Súp lơ xanh giúp ngăn ngừa bệnh thiếu máu
Súp lơ xanh đã được trồng phổ biến ở nhiều khu vực ôn đới và cả khu vưc nhiệt đới gió mùa |
Súp lơ xanh có nguồn gốc từ vùng Caribe, sau đó được du nhập vào Bắc Mỹ từ những người nhập cư. Điều đặc biệt là ở chỗ, Italia là nước đầu tiên sử dụng súp lơ xanh làm rau khoảng 2000 năm về trước. Và súp lơ xanh trở thành loại rau thông dụng ở Mỹ sau khi giống súp lơ xanh thương mại đầu tiên được thu hoạch ở Brooklyn, New York.
Ngày nay, súp lơ xanh đã được trồng phổ biến ở nhiều khu vực ôn đới và cả khu vưc nhiệt đới gió mùa như: Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam. Đây là loại thực phẩm được sử dụng nhiều trong việc chế biến các món ăn. Theo các chuyên gia, đây không chỉ là thực phẩm tốt cho sức khỏe, mà còn giúp phòng chống một số loại bệnh. Bài viết dưới đây sẽ giúp độc giả hiểu thêm về loại thực phẩm này.
Đặc điểm của cây súp lơ xanh
Súp lơ xanh hay còn được gọi là bông cải xanh, có tên tiếng Anh là Broccoli và tên khoa học là Brassica oleracea var.
Rễ súp lơ xanh là bộ rễ cạn, phân bố ở tầng đất mặt, nhưng có khả năng phát triển rất khỏe. Là cây trồng không chịu hạn, không chịu úng nước.
Thân cao từ 50-70 cm, lá phân bố đều trên thân, mọc thưa.
Lá có hình elip, thuôn dài, mặt lá thường nhẵn, lá có răng cưa, nhưng nông và đều. Màu lá xanh, xanh nhạt, xanh thẫm hoặc tím.
Nụ hoa súp lơ có mùa trắng ngà, vàng nhạt, màu xanh và màu tím. Nụ hoa mới hình thành, còn non là bộ phận sử dụng chủ yếu.
Cây súp lơ |
Tác dụng của cây súp lơ xanh
Theo các chuyên gia về sức khỏe, súp lơ xanh không chỉ cung cấp các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như các chất: Vitamin C và K, folate và chất xơ…Việc sử dụng súp xanh còn giúp phòng chống một số bệnh như:
Tăng cường hệ miễn dịch: Trong súp lơ xanh ẩn chứa hàm lượng folate và vitamin C cực kì dồi dào, đây là những thành phần quan trọng tham gia vào quá trình tăng cường sức đề kháng và khả năng miễn dịch cho cơ thể. Từ đó có thể phòng tránh một số bệnh như: Đau đầu, ho, sổ mũi…
Tác dụng chống viêm: Súp lơ xanh chứa một số hợp chất hoạt tính sinh học có đặc tính chống viêm như sulforaphane và kaempferol. Các hợp chất này có thể giảm viêm bằng cách ức chế sản xuất các phân tử gây viêm và ngăn chặn sự kích hoạt của các con đường gây viêm.
Hỗ trợ ngăn ngừa ung thư: Súp lơ xanh có đặc tính chống ung thư và tăng cường hệ miễn dịch. Đây là loại thực phẩm đặc biệt có lợi cho ung thư vú bởi nó chứa nhiều indole 3 carbino (I3C) có tác dụng ức chế sự phát triển của các gốc tự do gây hại, từ đó mang lại hiệu quả ngăn bệnh ung thư cao.
Điều hòa huyết áp: Chất sulforaphane có trong súp lơ xanh còn có tác dụng tăng cường DNA methylation, thúc đẩy khả năng hoạt động của tế bào, giúp cân bằng huyết áp. Bên cạnh đó, hàm lượng magie, kali, photpho vô cùng dồi dào cũng góp phần điều hòa huyết áp bên trong cơ thể.
Ăn súp lơ giúp ngăn ngừa bệnh ung thư |
Tăng cường sức khỏe tim mạch: Hàm lượng chất xơ cao của súp lơ xanh, cùng với nguồn cung cấp dồi dào chất chống oxy hóa và các hợp chất chống viêm, có thể góp phần cải thiện sức khỏe tim mạch. Một chế độ ăn sử dụng súp lơ xanh thường xuyên giúp giảm huyết áp và ngăn ngừa sự hình thành các mảng bám động mạch.
Giảm nguy cơ mắc bệnh tim và rối loạn não: Với hàm lượng vitamin C, vitamin K, omega-3 cùng nhiều chất chống oxy hóa, súp lơ góp phần giúp mảng bám không tích tụ lại bên trong động mạch, mạch máu. Từ đó, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về huyết áp cũng như kiểm soát tốt nồng độ cholesterol của cơ thể.
