Xử phạt Công ty Dược phẩm S.P.M vì ghi nhãn không đúng bản chất, sự thật về hàng hóa
Công ty cổ phần dược phẩm S.P.M bị xử phạt vì ghi nhãn sản phẩm TPBVSK GALEPO NEW ó thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa |
Theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 96/QD0-XPVPHC ngày 4/6/2021 do Phó Chánh thanh tra Bộ Y tế Nguyễn Văn Nhiên ký ban hành thì Công ty cổ phần dược phẩm S.P.M đã có hành vi kinh doanh sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) GALEPO NEW, lô số 2008001, NSX: 08/8/2020, HSD 08/8/2022 và lô số 2008002, NSX: 17/8/2020, HSD 17/8/2022 trên nhãn có thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa.
Số lượng hàng hóa có nhãn vi phạm đã bán, không thu hồi được trị giá là 67.413.342 đồng (Sáu mươi bảy triệu bốn trăm mười ba nghìn ba trăm bốn mươi hai đồng) là vi phạm quy định tại Điểm k, Khoản 3, Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm.
Quyết định này áp dụng mức xử phạt với Công ty cổ phần dược phẩm S.P.M (do ông Nguyễn Thế Kỷ làm Tổng Giám đốc) số tiền 35 triệu đồng.
Công ty cổ phần dược phẩm S.P.M có Địa chỉ trụ sở chính tại Lô số 51 KCN Tân Tạo, đường số 2, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh. Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh: 0302271207, do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh cấp ngày 26/03/2001, thay đổi lần thứ 20 ngày 15/11/2018.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 96/QD0-XPVPHC ngày 04/6/2021 của Thanh tra Bộ Y tế |
Được biết, ngoài sản phẩm TPBVSK GALEPO NEW bị xử phạt như vừa nêu, trên trang web spm.com.vn của Công ty này còn thấy giới thiệu nhiều sản phẩm khác như vitamin, khoáng chất, thuốc bổ, giảm ho, long đàm, giảm đau, hạ nhiệt, chống dị ứng, kháng viêm, kháng nấm, ký sinh trùng, hô hấp, khầu trang…
Trong đó có nhiều nhãn hàng quen thuộc như MyVita Strong C, thuốc điều trị nhiễm khuẩn Levofloxacin SPM 500, MyVita Joint Hỗ trợ hồi phục và tái tạo mô sụn khớp, tăng tính linh hoạt của khớp, Eugintol Kids hỗ trợ làm ấm họng, hỗ trợ bổ phế, hỗ trợ giảm ho, hỗ trợ tiêu đờm, khẩu trang y tế cao cấp kháng khuẩn SPM …
Liên quan đến vấn đề ghi nhãn hàng hóa, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 43/2017/NĐ-CP của Chính phủ về nhãn hàng hóa vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hoàn thiện và đang lấy ý kiến từ các Bộ, ngành, địa phương nhằm khắc phục những bất cập về ghi nhãn, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, chống hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp. Dự thảo Nghị định này đã bổ sung thêm phạm vi điều chỉnh gồm cả hàng hóa xuất khẩu. Nội dung quy định cụ thể đối với nhãn hàng hóa xuất khẩu được giới hạn ở phạm vi ghi xuất xứ hàng hóa để phòng chống gian lận thương mại, các nội dung khác ghi theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nhập khẩu. Ngoài ra, Dự thảo Nghị định cũng quy định trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa. Đối với hàng hóa lưu thông trong nước, nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt, gồm: Tên hàng hóa; Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa; Xuất xứ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa; các nội dung khác theo tính chất của mỗi loại hàng hóa. |