Chất ngâm trong 2.900 tấn giá đỗ vừa bị phát hiện nguy hiểm thế nào?
Bách Hoá Xanh hoàn tiền cho khách mua giá đỗ nhiễm hoá chất kèm điều kiện Vụ giá đỗ ngâm hóa chất: Chuỗi Bách Hóa Xanh đang làm ăn thế nào? Giá đỗ - Kho tàng dinh dưỡng |
Hóa chất 6-Benzylaminopurine nguy hiểm như thế nào?
Hoạt chất 6-benzylaminopurine thực chất là chất kích thích tăng trưởng tế bào, giúp kích thích tăng trưởng thực vật. |
Mới đây, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk đã triệt phá nhiều cơ sở dùng hóa chất độc hại để sản xuất giá đỗ bán ra thị trường, riêng năm 2024, số lượng giá đỗ ngâm hóa chất bán ra thị trường là 2.900 tấn. Qua kiểm tra, các đối tượng khai nhận, trong quá trình sản xuất giá đỗ đã sử dụng vôi cục, nước giếng và một loại chất lỏng không màu hay thường trao đổi tiếng lóng với nhau qua mạng là nước "kẹo".
Theo Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Đắk Lắk nước "kẹo" thực chất là hoạt chất 6-Benzylaminopurine, không thuộc danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm và danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam. Các đối tượng cũng khai nhận rằng, họ biết rõ hoạt chất 6-Benzylaminopurine bị cấm sử dụng và khi đưa vào cơ thể sẽ gây nguy hại cho sức khỏe con người nhưng vẫn thực hiện.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, chuyên gia về Công nghệ sinh học và thực phẩm cho biết, hoạt chất 6-Benzylaminopurine là chất không được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm tại Việt Nam. Việc sử dụng hóa chất làm giá đỗ không phải là hiếm gặp, nhưng làm và tung ra thị trường với số lượng lớn thì thật sự đáng báo động.
Theo ông Thịnh, hoạt chất 6-benzylaminopurine thực chất là chất kích thích tăng trưởng tế bào, giúp kích thích tăng trưởng thực vật. Khi sử dụng hoạt chất này vào làm giá đỗ sẽ rút ngắn thời gian sản xuất, giúp cọng giá đỗ trắng, mập và bắt mắt người tiêu dùng hơn. Tuy nhiên, khi sử dụng giá đỗ được ủ bằng hoạt chất 6-benzylaminopurine sẽ vô cùng nguy hiểm tới sức khỏe. Nếu ăn với số lượng ít hóa chất sẽ tích tụ trong người, gây biến đổi gen, mắc nhiều bệnh. Còn sử dụng số lượng nhiều hoặc trực tiếp có thể gây ngộ độc, thậm chí có nguy cơ tử vong.
Theo đó, khi hít hoặc ăn phải thực phẩm có chứa hoạt chất 6-benzylaminopurine, có thể gây viêm phổi, làm nặng thêm bệnh phổi mãn tính, xơ phổi; với phụ nữ mang thai tiếp xúc chất này có thể khiến thai nhẹ cân, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh. Trường hợp tiếp xúc ngoài da cũng rất nguy hiểm, có thể gây viêm da, hoặc văng vào mắt có thể gây viêm kết giác mạc. Nếu ăn nhiều có thể gây ngộ độc, tử vong.
Nhận biết sản phẩm tẩm hóa chất
Khi giá đỗ ngâm với hoạt chất 6-benzylaminopurine sẽ không có cách nào để loại bỏ được, kể cả khi rửa và nấu chín. |
Sau thông tin hàng nghìn tấn giá đỗ ngậm hóa chất được tuồn ra thị trường, bán cả trong siêu thị khiến nhiều người hoang mang, lo lắng. Rất nhiều người thắc mắc, khi mua giá đỗ làm sao để phân biệt được giá được ủ bằng hóa chất và giá đỗ an toàn. Theo các chuyên gia, nếu mua ào ào thì rất khó phát hiện, chưa kể thói quen tiêu dùng của người Việt luôn thích rẻ nhưng phải đẹp và ngon.
Về cách lựa chọn giá đỗ an toàn, ông Thịnh cho biết, khi nói đến hóa chất nhiều người thường nghĩ sẽ có mùi đậm đặc hoặc rất hắc… Tuy nhiên, với hóa chất ủ giá đỗ là 6-benzylaminopurine được hòa tan trong dung dịch Na2CO3 và tẩm vào làm giá đỗ, khi đưa ra thị trường nếu chỉ ngửi thì rất khó để nhận ra sự khác biệt.
Ông Thịnh khuyến cáo "Khi giá đỗ ngâm với hoạt chất 6-benzylaminopurine sẽ không có cách nào để loại bỏ được, kể cả khi rửa và nấu chín. Thông thường chất 6-benzylaminopurine chỉ tan tốt trong dung dịch kiềm, kém tan trong nước có pH trung tính hay axit. Do vậy, khi mua phải giá đỗ ngâm loại hóa chất này, có rửa hay ngâm bao nhiêu nước cũng không thể làm hòa tan hay tẩy sạch được. Thậm chí, nấu chín chúng vẫn còn tồn dư và đi vào cơ thể”.
“Để nhận biết chính xác nhất giá đỗ có bị tồn dư hóa chất hay không thì cần đưa đi xét nghiệm, nhưng việc làm này quá tốn kém và không phù hợp. Cách phân biệt dễ nhất đó là thông qua giá thành sản phẩm. Thông thường, giá đỗ tẩm hóa chất thường có giá rẻ hơn so với sản phẩm được trồng tự nhiên, do quá trình sản xuất nhanh và ít tốn kém hơn”, ông Thịnh tư vấn.
Ông Thịnh cho biết thêm, người tiêu dùng cũng có thể nhận biết giá đỗ ngâm hóa chất qua vẻ bề ngoài bắt mắt, thu hút ánh mắt của người đi chợ. Một mẻ giá đỗ làm đúng quy trình tự nhiên sẽ mất từ 4-5 ngày, trong khi giá đỗ ngậm thuốc kích thích chỉ cần 1-2 ngày. Do đó, giá đỗ nhiễm hóa chất thường có thân trắng bóng, cọng dài, rễ ngắn hoặc rất ít rễ. Ngược lại, giá đỗ sạch có nhiều rễ, thân cong queo, không bóng, không quá to hay mập, với độ dài lý tưởng khoảng 2-3 cm.
Giá đỗ thường được làm ở nhiệt độ 30-35°C, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Với thói quen ăn giá sống mà không rửa sạch kỹ lưỡng, người dân dễ bị ảnh hưởng bởi vi khuẩn hoặc hóa chất tồn dư. Để an toàn hơn, chuyên gia khuyến cáo người tiêu dùng cần hạn chế tiêu thụ thực phẩm chứa 6-Benzylaminopurine ngay từ khâu chọn lựa thực phẩm, ưu tiên mua giá đỗ từ các nguồn uy tín, đảm bảo an toàn.
Được biết, theo Bộ luật hình sự (BLHS) 2015 có hiệu lực từ 1/7/2016, các tổ chức, cá nhân sử dụng chất cấm có thể bị truy tố hình sự vì hành vi cấu thành tội sử dụng chất cấm. Theo điều 190, 191, 195 và 317 của BLHS 2015 này cá nhân vi phạm các quy định về VSATTP sẽ bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng và phạt tù từ 01 đến 05 năm. Nếu vi phạm cao hơn hay tái phạm thì mức phạt sẽ còn tăng thêm nữa. |