Suy thận - Mối đe dọa tiềm ẩn cho sức khỏe
4 loại quả nhìn đã mắt, ăn đã miệng nhưng người mắc bệnh thận không nên ăn Ai không nên ăn bắp cải? Chuối chín vừa ngon vừa bổ nhưng những người này không nên ăn |
Bệnh suy thận ngày càng gia tăng, trở thành mối đe dọa tiềm ẩn cho sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, do có nhiều dấu hiệu tương đồng với các bệnh lý đường tiết niệu khác, việc nhận biết sớm suy thận thường gặp nhiều khó khăn. Do đó, nâng cao kiến thức về bệnh và tầm quan trọng của chẩn đoán sớm là vô cùng cần thiết để có thể điều trị kịp thời, ngăn ngừa biến chứng nguy hiểm.
Suy thận là tình trạng thận không còn hoạt động hiệu quả nữa. Bình thường thận thực hiện một công việc quan trọng trong cơ thể bằng cách loại bỏ chất thải và chất lỏng dư thừa. Bệnh suy thận gây tử vong nếu không được điều trị thích hợp. Suy thận đôi khi chỉ là tạm thời và phát triển nhanh (cấp tính) nhưng có khi là tình trạng mạn tính (lâu dài) và ngày càng xấu hơn.
Suy thận không chỉ ảnh hưởng đến người cao tuổi mà còn có xu hướng trẻ hóa do lối sống hiện đại, chế độ ăn uống thiếu khoa học và các bệnh lý nền như tiểu đường, cao huyết áp.
Suy thận có 2 loại: Suy thận cấp và suy thận mạn, trong chuyên môn hay gọi là tổn thương thận cấp và bệnh thận mạn.
Suy thận cấp là sự suy giảm nhanh chức năng thận trong vài ngày đến vài tuần. Sau điều trị có thể phục hồi hoàn toàn hoặc một phần chức năng thận.
Còn suy thận mạn, đó là một quá trình tiến triển dài và không phục hồi. Mục tiêu điều trị nhằm làm chậm diễn tiến của bệnh và hạn chế những biến chứng có thể xảy ra.
Dấu hiệu nhận biết bệnh suy thận
Việc phát hiện biểu hiện suy thận giai đoạn đầu có ý nghĩa quan trọng đối với việc điều trị. Nhiều người chủ quan do các triệu chứng suy thận giai đoạn đầu thường mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh lý đường tiết niệu khác như:
Thường xuyên buồn nôn và nôn mửa: Những người bị suy thận thường cảm thấy buồn nôn và nôn mửa do các chất độc hại trong máu không được loại bỏ bởi thận.
Ngủ ngáy to và kéo dài: Đối với người đang bị suy thận mạn tính sẽ rất hay gặp hội chứng ngưng thở khi ngủ. Đây là hội chứng của tình trạng rối loạn giấc ngủ gây ra hiện tượng tạm ngưng thở một hoặc nhiều lần trong một đêm. Tuy thời gian hơi thở bị dừng chỉ kéo dài trong khoảng vài giây cho đến 1 phút, nhưng sau đó, sẽ ngáy rất to và kéo dài.
Hơi thở có mùi hôi: Khi chất thải không thể đào thải ra khỏi cơ thể và tích trữ lại quá nhiều ở trong máu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hôi miệng. Bên cạnh đó, người mắc bệnh suy thận còn cảm thấy trong miệng như có vị của kim loại. Dấu hiệu này rất dễ bị nhầm lẫn với dấu hiệu của các bệnh răng miệng khác.
Cảm thấy mệt mỏi và yếu: Những người bị suy thận thường cảm thấy mệt mỏi do chức năng thận hoạt động không hiệu quả.
Đau đầu thường xuyên: Đau đầu thường xuyên có thể là dấu hiệu của suy thận do bệnh gây tăng huyết áp hoặc rối loạn điện giải.
Tiểu tiện bất thường: Những người bị suy thận thường khó tiểu hoặc tiểu nhiều hơn so với bình thường do chức năng thận suy giảm, nước tiểu có màu hoặc lẫn máu và có mùi bất thường.
Thay đổi về cảm nhận hương vị của thức ăn hoặc mất vị giác: Những người bị suy thận thường cảm thấy thức ăn không ngon miệng hoặc mất cảm giác vị do tăng mức độ acid uric trong máu.
Đau lưng thường xuyên hoặc đau nhức vùng thận: Đau lưng thường xuyên hoặc đau nhức thận là dấu hiệu điển hình của suy thận.
Phù các bộ phận trên cơ thể như mắt, chân và tay: Do thận giảm khả năng loại bỏ nước và muối nên có thể gặp tình trạng phù mắt, mặt, mắt cá chân,...
Nguyên nhân dẫn đến bệnh
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến suy thận, bao gồm:
Cao huyết áp: Theo thời gian, tình trạng cao huyết áp có thể khiến các mạch máu nhỏ trong thận bị tổn thương, ngăn chặn thận hoạt động đúng cách dẫn đến suy thận. Ngược lại, thận cũng đóng góp vào việc điều chỉnh huyết áp của cơ thể, suy thận khiến huyết áp tăng lên theo thời gian.