Bên cạnh đó, ăn súp lơ còn giúp ngăn chặn những nguy cơ gây tổn thương tế bào não do mất cân bằng oxy hóa khi hệ thống miễn dịch của cơ thể hoạt động quá mức.
Tốt cho người bị tiểu đường: Sulforaphane khuyến khích sản xuất các enzym bảo vệ mạch máu, làm giảm số lượng của các phân tử gây tổn thương tế bào (ROS) lên đến 73 %. Ăn súp lơ xanh có thể giúp người bị bệnh tiểu đường giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Ngăn ngừa bệnh thiếu máu: Thiếu máu liên quan đến việc thiếu sắt và nếu thiếu máu bạn nên ăn nhiều súp lơ xanh. Sắt và axít folic được tìm thấy trong súp lơ xanh giúp ngăn ngừa thiếu máu do thiếu sắt.
Giảm cholesterol: Súp lơ xanh chứa nhiều chất xơ có thể hòa tan giúp làm giảm lượng cholesterol trong cơ thể.
Ăn súp lơ ngăn ngừa bệnh thiếu máu |
Ngăn ngừa bệnh loãng xương: Súp lơ xanh rất giàu canxi, magiê, kẽm và phốt pho. Vì vậy mà chúng giúp xương chắc khỏe. Thường xuyên ăn súp lơ xanh rất có lợi cho phụ nữ cao tuổi và phụ nữ mang thai, vì những người này có nhiều nguy cơ bị loãng xương.
Cải thiện thị giác: Súp lơ xanh bao gồm các chất chống oxy hóa tự nhiên giúp bảo vệ mắt khỏi tia cực tím. Vitamin A, beta-caroten, photpho và các vitamin khác tìm thấy trong súp lơ cũng rất tốt cho sức khỏe mắt.
Hỗ trợ tiêu hóa: Chất xơ trong súp lơ xanh là loại chất giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả. Vì vậy, đối với những người đang bị bệnh táo bón hành hạ thì súp lơ xanh là liều thuốc tự nhiên giúp bạn tránh xa căn bệnh khó chịu này.
Ngăn ngừa bị chuột rút: Súp lơ xanh có chứa kali một chất rất quan trọng trong việc ngăn ngừa chuột rút, đồng thời giúp bạn chống cao huyết áp.
Tốt cho da: Nhờ carotenoid lutein và zeaxanthin, súp lơ xanh rất có lợi cho làn da trong việc tái tạo những tổn thương trên da và chống viêm. Bên cạnh đó, loại rau này còn rất giàu chất dinh dưỡng có lợi như kali, canxi, protein và vitamin C mang đến bạn một làn da chắc khỏe và tươi trẻ.
Giảm cân: Nếu bạn đang cần giảm cân thì súp lơ xanh là một loại rau lý tưởng cho thực đơn ăn kiêng của bạn. Rau súp lơ xanh chứa rất ít calo và lại giàu chất xơ giúp cơ thể nhanh cảm thấy no và no lâu hơn giảm cảm giác thèm ăn.
Chống dị ứng: Súp lơ xanh có một lượng đáng kể các axit béo omega 3, giúp người mắc bệnh viêm khớp, hen suyễn và các bệnh di ứng khác. Loại thực phẩm này còn giadu quercetin, kaempferol và polyphenols được biết đến với phản ứng miễn dịch chống dị ứng tuyệt vời.
Thải độc tố trong cơ thể: Cũng như những loại rau củ khác, súp lơ chứa hàm lượng chất xơ cực kì cao, giúp gan phân giải những chất độc hại, dư thừa rồi thải chúng ra bên ngoài cơ thể thông qua hệ bài tiết. Sử dụng súp lơ hằng ngày cũng là một trong những phương pháp giúp thanh lọc cơ thể hiệu quả.
Lưu ý khi sử dụng súp lơ xanh
Cũng như các thực phẩm khác, cách sử dụng súp lơ xanh có ý nghĩa rất quan trọng đến tác dụng của loại thực phẩm này. Dưới đây là một số lưu ý khi sử dụng súp lơ xanh.
Không nên cắt nhỏ súp lơ xanh rồi mới rửa mà phải rửa trực tiếp dưới vòi nước. Sau đó, ngâm nước muối 5-10 phút vì súp lơ xanh thường có những con sâu hoặc bọ nhỏ lẫn bên trong, ngoài ra nó cũng hay chứa thuốc trừ sâu
Không nên nấu súp lơ xanh quá kỹ vì sẽ làm mất đi nhiều chất dinh dưỡng của thực phẩm như các vitamin đặc biệt là nhóm chất ngăn ngừa ung thư sẽ bị giảm hay mất tác dụng.
Súp lơ xanh ngon nhất là khoảng từ cuối tháng 7 cho đến cuối tháng 10.
