Vì sao AstraZeneca thu hồi vaccine Covid-19 trên toàn cầu?
Chính phủ đồng ý mua 400.000 liều vaccine AstraZeneca của Hungary Tiếp nhận 1.540.000 liều vacccine AstraZeneca do Chính phủ Nhật Bản viện trợ Vì sao không nên lạm dụng xét nghiệm tìm “cục máu đông”? |
Vaccine Vaxzevria của AstraZeneca. |
Bị loại bỏ khỏi thị trường vì lý do thương mại
Theo Telegraph, vaccine COVID-19 của AstraZeneca đang bị thu hồi trên toàn thế giới, vài tháng sau khi gã khổng lồ dược phẩm có trụ sở tại Anh lần đầu tiên thừa nhận vaccine này có thể gây ra tác dụng phụ hiếm gặp và nguy hiểm.
Theo AstraZeneca, vaccine bị loại bỏ khỏi thị trường vì lý do thương mại. Công ty sẽ rút giấy phép tiếp thị vaccine này ở thị trường châu Âu. "Vì có nhiều loại vaccine Covid-19 đã được phát triển, nhu cầu đối với Vaxzevria (tên gọi khác của vaccine Covid) giảm", hãng cho biết ngày 8/5.
Hiện vaccine Covid-19 của AstraZeneca (thuộc thế hệ đầu tiên) đã không còn được sản xuất, trong khi các hãng khác tung ra nhiều loại vaccine được điều chỉnh để phù hợp hơn với biến chủng mới. Tuy nhiên, tình trạng dư thừa đang diễn ra vì nhiều người không chủng ngừa.
Marco Cavaleri, người đứng đầu bộ phận vaccine tại Cơ quan Dược phẩm châu Âu, cũng cho biết sẽ thu hồi giấy cấp phép Vaxzevria. Lý do tương tự AstraZeneca đưa ra: vaccine đã không còn được sử dụng, nhu cầu sụt giảm.
Trong một tuyên bố, AstraZeneca cho biết: "Chúng tôi rất tự hào về vai trò của Vaxzevria trong việc chấm dứt đại dịch toàn cầu. Theo ước tính độc lập, hơn 6,5 triệu sinh mạng đã được cứu trong năm đầu tiên sử dụng và hơn ba tỷ liều đã được cung cấp trên toàn cầu.
Công sức của chúng tôi đã được các chính phủ trên khắp thế giới công nhận và được coi là một yếu tố quan trọng trong việc chấm dứt đại dịch toàn cầu".
AstraZeneca thừa nhận vaccine Vaxzevria gây cục máu đông
AstraZeneca thừa nhận vaccine Vaxzevria gây ra tác dụng phụ hiếm gặp là đông máu và giảm tiểu cầu (TTS). Người bệnh sẽ phát triển huyết khối trong mạch máu não hoặc những bộ phận khác trên cơ thể, đồng thời có lượng tiểu cầu thấp. Cụ thể, huyết khối là sự hình thành của cục máu đông, có thể làm giảm lưu lượng máu bình thường trong mạch máu. Còn giảm tiểu cầu là tình trạng thiếu hụt tiểu cầu trong máu. Tác dụng phụ này có thể dẫn đến đột quỵ, tuy nhiên các cơ quan chức năng cho rằng rất hiếm gặp, chỉ 1 trên 250.000 người Anh gặp biến chứng này. Ngoài ra, đông máu còn do nhiều nguyên nhân khác, không chỉ do tiêm vaccine.
Theo Telegraph, ít nhất 81 trường hợp ở Anh đã tử vong, hàng trăm trường hợp gặp vấn đề sức khỏe sau khi tiêm chủng. AstraZeneca đang bị hơn 50 nạn nhân và gia đình kiện lên Tòa án Tối cao. Tuy nhiên, hãng khẳng định việc thu hồi vaccine không liên quan đến các vụ kiện tại tòa án. Theo AstraZeneca, thời điểm đưa ra quyết định hoàn toàn là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
"Chúng tôi vô cùng tự hào về vai trò của Vaxzevria trong việc chấm dứt đại dịch toàn cầu. Theo ước tính độc lập, vaccine đã cứu sống hơn 6,5 triệu người trong năm đầu tiên", hãng nói.
