Tác dụng chữa bệnh của cây ngũ trảo
Tác dụng của cây trẩu Tác dụng hữu ích của cây bình bát Tác dụng hữu ích của cây cò ke |
Đặc điểm của cây ngũ trảo
Cây ngũ trảo có tên khoa học là Folium Viticis negundo, thuộc họ cỏ roi ngựa (Verbenaceae) tên gọi khác là chân chim, ngũ trảo răng cưa, hoàng kinh, ô liên mẫu…
Cây có thân gỗ nhỏ, thân cây nhẵn hoặc có ít lông mỏng, cây sống lâu năm và có thể cao từ 3 - 5 mét. Cành ngũ trảo non thường có hình vuông, có khía, màu xám nâu hoặc xám.
Lá ngũ trảo hình chân chim, tổng thể lá giống như 5 cái móng chim nên được gọi là ngũ trảo. Lá dài khoảng 5 – 8 cm, rộng khoảng 3 – 4 cm, gốc lá tròn, đầu nhọn, mép ở đầu lá có răng cưa, mặt trên màu xanh lục sẫm, mặt dưới phủ một lớp lông mịn màu trắng bạc. Lá mọc đối, kép, chân vịt có 5 lá chét hình trái xoan.
Hoa ngũ trảo mọc thành chùm ở đầu cành, màu tím nhạt hoặc màu tím lam, mặt ngoài hoa có phủ một lớp lông màu xám trắng hoặc xám nâu. mùa hoa vào tháng 11.
Quả ngũ trảo mọng nước, khi chín có màu đen hoặc vàng đen, trên phía đỉnh quá thường lõm nhẹ và có các đài bao bọc, quả thường có 4 hạt
Cây ra hoa vào tháng 11 và kết quả từ tháng 5 đến tháng 7 hằng năm.
Cây ngũ trảo ưa ẩm và ưa sáng nên thường mọc ở các vùng đất ẩm, sinh trưởng phát triển tốt khi vào hè.
Vỏ cây và rễ của cây có thể thu hoạch quanh năm, phần quả thu hoạch vào mùa hè, dược liệu có thể dùng tươi hoặc khô đều được, riêng quả phơi hoặc sấy khô để bảo quản dùng dần.
Dược liệu nên để ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh độ ẩm và công trùng.
Thành phần hóa học: Các thành phần chủ yếu được tìm thấy trên cây ngũ trảo như Alcaloid, tinh bột, Crom, Delphilipin3- Coumaroyl- Sophorosid-5-Monoglucosid, Creatinin, Tanin.
Theo y học cổ truyền: Lá ngũ trảo có vị cay, đắng the, tính bình, mùi thơm đặc trưng. Rễ cây bổ, tính mát. Quả vị đắng, cay tính ấm.
Tác dụng: Giải biểu, hóa thấp, lợi tiểu, chống ngứa, điều hòa kinh nguyệt, trừ phong, hành khí, tiêu đờm, giảm đau, trừ giun, hạ nhiệt, long đờm, kích thích hệ thống tiêu hóa.
Bài thuốc sử dụng cây ngũ trảo
Chữa đau lưng do gai cột sống
Sử dụng lá ngũ trảo, lá cây đại tướng quân và bồ công anh, phân lượng bằng nhau, mang đi giã nát với một ít muối. Sau đó trộn với rượu trắng (khoảng 40 độ) rồi xào nóng lên, dùng đắp vào vị trí cột sống bị đau.
Trị cảm mạo, phong hàn
Lấy 30g lá ngũ trảo, hành tăm, gừng tươi mỗi loại 6g, sắc thành thuốc, uống khi thuốc còn ấm, chia thành 2 lần . Mỗi ngày uống 1 thang liên tục từ 1 – 3 ngày.
Phòng chống viêm ruột, sốt rét, trúng độc
Sử dụng lá ngũ trảo non thu hái vào đầu mùa hạ, phơi âm can (phơi ở bóng mát) đến khi khô. Dùng 5 – 10g mỗi lần, hãm nước sôi, dùng uống như trà.
Chữa vết thương do bỏng lửa nhẹ
Lấy cành ngũ trảo băm nhỏ, sao cháy tồn tính, tán thành bột mịn, sau trộn đều với dầu mè hay dầu sở. Dùng bôi lên vết thương, 1 – 2 lần mỗi ngày cho đến khi vết thương lành hẳn.
Chữa lỵ trực khuẩn, bệnh viêm ruột, hỗ trợ tiêu hóa kém
Lấy quả (hạt) ngũ trảo 500g, men rượu 30g, đem đi sao vàng, nghiền thành bột mịn, sau đó trộn đều với 250g đường kính. Mỗi lần dùng uống 6g, mỗi ngày uống 3 – 4 lần, duy trì trong 3 – 5 ngày liên tục.
Trị cảm lạnh đau dạ dày hoặc cảm nắng đau bụng
Sử dụng 15g lá ngũ trảo tươi, 10g đọt non nghể nhẵn, sắc thành thuốc, dùng uống.
Ngoài ra có thể lấy quả ngũ trảo nghiền thành bột. Mỗi ngày dùng uống 6g.
Điều trị hen suyễn do nhiễm lạnh
Sử dụng quả ngũ trảo tươi sấy khô, nghiền thành bột mịn. Dùng uống 6g mỗi lần, ngày uống 3 lần.
Chữa mề đay mẩn ngứa, ngứa ngoài da
Lấy lá ngũ trảo tươi nấu nước, dùng ngâm, tắm vùng da bệnh.
Chữa trào ngược dạ dày, xuất huyết dạ dày
Lấy 60g rễ ngũ trảo, 30g tiên hạc thảo và 1 con gà mái. Gà mái làm sạch, bỏ đầu, chân và nội tạng. Sau đó cho dược liệu vào phần bụng của gà, hấp cách thủy đến khi gà chín thì bỏ bã thuốc và ăn nhiều lần trong ngày.
Điều trị bệnh giun chỉ
Lấy 30g rễ ngũ trảo, thái thành phiến mỏng, tẩm rượu, sao vàng, sắc thành nước uống trước bữa ăn chiều.
Chữa rắn độc cắn, toàn thân phù mọng nước
Lấy một lượng vừa đủ lá ngũ trảo non, giã nhuyễn, vắt lấy nước cốt thoa vào phần mọng nước. Phần bã lá đắp lên vết rắn cắn để hút nọc độc. Sau đó đưa người bệnh đến bệnh viện để kiểm tra.
Chữa viêm dạ dày, viêm ruột cấp tính, tiêu chảy, nôn mửa
Lấy lá ngũ trảo, chế bán hạ, hoắc hương, nghể nhẵn, mỗi vị đều 20g, sắc thành thuốc dùng uống 2 lần mỗi ngày.
Trị trẻ em nhiều đờm dãi tắc đường thở, kinh phong
Lấy nước cốt lá ngũ trảo và nước cốt măng tre tươi, mỗi vị 50 ml hòa cùng 3 – 5 giọt gừng tươi, thêm nước sôi để nguội, cho trẻ uống trong ngày từ 2 – 3 lần.
Chữa viêm phế quản mạn tính
Lấy quả ngũ trảo, bồ công anh mỗi loại 15g, 10g Lá nhót, 6g Trần bì sắc thành thuốc, dùng uống 2 lần mỗi ngày. Mỗi ngày dùng 1 thang liên tục trong 5 – 7 ngày.
Kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng
Lấy 12g vỏ cây ngũ trảo, rửa sạch, cắt thành đoạn nhỏ, sắc thành thuốc, uống khi còn nóng và 30 phút trước bữa ăn.
Chữa đau bụng kinh ở phụ nữ
Lấy 16 – 40g lá ngũ trảo nấu cùng 500 ml nước, đến khi cạn còn 200 ml thì chia uống 2 lần trong ngày. Lấy liên tục trong 10 ngày trước chu kỳ kinh nguyệt.
Trị cảm mạo, nhức đầu, sổ mũi, sốt cao
Sử dụng lá ngũ trảo 100g, 40g lá cam, lá bưởi, lá chanh, lá sả, ngải cứu, mỗi vị 20g, nâu cùng 5 lít nước, dùng xông hơi.
Lưu ý khi sử dụng cây ngũ trảo
Không sử dụng các thành phần như vỏ, rễ, lá, thân cây hay quả ngũ trảo đối với người có tình trạng bị suy nhược cơ thể, gầy yếu, người đang bị táo bón hoặc nóng trong người.
Không dùng với người bị dị ứng hoặc mẫn cảm với các thành phần có trong ngũ trảo.
Người bệnh nên trao đổi với thầy thuốc về liều lượng và cách sử dụng cụ thể để đảm bảo an toàn đạt hiệu quả tốt nhất.
Tác dụng của dây đau xương |
Những loại rau có tác dụng ngăn ngừa ung thư |
Tác dụng chữa bệnh của cây cát sâm |