Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm tổ chức thành công chương trình thiện nguyện “Xuân về trên rẻo cao”
Tạp chí điện tử Thương hiệu & Sản phẩm: Trao hỗ trợ cho bà con vùng lũ miền Trung Hội VNPS chúc mừng Tạp chí TH&SP nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam |
Từ ngàn đời nay, dân tộc Việt Nam ta luôn giàu lòng nhân ái, luôn có sự đùm bọc, yêu thương hỗ trợ lẫn nhau trong cộng đồng xã hội. “Lá lành đùm lá rách”; “Một nắm khi đói bằng một gói khi no” là nét đẹp truyền thống của người Việt Nam mà không phải dân tộc nào cũng có, yêu thương người có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, giúp đỡ trẻ em nghèo vượt khó là những việc làm thể hiện truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta.
Vì vậy, với tất cả tình yêu thương và sự trân trọng, Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm đã chuẩn bị những điều tốt đẹp nhất có thể thông qua chương trình thiện nguyện “Xuân về trên rẻo cao” đến với các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Trường mầm non, Trường Tiểu học và Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Chày thuộc xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai.
Học sinh các trường Mầm non, Tiểu học, Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nậm Chày. |
Theo đó, Trường Mầm non; Trường Tiểu học và Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS xã Nậm Chày là các trường đóng trên địa bàn có nhiều thôn bản đặc biệt khó khăn của xã Nậm Chày, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai, đời sống kinh tế của nhân dân còn khó khăn, địa bàn trường quản lý rộng gồm có 8 điểm trường/8 thôn bản, có điểm trường cách điểm trường chính 25 km, giao thông đi lại khó khăn, nhất là những ngày mưa các thầy cô, học sinh phải đi bộ hàng tiếng đồng hồ mới đến được điểm trường.
Học sinh tại các trường trên chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc H’ Mông chiếm trên 99,9%, tỉ lệ học sinh là con em hộ đói nghèo chiếm 48% số học sinh trong trường. Người dân ở địa bàn trường đóng sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy, diện tích đất canh tác ít, không có nghề phụ, đời sống gặp rất nhiều khó khăn nên thường xuyên đi làm ăn xa, không có nhiều thời gian quan tâm tới con mình...
Các em học sinh nơi đây còn thiếu thốn nhiều: Ăn không đủ no, không đủ áo ấm, vào mùa đông lạnh sương mù dài ngày thậm chí sương mù kéo dài đến hàng tháng nên chăn bông cho các em học sinh bán trú THCS không đủ, không đủ giày dép cho các cháu trường Mầm non, Tiểu học để đi, đồ dùng học tập thiếu, có học sinh phải nghỉ học buổi chiều để ở nhà phụ giúp gia đình. Mặc dù trong thời gian qua, nhà trường và chính quyền địa phương, các nhà hảo tâm, các đoàn từ thiện cũng có nhiều các hoạt động giúp đỡ động viên các em học sinh tiếp tục đến trường. Tuy nhiên, sự giúp đỡ, ủng hộ đó chỉ giảm bớt được phần nào khó khăn của các em.
Các tiết mục văn nghệ mở đầu chào mừng chương trình “Xuân về trên rẻo cao” |
Vì vậy, ngay khi nhận được đề nghị hỗ trợ của Trường mầm non; Trường tiểu học và Trường phổ thông dân tộc bán trú THCS xã Nậm Chày. Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm đã khẩn trương vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm có tấm lòng nhân ái tham gia chương trình “Xuân về trên rẻo cao”.
Chỉ trong thời gian ngắn, BTC đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều đơn vị như: Tập đoàn Geleximco, Đoàn thanh niên Công an huyện Văn Bàn, Lớp Trung cấp lý luận chính trị hành chính A05-19…
Theo đó, tổng giá trị quà tặng lần này BTC kêu gọi được trị giá khoảng 200 triệu đồng để mua các vật dụng thiết yếu như chăn bông, vỏ gối, nồi cơm điện, giày dép, xoong nồi, thảm xốp trải sàn, khăn mặt, mì tôm, nước giặt... theo đề nghị của nhà trường, cùng 12 xuất học bổng dành cho các em học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn…
Nhà báo Nguyễn Viết Hưng - Tổng biên tập TC TH&SP phát biểu tại chương trình |
Phát biểu tại chương trình, Nhà báo Nguyễn Viết Hưng - Tổng biên tập Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm cho biết: “Giá trị của món quà tặng không lớn, có lẽ cũng không đủ giải quyết mọi khó khăn của các thầy, cô giáo, các em học sinh. Nhưng chúng tôi hy vọng với những món quà nhỏ này sẽ phần nào khích lệ, động viên tinh thần các thầy, cô giáo và các em học sinh để cùng vượt qua hoàn cảnh khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ giảng dạy và học tập của mình.”
Bên cạnh đó, Tổng biên tập Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc tới các nhà tài trợ, đặc biệt sự giúp đỡ hết sức quý báu của Tập đoàn Geleximco, cùng các nhà hảo tâm đã đồng hành cùng Tạp chí để “góp gió thành bão” thổi bùng lên ngọn lửa yêu thương, phát huy tinh thần tương thân tương ái của dân tộc. Nhà báo Nguyễn Viết Hưng mong rằng, trong thời gian tới các doanh nghiệp, các đơn vị tiếp tục chung tay với Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm tổ chức các chương trình thiện nguyện tiếp theo.
Nhà báo Trịnh Xuân Quang - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Geleximco chia sẻ cảm xúc tại chương trình |
Phát biểu tại chương trình, Nhà báo Trịnh Xuân Quang - Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Geleximco chia sẻ: “Nhờ sự kết nối của BTC chương trình, chúng tôi được biết về những điều kiện khó khăn của các cháu học sinh nơi đây. Tôi thực sự xúc động trước hoàn cảnh học tập của các cháu và hy vọng rằng, món quà nhỏ này sẽ góp một phần nhỏ bé chia sẻ phần nào những khó khăn vật chất mà các cháu đang gặp phải”.
Nhà báo Trịnh Xuân Quang thay mặt cho Tập đoàn Geleximco trao tặng quà tài trợ cho Ban giám hiệu |
Bên cạnh đó, 12 xuất học bổng cũng đã được trao tặng cho những em học sinh hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có thành tích học tập tốt |
Trong những năm qua, Tạp chí Thương hiệu & Sản phẩm đã tổ chức được nhiều chương trình hoạt động thực tế ở các địa phương xa, các hoạt động thiện nguyện hướng đến những mảnh đời còn chưa nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội; Các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những thương bệnh binh đang điều trị tại các trung tâm, những trẻ em khuyết tật, mồ côi; trẻ em bị mắc bệnh hiểm nghèo. Và gần đây nhất là chuyến ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt tại miền trung vào đầu tháng 11 vừa qua.
Chương trình “Xuân về trên rẻo cao” thành công tốt đẹp nhờ sự phối hợp hỗ trợ của các nhà hảo tâm |
Xã Nậm Chày cách trung tâm huyện Văn Bàn 30km về phía Tây, có 526 hộ với 3181 nhân khẩu. Trong đó, có 189 hộ nghèo chiếm 35,93%; tỷ lệ hộ cận nghèo chiếm 20,91%, dân tộc H'Mông chiếm 99,61%. Xã có 8 thôn bản, thu nhập của người dân chủ yếu từ hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Các hoạt động kinh doanh, dịch vụ chưa phát triển, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao, đời sống người dân còn đặc biệt khó khăn. |