Tăng phạt, siết quảng cáo để bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Siết quảng cáo thực phẩm chức năng để bảo vệ người tiêu dùng |
Chế tài chưa đủ mạnh trước thực phẩm vi phạm
![]() |
Tăng cường kiểm soát chất lượng và nguồn gốc thực phẩm lưu thông trên thị trường. |
Trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, cử tri TP Huế ngày 9/7 đã có kiến nghị gửi Bộ Y tế phản ánh tình trạng đáng lo ngại về an toàn thực phẩm. Thực phẩm chức năng kém chất lượng, sữa giả được rao bán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội. Đáng lo hơn, nhiều loại thực phẩm không nhãn mác, không rõ nguồn gốc lại xuất hiện trước cổng các trường học, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân, đặc biệt là trẻ em.
Theo Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, hệ thống pháp luật và chế tài xử lý các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm hiện nay vẫn chưa theo kịp thực tiễn. Từ năm 2020 đến tháng 5 năm 2025, ngành y tế đã kiểm tra hơn 1,9 triệu cơ sở và xử lý trên 50.000 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền phạt lên tới hơn 247 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức xử phạt hiện hành được đánh giá là chưa đủ sức răn đe trong bối cảnh thị trường thực phẩm ngày càng phức tạp, đặc biệt là hoạt động quảng cáo trên không gian mạng.
Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Y tế cho biết đang là đầu mối tham mưu, trình Chính phủ sửa đổi các văn bản pháp luật quan trọng để tăng tính răn đe và xử lý vi phạm hiệu quả hơn. Cụ thể, Bộ đang đề xuất sửa đổi Nghị định số 15/2018, Nghị định số 115/2018 và Nghị định số 124/2021 theo hướng tăng mức xử phạt hành chính từ 1,2 đến 2 lần so với mức hiện tại. Các hành vi bị siết chặt bao gồm: vi phạm quy định về tự công bố và đăng ký bản công bố sản phẩm; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, phụ gia và hóa chất ngoài danh mục cho phép; vi phạm điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong kinh doanh dịch vụ ăn uống; và đặc biệt là hành vi quảng cáo sai sự thật.
Thực tế cho thấy, quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thuốc và sữa hiện nay đang bị lợi dụng để lách luật, đặc biệt thông qua các nhân vật nổi tiếng và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội. Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phối hợp với Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xử lý nhiều cá nhân nổi tiếng vi phạm trong hoạt động quảng cáo sản phẩm.
Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đang nghiên cứu, đề xuất tăng mức phạt tiền và áp dụng hình thức buộc tạm ngừng hoạt động quảng cáo trong một thời gian nhất định đối với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Bên cạnh xử lý cá nhân, cơ quan chức năng yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới có trách nhiệm chặn, gỡ nội dung vi phạm, khóa tài khoản và triển khai công nghệ kiểm duyệt nội dung quảng cáo chặt chẽ hơn để phòng ngừa vi phạm.
Về phía cơ quan bảo vệ pháp luật, Bộ Công an cũng đang xây dựng Dự thảo sửa đổi Bộ luật Hình sự, trong đó đề xuất nâng mức hình phạt tù và phạt tiền đối với một số tội danh liên quan đến an toàn thực phẩm. Đây là biện pháp cần thiết để tăng tính răn đe đối với các hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm. Trong tháng cao điểm đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, công an các đơn vị, địa phương đã khởi tố 124 vụ và 297 bị can; xử lý hành chính 944 vụ với 968 đối tượng liên quan đến thuốc giả, sữa giả và thực phẩm chức năng giả.
Hoàn thiện pháp luật để kiểm soát toàn diện
![]() |
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan. Ảnh: Trần Minh |
Một trong những bước đi pháp lý lớn hiện nay là việc Bộ Y tế đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật An toàn thực phẩm sửa đổi và trình Chính phủ vào tháng 12 năm 2024. Ngay sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 158/NQ-CP ngày 3 tháng 6 năm 2025, giao Bộ Y tế chủ trì xây dựng chính sách và bổ sung dự án Luật này vào Chương trình lập pháp năm 2025 của Quốc hội. Luật dự kiến sẽ được trình Quốc hội thảo luận và thông qua tại kỳ họp thứ 10, tháng 10 năm 2025.
Dự án luật mới được kỳ vọng sẽ khắc phục các bất cập hiện nay trong công tác quản lý an toàn thực phẩm. Cụ thể, theo Bộ Y tế, việc quản lý sản phẩm hiện đang được phân theo ngành dọc, với trách nhiệm quản lý toàn diện các cơ sở sản xuất, kinh doanh giao cho UBND cấp tỉnh. Tuy nhiên, mô hình quản lý phân tán, nhiều đầu mối đã tạo ra tình trạng chồng chéo, thiếu hiệu quả và làm giảm năng lực phản ứng nhanh khi thị trường phát sinh rủi ro. Do đó, luật sửa đổi sẽ hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu lực phối hợp liên ngành, xác lập trách nhiệm rõ ràng giữa các cấp, đồng thời đẩy mạnh công tác hậu kiểm tại địa phương.
Song song với quá trình sửa đổi luật về an toàn thực phẩm, Quốc hội cũng đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, sẽ có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2026. Điểm mới đáng chú ý trong luật này là yêu cầu cá nhân, tổ chức tham gia chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải xác minh độ tin cậy và kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm. Những người này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu nội dung quảng cáo không đảm bảo yêu cầu. Đây được coi là một bước tiến trong việc xác lập rõ ràng trách nhiệm cá nhân, đặc biệt với các đối tượng thường xuyên quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội.
Cũng trong năm 2025, Bộ Y tế – với vai trò Thường trực Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm – đã ban hành 8 văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường phòng chống thuốc giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả. Đồng thời, cơ quan này cũng triển khai đợt cao điểm trong tháng 5 về kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các bộ như Công an, Công Thương, Nông nghiệp và Môi trường… nhằm triệt phá các đường dây sản xuất và buôn bán thực phẩm giả trên diện rộng.
Việc quản lý an toàn thực phẩm đang đứng trước yêu cầu cấp thiết: phải chuyển từ tư duy phản ứng sang tư duy chủ động. Khi công nghệ ngày càng phát triển, hành vi vi phạm cũng tinh vi hơn, thì chính sách và pháp luật càng cần được nâng cấp kịp thời. Tăng cường chế tài, sửa đổi luật và kiểm soát truyền thông quảng cáo không chỉ là phản ứng kỹ thuật, mà là điều kiện sống còn để bảo vệ sức khỏe cộng đồng và bảo vệ uy tín thương hiệu thực phẩm Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Tin khác

Giải mã cách ăn thịt gà an toàn cho người mỡ máu cao

Bông cải xanh: tốt cho sức khỏe nhưng đừng ăn quá nhiều

Những sáng kiến đột phá giúp Tập đoàn TH được vinh danh “Nhà lãnh đạo kinh tế tuần hoàn”

Bí quyết sống trăm tuổi của người tại 1 vùng ở Italy

Những thói quen đơn giản giúp phòng ung thư đại trực tràng hiệu quả

Thức khuya lướt điện thoại: Thói quen hủy hoại sức khỏe âm thầm

Khám chữa bệnh vượt tuyến: Bảo hiểm y tế chi trả thế nào?

Trà hoa cúc: Thức uống thanh khiết với nhiều công dụng tuyệt vời cho sức khỏe

Cẩn trọng khi thưởng thức hải sản mùa du lịch