Đơn vị này đang làm việc với các cơ quan quản lý trên thế giới và đối tác để thống nhất con đường rõ ràng để giải quyết vụ việc. Chính phủ Anh và các nước phần lớn sử dụng vaccine AstraZeneca vào mùa thu năm 2021. Sau đó, tại Anh, vaccine được thay thế bằng Pfizer và Moderna để kịp triển khai trong chương trình tiêm chủng tăng cường vào cuối năm.
AstraZeneca thừa nhận vaccine Vaxzevria gây cục máu đông. |
Từng tiêm vắc xin AstraZeneca, có cần xét nghiệm tìm “cục máu đông”?
Ngay sau khi có thông tin AstraZeneca thừa nhận vắc xin COVID-19 của hãng có thể gây tác dụng phụ hiếm gặp là hình thành cục máu đông, rất nhiều người đã đặt câu hỏi có nên đi xét nghiệm để tìm “cục máu đông”?
Trước băn khoăn này, nhiều chuyên gia cho rằng việc thực hiện một xét nghiệm khi không có biểu hiện lâm sàng là điều không cần thiết. Thậm chí, thông tin này còn khiến người dân hoang mang, đổ xô đi xét nghiệm gây tốn kém.
PGS.TS Nguyễn Hoài Nam - chủ tịch Hội Tĩnh mạch học TP.HCM - cho rằng việc khuyến cáo xét nghiệm D-Dimer để tìm cục máu đông với người không thuộc nhóm nguy cơ, không có biểu hiện lâm sàng như khuyến cáo trên là chưa chính xác, dễ làm người dân hoảng sợ, đổ xô đi xét nghiệm.
PGS Nam cho biết xét nghiệm D-Dimer là một xét nghiệm phổ biến, giá thành trung bình, được thực hiện tại hầu hết các phòng xét nghiệm.
Dù phổ biến nhưng người bệnh chỉ được thực hiện xét nghiệm D-Dimer khi bác sĩ chuyên khoa tim mạch chỉ định.
Theo đó, bác sĩ sẽ đo tim mạch người bệnh. Khi có dấu hiệu thiếu máu cơ tim hoặc nhồi máu cơ tim, đặc biệt có các dấu hiệu lâm sàng (đau nặng ngực phía bên trái, đau nhói dọc theo cánh tay bên trái, mệt, khó thở, vã mồ hôi…) thì mới thực hiện thêm xét nghiệm D-Dimer và cho kết quả chính xác.
"Với người có sức khỏe bình thường, khi xét nghiệm D-Dimer thường cho ra kết quả sai lệch, từ đó dễ gây hoang mang, lo lắng thêm", bác sĩ Nam khuyến cáo.
BS Đoàn Dư Mạnh - thành viên Hội Bệnh mạch máu Việt Nam - cũng cho rằng không nên lạm dụng xét nghiệm gây tốn kém, hoang mang trong dư luận.
"Chỉ khi người dân có biểu hiện lâm sàng mới nên thực hiện các xét nghiệm để chẩn đoán. Bên cạnh đó, xét nghiệm chỉ là một phần, khi phát hiện bất thường cần tiến hành các chụp chiếu khác để xác định vị trí, mức độ huyết khối mới có biện pháp điều trị phù hợp. Không phải huyết khối nào cũng có thể sử dụng thuốc để điều trị.
Tốt nhất, người dân khi nhận thấy bất thường về sức khỏe nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám. Đồng thời, khám sức khỏe định kỳ để theo dõi diễn biến sức khỏe, điều trị ổn định bệnh lý nền. Nên duy trì lối sống lành mạnh, khoa học để tăng cường sức khỏe", BS Mạnh khuyến cáo.