Dù súp lơ xanh rất bổ dưỡng, nhưng không thể ăn hàng ngày vì sẽ gây ra mất cân bằng dinh dưỡng và dẫn đến nóng trong, gây khó chịu.
Súp lơ rất dễ gây đầy hơi sau khi bị phân giải trong dạ dày và ruột, vì vậy hãy thêm một số gia vị cay như tỏi, hạt tiêu ... khi chế biến.
Súp lơ chứa một lượng nhỏ các chất có thể gây bướu cổ, do đó nên chú ý bổ sung iốt, muối iốt hoặc rong biển khi chế biến hoặc trong chế độ ăn uống.
Để bảo quản có thể bọc súp lơ trong giấy (phun chút nước) hoặc màng bọc thực phẩm, sau đó đặt thẳng đứng vào tủ lạnh. Với cách này có thể bảo quản súp lơ được khoảng 1 tuần.
Các món ăn chế biến từ súp lơ xanh
Súp lơ xanh là một loại rau có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau, cả ăn sống và nấu chín. Dưới đây là một số cách phổ biến để kết hợp súp lơ xanh vào chế độ ăn uống của bạn:
Salad: Súp lơ xanh sống có thể được thêm vào món salad để có kết cấu giòn và tăng cường chất dinh dưỡng. Có thể làm món nộm súp lơ xanh bằng cách kết hợp thân súp lơ xanh thái nhỏ, cà rốt và bắp cải rồi trộn với giấm.
Soup: Súp lơ xanh có thể được thêm vào soup, ví dụ soup rau củ, để tăng thêm dinh dưỡng và hương vị. Có thể làm món soup súp lơ xanh béo ngậy bằng cách trộn súp lơ xanh đã nấu chín với nước dùng và kem hoặc một món thay thế không có sữa.
Món xào: Súp lơ xanh kết hợp tốt với nhiều loại nguyên liệu trong món xào, chẳng hạn như đậu phụ, thịt gà, thịt bò hoặc tôm, và có thể nấu với tỏi, gừng, nước tương và các gia vị khác.
Các món mì ống: Súp lơ xanh có thể được kết hợp vào các món mì ống, như mì spaghetti, mì ống và pho mát, hoặc mì ống với sốt kem Alfredo.
Nướng: Nướng súp lơ xanh trong lò với một ít dầu ô liu, muối và hạt tiêu sẽ mang lại vị ngọt tự nhiên và tạo ra kết cấu caramen thơm ngon.
Hấp: Hấp là một cách chế biến súp lơ xanh tốt cho sức khỏe, vì nó giúp giữ lại chất dinh dưỡng và màu xanh rực rỡ của súp lơ xanh.
Những người không nên ăn súp lơ xanh
Súp lơ xanh rất tốt sức khỏe, nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng, dưới đây khuyến cáo của các chuyên gia về một số người không nên ăn súp lơ xanh:
Người đang uống thuốc trị bệnh tim: Nếu tiêu thụ quá nhiều súp lơ những thực phẩm này trong khi dùng thuốc digitalis (còn được gọi là digoxin có nguồn gốc từ thực vật được chiết xuất từ cây mao địa hoàng có tác dụng trong việc chữa bệnh suy tim), nó sẽ làm giảm hiệu quả của thuốc.
Người đang uống thuốc loãng máu: Không ăn súp lơ xanh khi uống thuốc làm loãng máu. Vitamin K được tìm thấy với hàm lượng lớn trong những loại thực phẩm như bông cải xanh. Nếu sử dụng thuốc chứa warfarin làm loãng máu và trong chế độ ăn hôm ấy lại có súp lơ xanh đi kèm thì vô cùng nguy hiểm. Nguyên nhân là hàm lượng vitamin K cao có thể làm bất hoạt warfarin, gây nguy cơ tăng đông máu nên cực nguy hiểm cho người bệnh.
Phụ nữ mang thai: Khi mới có thai, chị em ăn nhiều súp lơ có thể làm tăng nguy cơ bị sảy thai. Lý do là quá nhiều vitamin C cũng không tốt cho chị em trong quá trình mang thai.
Người bị đau dạ dày: Súp lơ xanh là loại rau có chứa nhiều chất xơ, có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, nó lại dễ sinh ra nhiều khí gây đầy bụng khi ăn sống. Vì vậy, cách tốt nhất đối với người đau dạ dày là phải nấu chín súp lơ xanh trước khi ăn.
Người bị bệnh gout: Súp lơ giàu purin, có thể là tác nhân gây ra các triệu chứng liên quan đến gout, đặc biệt là súp lơ xanh sẽ khiến bệnh nặng hơn.
Súp lơ xanh cung cấp một số chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và phòng một số bệnh như: Tim mạch, cải thiện bệnh thiếu máu, giảm cân… Tuy nhiên để sử dụng súp lơ xanh với mục đích chữa bệnh, cần có thêm tư vấn từ các chuyên gia y tế.