Bệnh đái tháo đường tuýp 1 và 2: Việc có quá nhiều đường trong máu cũng có thể khiến các bộ lọc nhỏ trong thận bị hỏng. Một phần vì đường huyết cao cũng gây tổn thương mạch máu, phần vì thận phải gắng sức nhiều hơn nhằm loại bỏ đường dư thừa trong máu ra ngoài.
Cholesterol cao: Điều này có thể gây tích tụ mỡ trong các mạch máu cung cấp tới thận, làm hẹp động mạch thận, giảm lưu lượng máu nuôi thận. Vì vậy, đây cũng là nguyên nhân gây suy thận mà ít người nghĩ tới.
Bệnh thận đa nang: Có nhiều u nang phát triển bên trong thận
Tắc nghẽn dòng chảy của nước tiểu: Sỏi thận hoặc tình trạng phì đại tuyến tiền liệt có thể làm tắc nghẽn đường ra của nước tiểu, về lâu dài đây cũng là nguyên nhân suy thận
Tác dụng phụ của một số thuốc hoặc nhiễm độc tố: Người thường xuyên sử dụng một số loại thuốc nhất định, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs), nhiễm độc chì, một số loại ma túy… cũng có nguy cơ bị suy thận.
Và một vài bệnh khác: Dị tật bẩm sinh gây ra các bất thường về thận và đường tiết niệu như hẹp đường tiết niệu, khiến nước tiểu chảy ngược lên thận, ứ đọng và gây nhiễm trùng…; Nhiễm trùng thận; Mắc các bệnh ảnh hưởng hệ miễn dịch như lupus, HIV/AIDS…
Các bệnh do virus, diễn ra trong thời gian dài như viêm gan B và viêm gan C
Viêm bể thận, nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát nhiều lần có thể làm thận bị tổn thương, là nguyên nhân suy thận trực tiếp nhất.
Một số thói quen sai lầm dẫn đến dẫn đến tổn thương thận, suy thận
Trừ các bệnh lý thì thói quen sinh hoạt cũng là một trong những tác nhân lớn gây nên suy thận.
Thói quen ăn mặn: Ăn mặn thường xuyên khiến cơ thể phải hấp thụ cả lượng muối bị dư thừa, làm huyết áp tăng cao. Khi đó sẽ tạo áp lực cho thận, buộc thận phải làm việc nhiều. Từ đó dẫn đến bệnh suy thận. Không những thế, ăn mặn còn gây sỏi thận, thận nhiễm mỡ… Với những người mắc bệnh thận thì thói quen ăn mặn gây tác hại rất lớn. Nên giảm lượng muối nạp vào cơ thể để chức năng của thận được cải tạo tốt hơn. Với những người bình thường, ăn quá mặn cũng không tốt. Để phòng ngừa bệnh suy thận, nên giảm lượng muối trong mỗi bữa ăn.
Thói quen thích ăn ngọt, uống nhiều nước ngọt: Ăn quá nhiều đường dẫn đến huyết áp tăng và gây ra bệnh tiểu đường. Chúng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của thận. Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại đồ uống có đường thường xuyên sẽ làm tăng Protein trong nước tiểu. Và đây cũng là một trong những triệu chứng ban đầu của bệnh suy thận.
Nước ngọt là loại đồ uống phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, chúng lại chứa nhiều axit với độ pH cao, làm ảnh hưởng đến cơ thể người sử dụng. Độ pH tăng cao cũng sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của thận. Nguyên nhân là do bộ phận này là cơ quan điều chỉnh độ pH của cơ thể. Vì vậy, nếu uống nhiều nước ngọt trong một thời gian dài sẽ rất dễ có nguy cơ mắc bệnh suy thận.
Thói quen bỏ bữa sáng: Thông thường, buổi sáng là thời gian túi mật hoạt động bài tiết dịch để chuẩn bị cho việc tiêu hóa thức ăn. Nhưng khi túi mật không có thức ăn để tiêu hóa sẽ làm cho dịch mật tích tụ lâu hơn trong cơ thể. Cứ như vậy trong một thời gian dài sẽ tạo điều kiện hình thành sỏi mật, sỏi thận. Từ đó dần dẫn đến bệnh suy thận.
Hay nhịn tiểu: Trong nước tiểu chứa các chất thải, chất độc được đẩy ra ngoài. Nhịn tiểu thường xuyên làm nước tiểu ứ đọng bên trong bàng quang, gây áp lực lên bộ phận này. Bàng quang trở thành mảnh đất màu mỡ cho các vi khuẩn phát triển và xâm nhập vào cơ thể. Từ đó gây nên hiện tượng đái dầm tâm thần, viêm nhiễm bàng quang… Và bệnh suy thận cũng bị gây ra bởi nguyên nhân này. Để phòng tránh bệnh suy thận nên đến nhà vệ sinh gần nhất khi có cảm giác buồn tiểu.
