Số ca sốt xuất huyết gia tăng, người dân cần chủ động kiểm soát, phòng chống bệnh
Bệnh sốt xuất huyết có xu hướng tăng lên trên địa bàn TP. Hà Nội và TP.HCM
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết ở thủ đô tăng nhanh gần đây. Tuần qua, thành phố ghi nhận 125 trường hợp, tăng 7 ca so với tuần trước đó. Bệnh nhân phân bố tại 25 quận, huyện; trong đó Đan Phượng, Phúc Thọ, Hà Đông, Đống Đa, Thạch Thất, Hoàng Mai ghi nhận nhiều trường hợp so với nơi khác.
Tính chung từ đầu năm đến nay ghi nhận 1.283 trường hợp mắc sốt xuất huyết và 39 ổ dịch, hiện còn 20 ổ dịch đang hoạt động.
Tại TP.HCM, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố cho hay số ca mắc tuần qua tăng 31% so với 4 tuần trước đó. Cụ thể, từ ngày 15 - 21/7, thành phố ghi nhận thêm 167 trường hợp. Trong đó, các quận, huyện có số ca mắc cao gồm Quận 1, TP Thủ Đức và Quận 7. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 29 tại TP HCM là 4.599 ca.
Sốt xuất huyết xảy ra rải rác trong năm, song cao điểm từ tháng 7 đến tháng 11. Đây là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra, lây truyền từ người bệnh sang người lành qua vật trung gian là muỗi vằn. Sau khi muỗi chích người bệnh sẽ mang mầm bệnh cho những người khỏe mạnh qua vết đốt.
Ban đầu, bệnh nhân sốt cao liên tục trong vòng 6 ngày, kèm đau mỏi người và cơ. Từ ngày 3 đến 7, tiểu cầu giảm dần, máu cô đặc, người bệnh có thể bị chảy máu niêm mạc, nội tạng, rối loạn đông máu, có thể sốc sốt xuất huyết.
Các chuyên gia nhận định rằng sốt xuất huyết không còn là bệnh phát triển theo chu kỳ mà năm nào cũng có số ca mắc cao do biến đổi khí hậu, môi trường và đặc điểm dân cư.
Người dân cần chủ động kiểm soát, phòng chống bệnh sốt xuất huyết
TS Hoàng Minh Đức - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, trên toàn cầu tính đến đầu tháng 5/2024 có hơn 7,6 triệu ca sốt xuất huyết được báo cáo, và hơn 3.000 trường hợp tử vong. Tại khu vực Đông Nam Á, hiện Singapore ghi nhận ca mắc sốt xuất huyết gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023...
Theo TS.Angela Pratt, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam, sốt xuất huyết vẫn là mối đe dọa toàn cầu đối với sức khỏe cộng đồng và nguy cơ chung ở cấp độ toàn cầu vẫn được đánh giá là cao.
Trước nguy cơ dịch bệnh sốt xuất huyết tăng cao, để chủ động kiểm soát, phòng, chống bệnh sốt xuất huyết một cách hiệu quả, không để xảy ra tình trạng dịch bùng phát,, trong tháng 7, Bộ Y tế đã ký ban hành công điện về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh mùa hè năm 2024 gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy, các hoạt động dọn bỏ vật dụng phế thải đọng nước với thông điệp "mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/ bọ gậy" tại hộ gia đình; thực hiện thông thoáng nơi ở, nơi làm việc; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay kể cả ban ngày; Tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng dịch.
Và khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sốt xuất huyết cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời...
Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết tăng trên 30 lần trong 50 năm qua. Ước tính khoảng 50-100 triệu trường hợp hàng năm ở trên 100 nước có bệnh dịch lưu hành, gây nguy cơ cho gần một nửa dân số thế giới. WHO đã cảnh báo sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất và là "mối đe dọa đại dịch". Biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, tốc độ đô thị hóa gia tăng cùng với sự giao thương đi lại giữa các quốc gia có thể khiến bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực lưu hành nặng, trong đó có Việt Nam. |