Những thực phẩm gần gũi lại có thể giảm axit dạ dày một cách tự nhiên
Axit trong dạ dày giúp bạn phân hủy và tiêu hóa thức ăn. Thừa axit dạ dày là tình trạng nồng độ axit tăng cao trong dạ dày, đôi khi nó xảy ra khi một lượng axit cao hơn bình thường được sản xuất. Tình trạng thừa axit dạ dày không phải là hiếm gặp, tuy nhiên cần phải xác định và điều trị sớm.
Các biến chứng của thừa axit dạ dày
Nếu không được điều trị, việc có nồng độ axit cao trong dạ dày có thể làm tăng nguy cơ phát triển các tình trạng sức khỏe khác liên quan tới dạ dày, bao gồm:
Viêm loét dạ dày: Viêm loét dạ dày là những vết loét có thể xuất hiện khi axit dạ dày bắt đầu ăn mòn niêm mạc dạ dày của bạn.
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Bệnh trào ngược dạ dày thực quản là tình trạng axit dạ dày trào ngược lên thực quản của bạn.
Chảy máu đường tiêu hóa: Tình trạng này liên quan tới việc nồng độ axit cao, gây chảy máu ở bất cứ vị trị nào trong đường tiêu hóa của bạn.
Các thực phẩm gần gũi hỗ trợ giảm dư axit dạ dày
Nghệ và mật ong
Nghệ là một loại củ không chỉ có tác dụng trong việc làm liền sẹo, dưỡng da mà còn là vị thuốc lâu đời trong dân gian được sử dụng để chữa các vấn đề về hệ tiêu hóa. Nghệ chứa curcumin và các loại tinh dầu có lợi cho hệ đường ruột, giải độc gan thường được dùng trong các trường hợp bị đau dạ dày, vàng da.
Cách dùng
Bạn sử dụng 2-3 thìa tinh bột nghệ pha với mật ong, trộn đến khi hỗn hợp sệt lại thì đã có thể dùng.
Trường hợp bạn không có tinh bột nghệ thì có thể thử dùng nghệ sống cùng với mật ong.
Cây dạ cẩm
Cây dạ cẩm được biết đến là một loại dược liệu có vị ngọt đắng, tính bình. Được dùng giúp giảm đau, chống viêm, trung hòa axit dạ dày, giảm tình trạng ợ chua, cải thiện tiêu hóa. Bộ phận thường được sử dụng của cây dạ cẩm là lá và ngọn non, có thể dùng toàn cây trừ rễ (bởi vì tác dụng kém hơn bộ phận khác).
Cách dùng
Cây dạ cẩm tươi, rửa sach rồi phơi khô để ở nơi thoáng mát.
Mỗi ngày bạn chỉ cần dùng 40g dược liệu này sắc với khoảng 500ml nước, gạn lấy nước uống, chia thành 3 lần uống trước bữa ăn khoảng 30 phút. Bạn có thể thêm chút đường để có thể dễ uống hơn.
Bạn nên kiên trì duy trì trong vòng khoảng 10 ngày để giúp tình trạng tiến triển tốt.
Lá tía tô
Tía tô là một loại rau thơm có mặt trong nhiều bữa cơm gia đình. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng tía tô có khả năng điều trị GERD nhờ tác dụng ổn định dịch vị, ức chế việc tiết axit ở dạ dày. Tất cả tác dụng là do tannin và glycoside có trong lá tía tô.
Cách thực hiện:
Lá rửa sạch và để ráo.
Cho lá vào ấm hãm với nước sối trong khoảng 15 phút. Uống phần nước lá hàng ngày.
Cách đơn giản hơn là lấy lá tía tô để chế biến các món ăn cho gia đình cũng giúp cho dạ dày của bạn được hoạt động tốt hơn.
Cần đảm bảo Chế độ ăn uống lành mạnh giúp giảm axit dạ dày hiệu quả
Chế độ dinh dưỡng hàng ngày có vai trò vô cùng quan trọng trong việc kiểm soát lượng axit có trong dạ dày. Để ngăn ngừa tình trạng gia tăng axit dạ dày đồng thời giúp trung hòa dịch vị bạn nên tăng cường bổ sung đa dạng Rau củ quả trong bữa ăn hằng ngày.
Rau củ quả có ít chất béo và đường tự nhiên, chúng chứa nhiều chất xơ giúp cho hoạt động của hệ tiêu hóa hiệu quả và còn có tác dụng giảm axit trong dạ dày. Bạn có thể lựa chọn các loại rau củ sau đây cho bữa ăn của mình: đậu xanh, bông cải xanh, súp lơ trắng, măng tây, rau lá xanh, dưa chuột, khoai tây…
Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng, sử dụng bất kỳ bài thuốc nào, nhất là đối với những người có biểu hiện bệnh phức tạp hoặc đang dùng thuốc khác. Nên theo dõi khi sử dụng các phương pháp trên và dừng lại khi thấy có bất kỳ biểu hiện bất thường nào liên quan đến sức khỏe.