Thói quen lười uống nước: Uống quá ít nước mỗi ngày là một trong những nguyên nhân gây nên suy thận. Khi lượng nước được nạp và cơ thể quá ít, hệ tiết niệu cũng hoạt động ít hơn. Vì vậy phải mất một thời gian để tích trữ nước tiểu cho một lần đào thải. Nước tiểu khi đó sẽ trở nên đậm đặc hơn. Các chất thải, chất độc sẽ lắng đọng xuống khiến cho thận dễ hình thành sỏi. Quá trình này lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của thận và gây nên bệnh suy thận.
Tuy nhiên, uống quá nhiều nước cũng không tốt. Khi đó thận sẽ phải làm việc nhiều hơn. Vì vậy, để phòng tránh bệnh suy thận nên uống đủ nước cho cơ thể cần mỗi ngày.
Thói quen uống bia, rượu: Chất cồn trong bia, rượu ảnh hưởng rất lớn đến chức năng lọc và thải độc khỏi máu của thận. Bia rượu sẽ gây ứ đọng acid uric. Chúng làm tắc nghẽn ống thận và khiến thận bị suy một cách nhanh chóng.
Thói quen ăn ít rau, nhiều thịt: Ăn quá nhiều thịt, đặc biệt là thịt đỏ sẽ khiến thận phải hoạt động nhiều hơn. Thận cũng phải hoạt động rất nhiều lần để thải các chất độc có trong thịt. Trung bình người 50kg sẽ cần khoảng 40g Protein mỗi ngày (tương đương với 300g thịt). Do vậy, để phòng ngừa bệnh suy thận nên ăn thịt với lượng vừa phải.
Tự ý dùng thuốc và dùng sai hướng dẫn: Việc tự ý dùng thuốc, dùng sai cách có thể dẫn đến tổn thương thận, suy thận. Một số loại thuốc có thể gây tổn thương thận (đặc biệt là khi dùng dài ngày, liều không thích hợp) như kháng sinh nhóm Aminoglycoside, thuốc kháng lao, hóa chất điều trị ung thư, thuốc cản quang, một số thuốc đông y không rõ nguồn gốc… Chính vì vậy, việc dùng thuốc đúng cách, đúng hướng dẫn là vô cùng quan trọn. Cần được sử dụng đúng cách theo hướng dẫn, kê đơn của bác sĩ. Để phòng tránh bệnh suy thận không nên tùy ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Cách phòng ngừa bệnh suy thận
Những biến chứng của bệnh suy thận vô cùng nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng của người mắc. Chính vì vậy, việc phòng ngừa bệnh đóng vai trò vô cùng cần thiết. Dưới đây là những biện pháp có thể giảm thiểu tối đa nguy cơ mắc phải suy thận:
Thiết lập lối sống lành mạnh: Chúng ta cần phải luyện tập thể thao hàng ngày để có thể duy trì cân nặng và nâng cao sức khoẻ. Bên cạnh đó, cần bạn cần theo dõi thường xuyên và duy trì chỉ số huyết áp ở mức cho phép. Đồng thời, kiểm soát lượng acid uric, glucose và cholesterol có trong máu. Đặc biệt, bạn không nên sử dụng thức uống có cồn như: rượu, bia và các chất kích thích.
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý: Giảm lượng muối, đạm và dầu mỡ nạp vào cơ thể trong bữa ăn hàng ngày. Đồng thời, bạn cũng nên bổ sung thêm các thực phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên như các loại rau, củ, quả có lợi cho sức khỏe.
Uống đủ nước: Mất nước khiến giảm lưu lượng máu đến thận, có thể làm suy giảm chức năng của thận. Do đó, uống đủ nước là một trong những thói quen tốt cho thận nói riêng và cơ thể nói chung mà luôn được bác sĩ khuyến khích thực hiện.
Đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần hoặc ngay khi phát hiện ra các dấu hiệu thận bị suy giảm chức năng để có phương pháp điều trị phù hợp và kịp thời.
Giảm căng thẳng: Căng thẳng và lo lắng là nguyên nhân dẫn đến tăng huyết áp, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của thận.
Tập thể dục thường xuyên: Tập luyện các môn thể thao thường xuyên có thể giúp giảm căng thẳng, kiểm soát lượng đường huyết và huyết áp cao, đồng thời duy trì cân nặng hợp lý. Bạn nên chọn môn thể thao phù hợp với sức khỏe của mình như bơi lội, đi bộ và chạy...
Quản lý các bệnh khác một cách hiệu quả: Bệnh tiểu đường và tăng huyết áp làm tăng nguy cơ gây bệnh suy thận. Vì thế, bạn nên chú ý theo dõi bệnh chặt chẽ và tuân thủ phác đồ điều trị.
Cuối cùng, bạn nên chú ý lắng nghe cơ thể của mình. Việc nhận biết được dấu hiệu suy thận giai đoạn đầu sẽ giúp ích rất lớn trong quá trình điều trị cũng như khả năng hồi phục.
Những dấu hiệu bệnh thận cần lưu ý |
Để thận khỏe mạnh, không lo suy thận, sỏi thận, bạn nên dùng thứ này |
8 thực phẩm "cứu tinh" cho người bệnh thận |