡng, tốt nhất là chỉ nên ăn một lượng mứt vừa phải. Có thể thay thế bằng cách ăn trái cây sấy khô, trái cây tươi hoặc các loại hạt như hướng dương, hạt bí, hạt dẻ… Chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng và cũng phù hợp để nhâm nhi trong ngày Tết.
Không nên để mứt tiếp xúc quá lâu với không khí vì mứt sẽ dễ bị ỉu, nấm mốc hoặc chảy nước. Bạn nên gói mứt thật kĩ vào trong các túi nilon sạch, hoặc để trong bình thủy tinh đậy kín. Lưu ý rằng bình thủy tinh phải được rửa sạch và phơi khô tự nhiên dưới ánh sáng mặt trời. Nếu bỏ mứt vào bình thủy tinh còn ướt thì việc mứt bị vi khuẩn, nấm “ghé thăm” là không thể tránh khỏi. Sau đó, bảo quản ở nơi tránh ánh sáng mặt trời, không quá nóng và không quá lạnh.
Mỗi lần dùng đến, bạn chỉ nên lấy một lượng đủ dùng ra khay đĩa, sau đó buộc kín túi lại và tiếp tục bảo quản. Khay bày mứt, bánh trái nên là loại có nắp đậy kín. Khi lấy mứt bày ra khay, hãy sử dụng đũa hoặc bao tay. Cần hạn chế tối đa việc dùng tay không (đặc biệt là tay ướt) để lấy mứt. Để tránh việc mứt tiếp xúc nhiều với không khí thì chỉ nên ước chừng lượng mứt dùng vừa đủ khi lấy ra. Nếu lỡ lấy nhiều mứt ra ngoài mà không dùng hết, bạn có thể bỏ chúng vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản.